Nghệ thuật truyền thống làng Thất Gian

27/09/2024 10:40 Số lượt xem: 188
Thất Gian (còn có tên gọi là Thanh Nhàn) là một trong 4 làng thuộc xã Châu Phong, thị xã Quế Võ. Đây là một vùng đất cổ có nhiều loại hình nghệ thuật dân gian nổi tiếng khắp vùng bao gồm: ca trù, chầu văn, tuồng và chèo.

Thất Gian (còn có tên gọi là Thanh Nhàn) là một trong 4 làng thuộc xã Châu Phong, thị xã Quế Võ. Đây là một vùng đất cổ có nhiều loại hình nghệ thuật dân gian nổi tiếng khắp vùng bao gồm: ca trù, chầu văn, tuồng và chèo.
Theo các cụ cao niên trong làng, ca trù hay còn gọi là hát ả đào xuất hiện ở Thất Gian khoảng hơn 100 năm về trước do cụ Trịnh Thị Nhuần (quê gốc Thanh Hóa), là dâu làng Thất Gian đứng trùm. Cụ Nhuần nổi tiếng đàn ngọt, hát hay đã cùng các cô đào Tân (bà chánh Hiến), đào Cúc (bà Lý Dung), đào Nghiệm (bà Tụ Thành), đào Lan (bà Ảnh) đẹp người, múa dẻo và các kép tài hoa như kép Độ (ông Điều), kép Ưởng (ông Ảnh), kép Hán (ông Thục)… giữ nhiều cửa đình trong tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh bạn, hợp với gánh họ Bùi - Thịnh Lai, gánh Mộ Đạo, Dương Sơn, làm thành một vùng ca trù nổi tiếng cả nước.
Chầu văn làng Thất Gian cũng có từ những năm đầu thế kỷ XX và rất phát triển tại các tĩnh (điện thờ) của thầy Điều (cụ Trần Văn Độ), ông đồng Quyết (cụ Nguyễn Văn Quyết), bà chánh Hiến (cụ Bùi Thị Tân), bà thủ Đát (cụ Lê Thị Độn); đặc biệt là miếu Quan Lớn (cụ Đặng Đình Linh) được xây dựng với quy mô hai tầng khang trang… Tại đây có các ông cai Măng, ông Giáp đến dạy đàn tứ, đàn nguyệt xuân thu nhị kỳ và các con nhang đệ tử thập phương trẩy hội đền Kiếp Bạc, đền Tam Phủ đi lễ trình về hậu tạ, hầu bóng thâu đêm suốt sáng. Cho đến sau năm 1954, nghệ thuật hát chầu văn (hát bóng, hầu bóng) ở Thất Gian nói riêng và cả nước bị mai một. Hiện nay, tại điện thờ của bà Thủ Đát chỉ còn một cây hương xây dựng giống như một miếu thờ nhỏ được vợ chồng người cháu nội là ông Đặng Đình Thật và bà Nguyễn Thị Phụ trông nom hương khói.
Nghệ thuật tuồng cùng với chèo tồn tại lâu đời nhất ở Thất Gian. Tuy nhiên, ở đây không có phường Tuồng riêng mà chỉ có phường Chèo, chèo diễn cả tuồng. Khi diễn chèo thì gọi là trò Nhời, khi diễn tuồng thì gọi là trò Tấn. Phường chèo làng Thất Gian vẫn thường xuyên diễn trò Tấn là các vở Triệt Giang phò A Đẩu và Phụng Nghi đình (Lã Bố hí Điêu Thuyền). Có khi đang diễn chèo cũng có các cảnh lồng tuồng xen kẽ. Mặc dù vậy, tuồng Thất Gian được dân làng và các địa phương bạn ưa thích không kém gì hát chèo.
  Chèo là loại hình nghệ thuật cổ nhất, lâu bền và nổi tiếng nhất ở Thất Gian. Ông Nguyễn Vương Năm, Chủ nhiệm CLB chèo cổ truyền Thất Gian cho biết: “Chèo cổ truyền Thất Gian là di sản của chèo Chiếng Bắc ngày xưa, nó khác với chèo đương truyền (chèo đã được cải tiến) ở cách diễn như: chèo cổ truyền hát cộng lực (hát nhiều người có reo đón dùng điệu sử chuyển tải nội dung) còn chèo đương truyền hát động lực (diễn viên hát một mình không có reo đón và dùng nhiều làn điệu khác nhau). Chèo cổ truyền là chèo thờ Thánh (ở đình), thờ Phật (ở chùa), chèo mừng (đám cưới, tân gia, chúc thọ…) diễn ở đám hiếu cho nên hướng diễn là phía ban thờ, người xem đứng hai bên và đằng sau. Đây là nét văn hóa riêng có của chèo cổ truyền”.
