Thăm trang trại của thương binh Nguyễn Sỹ Hồi

16/09/2024 20:42 Số lượt xem: 301
Ở Dương Húc, xã Đại Đồng (huyện Tiên Du), thương binh Nguyễn Sỹ Hồi là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi. Trang trại hàng nghìn m2 là thành quả lao động miệt mài suốt hàng chục năm qua cũng là lời khẳng định của ông luôn khắc ghi và làm theo lời dạy của Bác “thương binh tàn nhưng không phế”.

Giữa thôn xóm sầm uất những căn nhà cao tầng phục vụ phát triển công nghiệp địa phương, trang trại của thương binh Nguyễn Sỹ Hồi nổi bật với màu xanh của hàng trăm gốc bưởi quanh khu hồ nuôi cá, chuồng chăn nuôi rộng hơn 1 ha. Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng trang trại, ông Hồi tự hào giới thiệu: “Bưởi trong vườn chủ yếu là giống bưởi Diễn phục vụ Tết Nguyên đán. Ngoài ra còn nhiều giống cây đặc sản giá trị kinh tế cao như: Bơ, mít Thái, táo đỏ, sầu riêng… Diện tích ao cá tôi chủ yếu thả các loại cá thương phẩm như: Trắm, chép, rô, trê… Khu chuồng trại nuôi gà thịt, vịt đẻ trứng phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại địa phương. Mỗi năm trừ chi phí đầu tư, trang trại cho thu lãi khoảng hơn 1 trăm triệu đồng”.
Nghỉ chân dưới bóng cây, thương binh Hồi nhớ lại ký ức về những năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt trên chiến trường Thừa Thiên Huế. Trong lần làm nhiệm vụ thâm nhập sâu vào lòng địch trinh sát, giữa cánh rừng rậm rạp, người đồng đội đi phía trước dẫm phải lựu đạn hy sinh, ông Hồi cùng 2 người khác bị thương. Chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, dù vết thương nặng, ông không cho phép mình được buông xuôi, phải sống để tiếp tục chiến đấu, cống hiến. Năm 1975, đất nước hòa bình, ông về công tác tại Công ty cơ giới nông nghiệp (tỉnh Hà Bắc cũ), đến năm 1982 mới về nghỉ chế độ mất sức tại quê hương.
Những ngày tháng vất vả lam lũ với cánh đồng chiêm trũng chỉ đủ ăn thôi thúc ông bắt tay ngay vào làm kinh tế. Năm 2003, khi địa phương đưa ra chủ trương chuyển đổi ruộng canh tác, ông Hồi là một trong những người đầu tiên xin được góp sức cải tạo vùng đất trũng từ trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển mô hình trang trại VAC. “Đời sống bấy giờ khó khăn nhưng tôi không cho phép mình trông chờ, ỷ lại trợ cấp Nhà nước mà phải chủ động thoát nghèo bằng chính sức lao động, đôi bàn tay của mình. Thời gian đầu gây dựng trang trại, vợ chồng tôi ngày đêm lăn lộn lấy công làm lãi, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm. Cũng không ít lần thất bại, cụt vốn gần về tay trắng nhưng rồi lại tự động viên mình phải vươn lên, quyết tâm đi đến cùng với dự định của mình”, thương binh Hồi tâm sự.

 

Thương binh Nguyễn Sỹ Hồi chăm sóc vườn bưởi diễn - cây ăn quả chủ lực trong trang trại.


Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông Hồi chủ động đi đến các mô hình trang trại trong và ngoài tỉnh để học hỏi từ bạn bè, đồng nghiệp, tích cực tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn, dài hạn từ địa phương đến Trung ương, tự tìm tòi nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất. Thành quả của những tháng ngày miệt mài lao động, học hỏi ấy mang lại cho ông nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật khoa học hữu ích giúp tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Từ vài trăm m2  ban đầu, trang trại của ông dần phát triển, mở rộng ra hàng nghìn m2, trở thành địa chỉ cung ứng thực phẩm tổng hợp uy tín cho các thương lái và nhân dân trong vùng.
Ông Hồi luôn tự hào về chất lượng nông sản mà trang trại mình cung cấp luôn bảo đảm tiêu chí an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa sử dụng phân bón hóa học, thức ăn công nghiệp. Ngay cả với cây bưởi, ông cũng chỉ sử dụng chế phẩm hữu cơ từ việc ủ bã đậu để bón gốc. Cách làm này giúp cây bưởi sinh trưởng tốt, ra nhiều trái, quả căng mọng, giữ được nhiều hương vị thơm ngon và hàm lượng dinh dưỡng. Có lẽ chính vì cái “tâm” với nghề như vậy mà dù trải qua nhiều đợt dịch bệnh, thị trường lên xuống thất thường, nông sản của trang trại ông vẫn luôn giữ lượng tiêu thụ ổn định, vụ nào cũng có lãi.
Có được thành công trong sản xuất, gia đình ông luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ bà con địa phương về vốn, con giống nuôi trồng thủy sản, kinh nghiệm chăn nuôi, phát triển mô hình trang trại. Thương binh Nguyễn Sỹ Hồi còn tích cực tham gia các công tác xã hội ở nơi cư trú, trợ giúp đỡ nhiều đồng chí, đồng đội phát triển kinh tế, cùng nhau vượt qua khó khăn, vươn lên có đời sống khá giả. Nhờ những đóng góp tích cực cho kinh tế - xã hội địa phương, ông vinh dự nhận nhiều khen thưởng của các cấp, ngành, tỉnh.
Bước vào tuổi 76, cuộc sống gia đình ổn định, các con đã trưởng thành nhưng thương binh Nguyễn Sỹ Hồi vẫn luôn ấp ủ nhiều dự định. Ông đang thử nghiệm trồng thêm nhiều giống cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao, liên kết chuyển hướng trồng cây bưởi từ thu hoạch quả sang thu hoạch cùi, tinh dầu phục vụ sản xuất dầu gội đầu thảo dược… Nếu thành công, đây sẽ là một bước đột phá mới trong phát triển mô hình trang trại, khẳng định tinh thần, nghị lực của người thương binh giữa thời bình.

Hoài Phương

Biển đảo là quê hương