Để “nghề chơi” còn mãi muôn đời

27/09/2024 10:41 Số lượt xem: 188
Với nhiều người dân Bắc Ninh, Quan họ không chỉ là niềm tự hào mà đã thành lẽ sống. Gắn liền với tình yêu di sản luôn là ý thức trách nhiệm bảo tồn, là sứ mệnh trao truyền mà cộng đồng Quan họ đang hàng ngày, hàng giờ nỗ lực, nguyện hết lòng cống hiến cho “nghề chơi” còn mãi muôn đời...

Nghệ nhân Quan họ làng Hoài Thị (xã Liên Bão, huyện Tiên Du) trao truyền những câu hát cổ.

 

Công tác truyền dạy Quan họ được triển khai đa dạng hình thức như các nghệ nhân truyền dạy trực tiếp tại nhà, thành lập CLB Quan họ ở nhiều lứa tuổi, liên kết mở các lớp truyền dạy… Kể từ khi Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị chuyên môn chủ trì, phối hợp mở hàng chục lớp truyền dạy dân ca Quan họ trong cộng đồng tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với sự tham gia giảng dạy của những nghệ nhân, nghệ sĩ có chuyên môn, giàu kinh nghiệm như: NSND Thúy Cải, NSƯT Quý Tráng, NSƯT Lệ Ngải, NSƯT Hồng Luyến, NNND-NSƯT Tạ Thị Hình, NNƯT Xuân Trường, NNƯT Xuân Cần... Đáng chú ý, từ năm 2015 đến nay, hầu hết các làng Quan họ gốc và nhiều làng Quan họ thực hành trong tỉnh đã quan tâm mở các lớp truyền dạy “Quan họ măng non “vào dịp hè hàng năm, vừa góp phần giáo dục đức, trí, thể, mỹ vừa phát hiện, bồi dưỡng những hạt nhân năng khiếu Quan họ.
Bên cạnh việc truyền dạy trực tiếp, hình thức truyền dạy gián tiếp thông qua các phương tiện truyền thông, nhất là truyền dạy qua Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh cũng mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần đưa di sản đến với nhiều người dân, nhiều địa phương trong và ngoài nước. Tại Trường Trung cấp Văn hoá, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh, hoạt động truyền dạy dân ca Quan họ được triển khai bài bản, chính quy, chuyên nghiệp. Nhà trường còn phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh thực hiện các chương trình “Dạy hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh trên sóng truyền hình”, “Hát đối Quan họ”, “Ðậm đà khúc hát dân ca”... nhằm giới thiệu quảng bá, nâng cao hiểu biết và kỹ năng diễn xướng Quan họ cho khán giả, khuyến khích các học viên hướng tới việc sáng tạo, ứng tác. Ngoài ra, từ năm học 2011-2012, Bắc Ninh đã đưa dân ca Quan họ vào giảng dạy tại các trường học từ mầm non đến bậc THPT với giáo trình được thiết kế biên soạn phù hợp từng độ tuổi...
Hàng chục năm bền bỉ, miệt mài truyền dạy văn hóa Quan họ, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Thềm (làng Diềm, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) không ngừng nỗ lực cống hiến, góp sức gìn giữ mạch nguồn dân ca Quan họ. Nghệ nhân chia sẻ: Văn hóa Quan họ không chỉ có ca hát đơn thuần mà đi liền với ca hát diễn xướng là một nghệ thuật sống, là cách làm người Quan họ. Xưa theo các cụ đi chơi Quan họ, chúng tôi được các cụ chỉ bảo cẩn trọng, chỉn chu từng lời ăn nếp ở, đi đứng, thưa gửi đều phải từ tốn, khiêm nhường. Đặc biệt, trong giao tiếp ứng xử luôn phải giữ phép lịch sự, quý trọng, đề cao bạn và không bao giờ tự nhận mình bằng với bạn. Bởi thế mà người Quan họ mới có những câu hát đẹp thế này: “Người như sao Vượt giữa trời, em như trấu sảy đầu nia ra gì” hay “Người như vàng bảy, em chỉ thau ba”, rồi “Nghĩa người em bắc lên cân/ Bên vàng nặng chín, bên ân nặng mười”...

