Sáng ngời nghĩa Đảng tình Dân

21/09/2024 13:56 Số lượt xem: 218
Sức càn lướt của cơn bão có thể làm đổ sụp cả một ngọn núi, một rừng cây, cuốn trôi một cây cầu…nhưng chắc chắn không thể nào lay chuyển được tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của cả dân tộc Việt Nam. Càng trong hoạn nạn, khó khăn, thử thách càng sáng ngời nghĩa Đảng, tình Dân, bồi đắp truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” kết tinh thành nguồn sức mạnh vô địch chiến thắng thiên tai.

Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, động viên người dân thôn Tân Tiến, xã Cao Đức (huyện Gia Bình) bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

 

Đầu tháng 9, mọi công tác chuẩn bị cho Hội nghị sơ kết 1 năm xây dựng tỉnh “An toàn giao thông”; Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024 đã cơ bản hoàn tất. Đây là hai hội nghị đặc biệt quan trọng được Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp, các ngành, đơn vị chuẩn bị công phu, chu đáo.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của cơn bão số 3 (bão YAGI), ngay sau Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 6-9, tỉnh Bắc Ninh báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho dừng tổ chức các Hội nghị. Theo đó, các cuộc họp không cần thiết trong tỉnh cũng được yêu cầu tạm dừng. Các đồng chí Thường trực UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy được phân công làm Trưởng đoàn công tác, tổ chức đi kiểm tra, giám sát các điểm xung yếu và công tác phòng chống lụt bão tại cơ sở, động viên người dân ở các khu vực nguy hiểm sơ tán đến nơi an toàn, quán triệt cán bộ, công nhân viên, dân phòng tại các trạm bơm, điếm canh đê nâng cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng ứng phó các tình huống khi mưa bão đổ bộ vào tỉnh.

Ngay trong thời điểm mưa bão, các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp thị sát tại một số điểm xung yếu về mưa lũ. Tại các điểm úng ngập của thành phố Bắc Ninh và huyện Yên Phong, đồng chí  Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn ngồi thuyền tôn, lội nước đến thăm hỏi, động viên người dân tin tưởng, tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của chính quyền, cơ quan chức năng. Ghi nhận sự nỗ lực vào cuộc, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, chăm lo đời sống người dân phải sơ tán tránh mưa lũ của cấp ủy, chính quyền các địa phương, đồng chí  Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh: Quan điểm chỉ đạo nhất quán của tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung hỗ trợ tối đa người dân khu vực bị ảnh hưởng bởi bão lũ, không để ai bị thiếu thốn, nhất là về lương thực, thực phẩm, thuốc men. Chính quyền các cấp thống kê thiệt hại, hỗ trợ kịp thời cho người dân, nhất là các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng trọt…yên tâm khôi phục, phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Tại một số điểm úng ngập, giữa mênh mang nước lũ bủa vây, mưa bão gây thiệt hại tài sản, cây trồng, vật nuôi nhưng không hề có hiện tượng bất an. Chính người dân trong vùng ngập lụt lại “đồng cam cộng khổ” phát huy cao độ tình làng nghĩa xóm, kề vai sát cánh cùng giúp đỡ, hỗ trợ nhau vượt qua những khó khăn, trở ngại. Sau khi sơ tán người già, trẻ em đến nơi an toàn, những người khỏe mạnh, nhất là lực lượng thanh niên, phụ nữ ở lại cùng chính quyền, lực lượng vũ trang tham gia công tác ứng cứu, gia cố đê bao. Những lời động viên, chia sẻ chân thành, cái bắt tay thật chặt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh truyền niềm tin cho người  dân biết chắc rằng họ không hề bị “cô lập”, không có ai bị bỏ lại phía sau. Đó là động lực để mỗi người dân thêm kiên cường vượt qua thiên tai, mưa lũ.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn động viên cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tham gia đắp đê bao phòng chống mưa lũ trên tuyến đê Sông Cầu.

