Phong phú không gian diễn xướng Quan họ

28/10/2024 10:13 Số lượt xem: 214
Sau 15 năm được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Dân ca Quan họ Bắc Ninh đang thực sự “bám rễ” sâu rộng trong đời sống người dân không chỉ ở Bắc Ninh mà còn được nhiều cộng đồng, vùng miền khác đón nhận, thực hành.

Thống kê phạm vi toàn tỉnh có 44 làng Quan họ gốc, 150 làng Quan họ thực hành được tỉnh ra Quyết định công nhận và còn khoảng 600 CLB Quan họ duy trì sinh hoạt thường xuyên. Tỉnh Bắc Giang có 5 làng Quan họ gốc và 84 CLB Quan họ. Cùng với không gian văn hóa Quan họ truyền thống, dân ca Quan họ đã phát triển, lan tỏa đến nhiều địa phương, tỉnh thành trong cả nước, tiêu biểu như thành phố Hồ Chí Minh có 17 CLB Quan họ; các tỉnh, thành khác cũng có nhiều CLB Quan họ hoạt động sôi nổi như Hà Nội, Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Khánh Hòa, Bình Định, Lâm Đồng, Kon Tum, Lai Châu... khẳng định sức hấp dẫn của di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong đời sống đương đại.

 

Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh được sáng tạo thể nghiệm trình diễn trên không gian sân khấu hiện đại.


Di sản văn hóa Quan họ có những đóng góp tích cực trong đời sống tinh thần và phát triển kinh tế của cộng đồng. Quan họ ngày nay không chỉ là một loại hình hát đối, tức đôi liền anh đối đáp với đôi liền chị được gọi là hát hội, hát canh, mà còn hát cả nhóm liền anh đối đáp cùng cả nhóm liền chị; từ chỗ hát Quan họ truyền thống không có khán giả thì nay Quan họ được đưa vào thể nghiệm hát trên sân khấu, hát có nhạc đệm, được trình diễn trong các hội nghị, sự kiện, phục vụ du khách tại các điểm du lịch cộng đồng...
Để Quan họ đến gần hơn với công chúng, từ tháng 8-2017 đến nay, tỉnh Bắc Ninh tổ chức và duy trì đều đặn chương trình hát dân ca Quan họ trên thuyền vào dịp lễ, Tết. Đến nay, hàng chục chương trình với sự đa dạng về chủ đề đã được tổ chức, như: “Tứ hải giao tình”, “Phùng quan tế hội”, “Sum họp trúc mai”, “Tương phùng tương ngộ”, “Về Thiên Thai”, “Lời ca dâng Bác”, “Giai điệu tự hào”… để lại ấn tượng sâu sắc đối với du khách trong và ngoài nước.
Ngày nay, Quan họ không chỉ là niềm tự hào, là nét đẹp của riêng người dân Bắc Ninh - Kinh Bắc mà còn của cả dân tộc Việt Nam và nhân loại. Những làn điệu trữ tình, ngọt mượt, thiết tha đã theo bao người con quê hương Việt Nam ra thế giới. Ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Cộng hòa Séc, Cộng hòa liên bang Đức... đều có những CLB Quan họ được thành lập để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần và thỏa mãn nỗi nhớ quê hương của những người con xa xứ, đồng thời góp phần giới thiệu nét đẹp của văn hóa Quan họ tới người dân nước sở tại.
Giới nghiên cứu cho rằng, trong thế kỷ 21, không gian diễn xướng Quan họ đã biến đổi nhiều so với không gian “cây đa, bến nước, sân đình” xưa. Chẳng hạn, đồi Lim (Tiên Du) được quy hoạch xây dựng thành khu trung tâm lễ hội dân gian để trình diễn Quan họ nhưng do lượng khách trong ngày hội rất đông nên hoạt động diễn xướng, ca hát dù trên đồi hay dưới thuyền đều phải sử dụng micro phát qua loa máy, vì nếu chỉ “hát chay, hát mộc” sẽ bị những âm thanh của lễ hội lấn át.
Thời gian diễn xướng Quan họ bây giờ cũng thay đổi. Ngoài tập trung vào hai mùa xuân thu nhị kì hay những dịp lễ tiết quan trọng của xóm làng thì Quan họ còn được trình diễn quanh năm suốt tháng, từ hội nghị cấp quốc gia cho tới những cuộc họp mặt của các nhóm bạn; từ sân khấu hoành tráng đến các lễ hội, đám cưới, mừng thọ, khai trương khách sạn, cửa hàng, công ty, doanh nghiệp... Nội dung các làn điệu cũng đa dạng, hát theo lối cổ, hát với phần đệm của nhạc cụ dân tộc, hát với nhạc đệm và sự hỗ trợ của hệ thống loa máy phóng thanh hiện đại.
Đáng chú ý, kể từ sau khi di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh, ngày càng có thêm nhiều làn điệu Quan họ được chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng trình diễn hoặc diễn tấu bằng các nhạc cụ phương Tây như guitar, piano, violon... Những làn điệu: Xe chỉ luồn kim, Hoa thơm bướm lượn, Nam nhi, Ra ngó vào trông, Nhớ mãi khôn nguôi... đã theo các nghệ sĩ Việt Nam đi biểu diễn khắp thế giới, xuất hiện trong những buổi hòa nhạc lớn.
Như vậy, Quan họ trong thế kỷ 21 có nhiều sự biến đổi về không gian, thời gian, lề lối, làn điệu cũng như các hình thức sinh hoạt. Quan họ xuất hiện khắp nơi từ chốn cao sang đến làng quê, xóm ngõ hẻo lánh... Song chính sự phong phú về hình thức diễn xướng, sự trân trọng trong cách sáng tạo đổi mới của cộng đồng đã làm cho Quan họ lan tỏa cả chiều rộng lẫn chiều sâu, giúp công chúng thế giới biết thêm về đất nước Việt Nam cũng như văn hóa, con người Bắc Ninh-Kinh Bắc.
Sẽ không quá khi nói rằng, trong nền cổ nhạc Việt Nam cũng như trong số các di sản văn hóa phi vật thể thế giới của Việt Nam hiện nay, chỉ riêng Dân ca Quan họ Bắc Ninh là có được sức sống mãnh liệt với sự phổ biến rộng khắp đến thế. Đáng trân trọng hơn nữa là thế hệ kế cận, số lượng người tham gia biểu diễn, giới thiệu và tìm hiểu về văn hóa Quan họ vẫn tiếp tục tăng lên, càng chứng minh cho sức hút và sự phát triển bền vững, trường tồn của di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Việt Thanh

Diễn đàn công luận