 

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Thềm và Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Sang ở làng Diềm (phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) giới thiệu, trao truyền lề lối nghề chơi Quan họ truyền thống cho học viên.



Như vậy, Quan họ là một “nghề chơi” công phu, người học ngoài thuộc làn điệu còn phải hiểu biết lề lối sinh hoạt, tinh tường văn hoá ứng xử, cốt cách của người Quan họ. Những hoạt động truyền dạy tại cộng đồng sẽ giúp học viên xa gần được tiếp cận kỹ năng ca hát Quan họ, đồng thời cung cấp những hiểu biết chân thực về vẻ đẹp trong văn hóa ứng xử của người Kinh Bắc nói chung và người Quan họ nói riêng. Từ đó thu hút những người yêu dân ca Quan họ tham gia thực hành, bảo tồn di sản và nuôi dưỡng, hình thành lớp liền anh, liền chị kế cận tiếp nối giữ gìn mạch nguồn văn hóa quê hương.
Hơn 30 năm sinh sống và lập nghiệp ở Vũng Tàu, anh Triều Dâng quê ở Thuận Thành vẫn luôn đau đáu, nặng lòng với những câu hát quê hương. Dự định thành lập CLB Quan họ Kinh Bắc trong vùng đất mới Vũng Tàu để bảo tồn và lan tỏa vốn quý cho thế hệ mai sau, anh Triều Dâng cùng vợ lặn lội vượt cả ngàn cây số về cố hương tìm gặp các nghệ nhân Quan họ để học hỏi vốn liếng bài bản và mở mang kiến thức về “nghề chơi” Quan họ. Liền anh đến từ Vũng Tàu xúc động: “Sau một thời gian ngắn tầm học nghệ nhân, chúng tôi rất xúc động vì được trải nghiệm, học hỏi rất nhiều điều thú vị, bổ ích. Không chỉ được nghệ nhân nắn chỉnh cho từng câu hát, chúng tôi còn biết thêm về lối chơi, được chiêm ngưỡng những bộ trang phục, đồ dùng sinh hoạt truyền thống, đặc biệt được nghe các nghệ nhân chia sẻ về phong cách giao tiếp ứng xử lịch lãm, khiêm nhường của người Quan họ, càng thêm trân quý di sản của ông cha...”.
Hiện nay, công tác truyền dạy Quan họ đã và đang diễn ra sôi nổi ở nhiều không gian, thời gian với đa dạng hình thức, phương tiện khác nhau. Nhờ vậy mà người dân Bắc Ninh ngày nay hầu như ai cũng có thể thuộc và hát được một vài câu Quan họ. Từ chỗ chỉ có 44 làng quan họ gốc, Bắc Ninh phát triển thêm 150 làng Quan họ thực hành, gần 400 câu lạc bộ với hơn 10.000 hội viên tham gia, đáng chú ý còn có hơn 140 CLB ở các tỉnh, thành phố trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài.
Mặc dù vậy, phần lớn hoạt động truyền dạy hiện nay vẫn mang tính phong trào bề nổi. Đa phần người dạy và người học đều ngại khó nên chưa thật quan tâm truyền dạy các giọng lề lối. Hy vọng, giai đoạn sắp tới, hoạt động truyền dạy sẽ khơi gợi được niềm say mê của người học, khuyến khích họ đi sâu tìm hiểu, dám thử sức tiếp cận những kỹ thuật và làn điệu khó. Những hình thức diễn xướng truyền thống, quy tắc nền nếp giao tiếp ứng xử của người Quan họ cũng được chú trọng ưu tiên truyền dạy và phục dựng.

T.Lâm

Biển đảo là quê hương