Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế

31/10/2024 21:22 Số lượt xem: 111
Sáng 31-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng; Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Tham gia thảo luận tại Tổ 13, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh có 2 lượt ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh và Trần Thị Vân về việc thành lập thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Các đại biểu góp ý về một số vấn đề để thành phố Huế quan tâm đầu tư, lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sức bật phát triển mới, xứng đáng là thành phố trực thuộc Trung ương.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Luật BHYT được Quốc hội thông qua năm 2008, được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2014, là cơ sở pháp lý cao nhất, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Đây là lần lập pháp thứ ba về BHYT. Cùng với việc thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, việc xem xét thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT tại kỳ họp này khẳng định sự nỗ lực Quốc hội và Chính phủ để thực hiện có hiệu quả đường lối của Đảng về việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách đã đề ra trong Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011.
Cùng với sự phát triển xã hội, quá trình tổ chức thi hành Luật BHYT phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập được Chính phủ nhận diện đầy đủ trong Báo cáo tổng kết thi hành luật, về nguyên tắc để giải quyết căn cơ những vướng mắc, bất cập này, phải sửa đổi toàn diện Luật BHYT. Để tạo sự thống nhất, đồng bộ với thời điểm có hiệu lực về cấp khám, chữa bệnh quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và tháo gỡ ngay một số vướng mắc, khó khăn lớn trong thực tiễn, tạo điều kiện cho nhân dân, nhất là những người mắc bệnh nặng, giảm tỷ lệ chi trực tiếp của người tham gia bảo hiểm, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT để cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.
Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra trong chuẩn bị hồ sơ dự án Luật, kịp thời có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận tại các tổ đại biểu. Đồng thời tập trung thảo luận về các nội dung: Quy định liên quan đến đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; mức đóng, trách nhiệm đóng, phương thức đóng BHYT; thẻ, phạm vi được hưởng, mức hưởng BHYT; hỗ trợ NSNN cho học sinh, sinh viên tham gia BHYT; bổ sung quy định về BHYT cho thân nhân của dân quân thường trực; Cựu thanh niên xung phong vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT; vai trò của Bộ Y tế trong quản lý giám định bảo hiểm y tế; việc thiết lập cơ chế có tính đột phá để người dân, nhất là người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh sử dụng kỹ thuật cao không còn lệ thuộc vào thủ tục chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nữa, mà có thể đến bất cứ cơ sở khám, chữa bệnh nào theo nguyện vọng của mình...
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình một số nội dung đại biểu nêu, khẳng định sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của đại biểu tại phiên thảo luận, hoàn thiện dự thảo luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật để có thể trình Quốc hội xem xét, thông qua tại đợt 2 của Kỳ họp thứ 8.

Thái Uyên

Chính trị