Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ phòng học kiên cố toàn quốc đạt 100%

25/10/2024 10:51 Số lượt xem: 484
Ngày 25-10, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến với UBND 63 tỉnh, thành phố tổng kết công tác xã hội hoá kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023.

Nhiều năm qua, Bắc Ninh luôn dẫn đầu toàn quốc về tỷ lệ phòng học  kiên cố và trường chuẩn quốc gia các cấp.
Ảnh: Trường Tiểu học Hoàn Sơn, huyện Tiên Du

 

Theo Báo cáo của Bộ GD-ĐT, đến hết năm 2023, cả nước có gần 628.571 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập, tăng 73.290 phòng học so với năm 2013; trong đó, số phòng học kiên cố 545.375 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hoá (KCH) là 86,6%, tăng 20,7% so với năm 2013, cụ thể theo từng cấp học như sau: Mầm non: 142.177 phòng học; tỷ lệ KCH 83,0%, tăng 35,3% so với năm 2013; Tiểu học: 254.967 phòng học, tỷ lệ KCH 83,2%, tăng 21,6% so với năm 2013; THCS: 125.001 phòng học, tỷ lệ KCH 94,9%, tăng 14,4% so với năm 2013; THPT: 60.514 phòng học, tỷ lệ KCH 97,0%, tăng 6,6% so với năm 2013. Về nhà công vụ cho giáo viên, do chưa thực sự được quan tâm như vấn đề kiên cố trường, lớp học nên hết năm 2023, cả nước vẫn cần 10.794 phòng công vụ cho giáo viên các cấp.

Điều đáng ghi nhận, số phòng học được đầu tư từ nguồn XHH trong 10 năm khoảng 36.000 phòng; số phòng công vụ cho giáo viên khoảng 1.300 phòng. Tổng diện tích đất đã sử dụng để đầu tư xây dựng mới, KCH phòng học, phòng công vụ cho giáo viên từ các địa phương hơn 521 ha.

Tại Bắc Ninh, kết thúc năm học 2022-2023 toàn tỉnh về đích với 100% phòng học kiên cố. Ngoài ra, ngành còn được xây mới 1.018 phòng học Mầm non, 876 phòng học Tiểu học, 393 phòng học THCS và 95 phòng học THPT công lập. Số phòng công vụ cho giáo viên: Giai đoạn 2013-2023, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh không có nhà công vụ cho giáo viên, do ít có nhu cầu. 100% trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia mức 1 và mức 2, dẫn đầu toàn quốc.

Những năm gần đây, do áp lực quá tải về số lớp và số học sinh/lớp tại nhiều trường học khu vực đô thị, khu đông dân cư. Ngành GD-ĐT đã tích cực tham mưu với tỉnh nhiều giải pháp phù hợp trong quy hoạch tổng thể mạng lưới trường, lớp học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và có giá trị sử dụng lâu dài, có tính đến quy mô tăng, giảm học sinh, vì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến xác đáng của đại diện các tỉnh, thành phố và các ngành hữu quan T.Ư về các vấn đề liên quan. Bộ GD-ĐT nhận định, mặc dù còn nhiều khó khăn về vấn đề kiên cố trường học và nhà công vụ cho giáo viên, nhưng ngành vẫn đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 100%.

Để đạt mục tiêu đó, Bộ GD-ĐT thống nhất 5 nhóm giải pháp gồm: Thứ nhất, quy hoạch mạng lưới trường, lớp học tại các địa phương là giải pháp trọng tâm để thu hút được đầu tư cho giáo dục từ nguồn XHH, đặc biệt là việc KCH trường, lớp học và NCV cho giáo viên. Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền và phong trào XHH, tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc đóng góp cho giáo dục. Thứ ba, tăng cường phối hợp giữa địa phương và doanh nghiệp, Chính quyền các cấp ở địa phương cần làm việc chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp, cung cấp cơ chế hỗ trợ phù hợp để khuyến khích họ đầu tư vào giáo dục. Thứ tư, khuyến khích mô hình hợp tác công tư (PPP) để tận dụng tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân, đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Thứ năm, xây dựng cơ sở dữ liệu về nhu cầu đầu tư kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trên cả nước. Có chính sách hấp dẫn về thuế cho các doanh nghiệp, khi tham gia hỗ trợ, XHH cho phát triển giáo dục.

Thanh Tú

Diễn đàn công luận