Chèo cổ truyền làng Thất Gian có từ thời cụ lý Bảng (Trần Văn Bảng) cách đây khoảng 200 năm. Đến thời con là cụ Trần Văn Thống đã dùng tiền bán đầm Thất Gian nuôi phường chèo. Con trai cụ Thống là Trần Văn Độ thay cha tiếp tục đứng trùm chứa phường chèo. Cụ Độ đã mời cụ trùm Khoa (Đa Cấu, Nam Sơn) về phối hợp dạy vở. Phường chèo Thất Gian thời kỳ đó nổi tiếng với tên tuổi các ông kép Sợi, kép Lũy, kép Lự, kép nhì là cụ Nguyễn Văn Phòng (ông Đê), nữ lệch là cụ Nguyễn Văn Sử, nữ bằng cụ Đặng Đình Trắc (ông Ký Lộc), kép đen Nguyễn Văn Xích, Phùng Hữu Liêu… Phường chèo Thất Gian xưa dựng được bảy mặt trò Nhời là Nhị Độ Mai, Lưu Bình - Dương Lễ, Tống Trân - Cúc Hoa, Kim Nham, Chu Mãi Thần, Phương Hoa và Kiều. Đặc biệt mặt trò Kiều được diễn cả bốn hồi: Kiều du xuân, Kiều bán mình, Chước màu ả hoạn và Tái hồi Kim Trọng. Nhị Độ Mai thì từ Đồ Thân báo nạn đến hết cúng giỗ, cầu hoa. Và hai mặt trò Tấn là Triệt Giang phò A Đẩu và Phụng Nghi Đình (Lã Bố hí Điêu Thuyền).
 Trong thời kỳ kháng chiến, phường chèo Thất Gian diễn nhiều vở phục vụ nhiệm vụ chính trị như: Cái con lợn này (đề tài chống giặc đói), Bến đò ngang (đề tài chống giặc dốt) và Người con của đất nước, Nhà sư giết giặc, Ông già yêu nước, Hội nghị Diên Hồng (đề tài chống giặc ngoại xâm), Nữ chiến sĩ Bùi Thị Phác, Sản xuất tiết kiệm. Sau đó phường chèo Thất Gian tan rã. Mãi đến năm 2000, ông Trần Quốc Thịnh, diễn viên chèo cổ của làng đã vận động các diễn viên gánh chèo trước đây và con cháu được 17 thành viên thành lập CLB chèo cổ truyền Thất Gian do ông làm chủ nhiệm và trực tiếp truyền dạy, các ông bà Nguyễn Thế Lữ, Nguyễn Hữu Sửu, Nguyễn Thị Nhỡ là Phó Chủ nhiệm. Năm 2003, UBND xã Châu Phong đã ra Quyết định số 43/QĐ-UB ngày 5/7/2003 về việc thành lập CLB chèo cổ Thất Gian. Từ năm 2009 đến năm 2023, tổng số hội viên CLB lên đến 37 người (10 nam, 27 nữ), do ông Nguyễn Vương Năm làm chủ nhiệm. Trong đó có 2 cặp vợ chồng và 2 mẹ con trong một gia đình cùng tham gia CLB chèo.
Trong 20 năm qua, CLB chèo cổ truyền Thất Gian được các cấp chính quyền tạo điều kiện tập luyện với đầy đủ trang thiết bị loa, đài, âm li, nhạc cụ, quần áo… Vào chiều thứ 4 hàng tuần (trừ thời gian làng có việc và những ngày đông vụ), CLB chèo lại tổ chức tập luyện 12 làn điệu chèo cổ chiếng Bắc và 7 vở chèo cổ đã diễn trước đây. Năm 2015, CLB thành lập tổ truyền dạy hát chèo gồm 6 người do bà Nguyễn Thị Nhỡ làm tổ trưởng đã truyền dạy hát, diễn chèo, đánh trống, mõ, thanh la cho những hội viên mới. Hằng năm, vào mùa lễ hội, CLB chèo cổ truyền Thất Gian lại được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi và giao lưu với các CLB chèo trong huyện như CLB chèo Quế Võ, CLB chèo làng Việt Vân (xã Việt Thống), CLB những người yêu chèo thị xã Quế Võ, hát mừng thọ, mừng tân gia…
Với bốn loại hình nghệ thuật truyền thống làng Thất Gian, trong đó nổi tiếng nhất là nghệ thuật chèo cổ truyền đã được người dân địa phương gìn giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước. 

An Ngọc

Biển đảo là quê hương