 

Tỉnh Bắc Ninh nằm trong tâm bão số 3 với sức gió mạnh chưa từng có. Chỉ trong thời gian chưa đầy 24 giờ đổ bộ, siêu bão làm cho hơn 12.000 công trình công cộng, công nghiệp, nhà chung cư, nhà ở riêng lẻ, công trình phụ, trường học, chợ dân sinh, trụ sở các cơ quan đơn vị Nhà nước bị sập, tốc mái. Về sản xuất nông nghiệp có 83.221 gia cầm, 348 gia súc bị chết; 7.500 m2 chuồng trại bị tốc mái; thiệt hại 3.400 tấn thủy sản; gần 2.800 ha lúa bị đổ và đầy nước; gần 3.000 ha  rau màu, cây ăn quả, hoa cây cảnh bị hư hỏng; gần 200 ha cây lâm nghiệp, rừng bị gẫy đổ; 25,98 ha nhà màng, nhà lưới bị tốc mái, hư hỏng. Mặc dù hệ thống đê chính trên địa bàn được giữ vững, tuy nhiên toàn tỉnh xảy ra 127 sự cố đê điều, công trình thủy lợi; 655 hộ dân (2.749 nhân khẩu) bị ngập úng và nguy cơ cao phải di dời. Tổng giá trị thiệt hại do bão số 3 gây ra đối với tỉnh Bắc Ninh ước tỉnh khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.

Song hành cùng nhiệm vụ khắc phục hậu quả cơn bão số 3, tỉnh Bắc Ninh phải ứng phó với tình huống nước lũ trên các triền sông dâng cao do nguồn nước từ trên thượng nguồn sông Hồng, sông Cầu đổ về, đe dọa sự an toàn của các tuyến đê, nhất là hệ thống đê bối bao quanh các khu dân cư ngoài bãi sông. Giải pháp ứng phó được đưa ra tại thời điểm đó là phải khẩn trương đắp con trạch để ngăn nước sông Cầu tràn qua mặt đê. Tuy nhiên, do mực nước lên quá nhanh, nên toàn bộ nguồn cát tại các bãi tập kết ven sông Cầu đều bị ngập. Trực tiếp thị sát, chỉ đạo công tác phòng chống lũ lụt tại khu phố Đẩu Hàn (phường Hòa Long), Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn yêu cầu thành phố Bắc Ninh, các đơn vị liên quan bám sát diễn biến mưa lũ, sẵn sàng ứng phó với các tình huống theo phương châm “4 tại chỗ”. Các đơn vị Công an, Quân đội tăng cường lực lượng, phương tiện, vật tư hỗ trợ địa phương thực hiện sơ tán dân, di dời tài sản đến nơi an toàn, khẩn trương hoàn thành việc gia cố đê bối chống tràn mặt đê.

Để có nguồn cát “ứng cứu” cho công tác gia cố đê bao, tại thời điểm đó, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn yêu cầu trưng tập ngay nguồn cát từ dự án đường vành đai 4 để chở lên đê sông Cầu. Cứu đê là ưu tiên quan trọng nhất, cứ lấy cát trước, sau đó khối lượng cụ thể thế nào... tính toán sau.

Nhờ có nguồn cát bổ sung kịp thời, mặc cho mưa bão, ngay trong đêm tối hàng nghìn người gồm các lực lượng quân đội, công an và người dân tham gia ứng cứu đê. Chứng kiến các cán bộ, chiến sĩ dầm mưa vận chuyển hàng chục nghìn bao cát đắp con trạch chống tràn, gia cố mặt đê chống sạt trượt khi nước lũ dâng cao, nhiều người dân tự nguyện mang đồ ăn, nước uống phục vụ trong ít phút nghỉ ngơi. Trong tình thế ứng cứu khẩn cấp thiên tai, có lúc mưa gió rát mặt nhưng quân và dân cùng đồng tâm hiệp lực làm việc xuyên đêm, không một ai phàn nàn về sự vất vả, cực nhọc, Quân với dân một ý chí, chung hành động, chung quyết tâm, nghĩa tình quân dân gắn kết, sẻ chia nhằm bảo vệ an toàn cho các tuyến đê.

Ngay trong thời điểm đang tập trung cho công tác khắc phục hậu quả sau mưa bão, thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam, tỉnh Bắc Ninh phát động quyên góp, ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Tỉnh Bắc Ninh ủng hộ 9 tỉnh miền núi phía Bắc (Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang) mỗi tỉnh 1 tỷ đồng; ủng hộ 1 tỷ đồng về Ban cứu trợ Trung ương. UBND tỉnh quyết định xuất cấp từ Quỹ phòng chống thiên tai tỉnh hỗ trợ 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh 45 tỷ đồng để khắc phục hậu quả mưa bão. Ngoài ra, nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh tích cực vận động, trực tiếp đến tận “tâm điểm” ngập lụt ủng hộ người dân. Trong khó khăn, hoạn nạn càng thấy nghĩa cử thiêng liêng hai tiếng “đồng bào”, nghĩa tình của cán bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh với các tỉnh bạn, luôn kề vai sát cánh, hỗ trợ để khắc phục thiên tai.

