Đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. |
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9-7-1912 trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước, thuộc dòng họ Nguyễn, tại làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn).
Năm 1927, Nguyễn Văn Cừ lên Hà Nội học và thi đỗ vào trường Bưởi (nay là Trường THPT Chu Văn An). Tại đây, Nguyễn Văn Cừ được giác ngộ cách mạng, tham gia nhiều hoạt động yêu nước, được đọc báo Thanh niên và tác phẩm Đường Kách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đầu năm 1928, Nguyễn Văn Cừ được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Do những hoạt động yêu nước và cách mạng, tháng 5-1928, Nguyễn Văn Cừ bị đuổi học và trở về quê dạy học ở làng Hà Lỗ, tức làng Giỗ Đông, nay thuộc huyện Đông Anh - ngoại thành Hà Nội để tìm cách liên lạc với tổ chức.
Thời gian dạy học ở đây, Nguyễn Văn Cừ gặp được nhiều nhà cách mạng lớp đàn anh, những người có tầm ảnh hưởng và để lại ấn tượng sâu sắc, trong đó có đồng chí Ngô Gia Tự - một lãnh tụ của Đảng sau này. Tháng 8-1928, Nguyễn Văn Cừ bị mật thám bắt, giam giữ 12 ngày rồi thả.
Cuối năm 1928, đồng chí được tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên giới thiệu về hoạt động “vô sản hóa” ở mỏ than Vàng Danh.
Năm 1929, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được kết nạp vào tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng; được Đảng phân công làm cán bộ hoạt động chuyên nghiệp. Năm 1930, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tổ chức thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên ở Mạo Khê, sau đó phát triển tổ chức cơ sở đảng trên toàn vùng mỏ, thành lập Đặc khu uỷ mỏ, ra tờ báo Than.
Ngày 15-2-1931, trên đường đi công tác Cẩm Phả - Hồng Gai, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và đưa về giam ở Nhà tù Hoả Lò. Hội đồng đề hình Hà Nội xử đồng chí án “phát lưu chung thân” và đày ra Côn Đảo.
Năm 1936, do áp lực của các cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta và Mặt trận nhân dân Pháp, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và một số tù chính trị Côn Đảo được trả tự do. Đồng chí về Hà Nội liên lạc với Đảng, lập ra “Uỷ ban sáng kiến”. Tháng 7-1937, đồng chí tham gia thành lập Xứ uỷ Bắc Kỳ, khôi phục các cơ sở đảng ở Bắc Kỳ - Trung Kỳ.
Tại Hội nghị Trung ương mở rộng tháng 9-1937, đồng chí được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị Trung ương lần thứ 5 (3-1938), đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Nhằm đấu tranh chống bọn tờrốtxkít và tiến hành cuộc tự phê bình và phê bình trong Đảng, chấn chỉnh những tư tưởng lệch lạc, sai trái, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Tự chỉ trích” góp phần to lớn vào việc xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Tháng 9-1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ chỉ đạo đưa Đảng rút vào hoạt động bí mật và tích cực chuẩn bị cho việc chuyển hướng chiến lược cách mạng.
Tháng 11-1939, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 6, cùng Trung ương Đảng bàn và ra Nghị quyết thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, thay cho Mặt trận dân chủ Đông Dương, mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam - thời kỳ vận động giải phóng dân tộc.
Giữa lúc phong trào cách mạng của dân tộc đang bước vào cao trào mới, thì ngày 18-1-1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt. Sáng ngày 28-8-1941, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ cùng nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng bị địch xử bắn tại Ngã Ba Giồng, xã Tân Thới Nhất, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định.
Với 29 tuổi, hơn mười ba năm tham gia cách mạng, bảy năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, hơn hai năm làm Tổng Bí thư của Đảng, hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng những cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đối với Đảng và dân tộc ta là rất to lớn. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là một chiến sĩ cộng sản ưu tú, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người có tầm nhìn chiến lược về lý luận xây dựng Đảng, một tấm gương cao đẹp về đạo đức cách mạng.