 

Cán bộ, nhân dân cùng lực lượng vũ trang làm việc xuyên đêm, chung sức đồng lòng gia cố tuyến đê bão ngăn nước lũ, bảo đảm an toàn cho các tuyến đê.

 

Ngay sau khi xảy ra sự cố bờ hữu công trình thủy lợi Ngũ Huyện Khê thuộc địa phận xã Dục Tú, huyện Đông Anh (Hà Nội) vỡ bờ với chiều rộng 5-7 m gây ngập úng 500 hộ dân khu dân cư Ao Nhãn, khu phố Đa Hội, phường Châu Khê (thành phố Từ Sơn), Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố Từ Sơn huy động lực lượng khoảng 1.000 người tại địa phương, dân quân các phường: Trang Hạ, Châu Khê, Phù Khê, Hương Mạc, Đồng Kỵ và gần 100 cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự, Công an Thành phố Từ Sơn, sử dụng 4 máy xúc, 5 xe ô tô để khắc phục sự cố. Biện pháp kỹ thuật để xử lý sự cố là đóng cọc bê tông, cọc tre, thả hộc bê tông, bao tải đất, rọ đá…vào vị trí vỡ. Sau hơn 4 giờ, sự cố cơ bản được khắc phục và kiểm soát, đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống thiên tai. Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng nhưu người dân rất cảm kích về tinh thần phối hợp ứng cứu kịp thời của tỉnh Bắc Ninh khi xảy ra sự cố.

Song hành cùng công tác phòng chống mưa, lũ có nguy cơ gây mất an toàn cho các tuyến đê sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành, các địa phương, đơn vị tổ chức phát động các đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Phụ nữ phối hợp cùng Công ty môi trường đô thị và các đơn chức năng ra quân tổng vệ sinh môi trường, thu dọn cây gẫy đổ, trồng lại cây xanh, hỗ trợ các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản tiêu thụ sản phẩm, khôi phục sản xuất.

Trong nỗ lực ứng phó, khắc phục hậu quả, thiệt hại do mưa bão, úng ngập của các địa phương, sở ngành, đơn vị chức năng, còn có vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí truyền thông tham gia tuyên truyền diễn biến mưa bão, hoạt động của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các địa phương, đơn vị ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa bão gây ra, phản bác kịp thời các thông tin không chính xác, xuyên tạc về bão, lũ và thiệt hại. Chính dòng chảy thông tin chính thống của báo chí đã góp phần khích lệ, động viên người dân tin tưởng tuyệt đối vào công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống và sản xuất.

 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3

 

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy-UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, đồng lòng, tinh thần đoàn kết, tuân thủ các khuyến cáo của các cơ quan chức năng, tỉnh Bắc Ninh vượt qua siêu bão YAGI khi không có thiệt hại về con người. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức các đoàn đến thăm, động viên, hỗ trợ kịp thời người dân các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa bão, ngập lụt.

Từ bao đời nay, chống giặc ngoại xâm hay phòng chống thiên tai, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam luôn luôn phát huy tinh thần đoàn kết, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng, “nhường cơm sẻ áo” khi đồng bào gặp hoạn nạn, khó khăn, tạo nên nguồn sức mạnh vô địch, làm rạng danh vị thế Việt Nam.

Trước mắt, công tác khắc phục hậu quả sau mưa bão còn nhiều gian nan, thời gian không thể tính tháng, tính năm mà có thể phải mất nhiều năm mới khắc phục được. Bài học kinh nghiệm thực tiễn là phải luôn chủ động các tình huống ứng phó khẩn cấp, phát huy cao độ phương châm “4 tại chỗ”. Song có một bài học sâu sắc cần được phát huy chính là tinh thần đoàn kết, khẩn trương, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị. Bài học này cần được phát huy với niềm tin, ý chí, quyết tâm cao hơn để xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển giàu mạnh, văn hiến.

Đào Khoa

Chính trị