Phát triển sản xuất chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn

27/09/2024 16:43 Số lượt xem: 168
Sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn nói chung và chăn nuôi tuần hoàn nói riêng là hoạt động sản xuất không chất thải, không phế phẩm; ứng dụng kỹ thuật truyền thống và tiến bộ khoa học để xử lý phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất thành giá trị hữu ích, tái sử dụng trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường. Đây là hướng đi bền vững định hướng phát triển chăn nuôi được các cấp, ngành chuyên môn và người dân áp dụng, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Nam, xã Bình Dương (Gia Bình) với mô hình kinh tế tuần hoàn khép kín đem lại hiệu quả cao.

 

Gia đình ông Trịnh Bá Biện ở thôn Xuân Hội, xã Lạc Vệ (Tiên Du)  được xem như điển hình về chăn nuôi lợn nái, lợn thịt với quy mô hàng trăm con mỗi lứa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, ông Biện chuyển hướng sang chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt với quy mô ban đầu 8 con bò cái. Dẫn chúng tôi tham quan trang trại rộng gần 1,2 ha, được bố trí khoa học gồm 4 sào ao thả cá, 300 m2 chuồng trại nuôi gần 40 con bò các loại, 200 m2 bể, nhà nuôi giun quế và gần 100 m2 nhà kho chứa cỏ, rơm và các loại thức ăn cho bò và gần 6 sào trồng cỏ kết hợp trồng cây ăn quả, nuôi ngan, vịt, gà… ông Biện cho biết: “Mỗi năm mô hình cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Điều đáng nói là toàn bộ nước thải được thu gom, xử lý bằng 3 bể biogas, chất thải rắn được thu gom làm nguyên liệu, thức ăn nuôi giun quế. Nguồn thức ăn chủ yếu của bò được tận dụng từ cám gạo, bã rượu, cỏ voi tự trồng, rơm rạ… Chất phát thải hàng ngày từ chăn nuôi bò được thu gom xử lý triệt để. Với 3 bể nuôi giun quế diện tích khoảng 150 m2 có thể xử lý được toàn bộ chất thải rắn từ đàn bò gần 40 con và đem lại sản lượng khoảng 5-7 kg giun quế mỗi ngày. Ngoài việc dùng để nấu cám cho bò ăn, nuôi vịt, gà, làm thức ăn nuôi khoảng 8.000 con cá trê ta, gia đình còn bán để làm thức ăn chăn nuôi cho một số hộ trong làng. Chất thải của giun quế có thể sử dụng để bón cho cây ăn quả, cỏ voi giúp cải tạo đất”.
Trang trại VAC của gia đình ông Trần Xuân Phòng, phường Quế Tân (thị xã Quế Võ) là mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn đem lại hiệu quả kinh tế cao, được thị xã Quế Võ khuyến khích, động viên, tạo điều kiện phát triển. Mô hình có tổng diện tích hơn 12ha chuyên chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy cầm, thủy sản và trồng cây ăn quả. Từ mô hình mang lại tổng sản lượng nông sản mỗi năm đạt gần 300 tấn, nhưng chi phí thức ăn công nghiệp cho vật nuôi và phân bón hóa học cho cây trồng lại khá thấp. Chất thải trong chăn nuôi được tận dụng làm phân bón hữu cơ cho cây trồng, nuôi bèo cung cấp thức ăn cho cá và cá sẽ quay trở lại làm thức ăn cho chăn nuôi. Qua đó, bảo đảm việc chăn nuôi an toàn, thân thiện với môi trường và sức đề kháng của vật nuôi cũng được nâng cao.
Cùng với 2 mô hình trên, toàn tỉnh đang hình thành nhiều mô hình sản xuất chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn. Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, trong đó chú trọng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn. Nhiều tiến bộ kỹ thuật như khí sinh học, vi sinh, sử dụng côn trùng, công nghệ ủ nhiệt sinh học… được áp dụng vào sản xuất. Điển hình như: Mô hình trồng cỏ kết hợp nuôi bò thịt, bò sinh sản tại các khu chăn nuôi tập trung, mô hình kinh tế tổng hợp nuôi bò, trồng cỏ (ngô, cây ăn quả), gia súc, gia cầm, cá; mô hình lúa, cá; mô hình nuôi cá “sông trong ao”; mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi; mô hình kinh tế vườn-ao-chuồng trong các trang trại…
Việc phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn đang gặp một số khó khăn như: Những hướng dẫn về vai trò, lợi ích, bản chất, nội dung, tiêu chí của nông nghiệp tuần hoàn chưa rõ ràng, thậm chí chưa có. Điều này dẫn tới nhận thức của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân còn mơ hồ, chưa đầy đủ. Sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên nên chưa tạo được động lực áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Kinh tế tuần hoàn đang là xu thế tất yếu, có thể áp dụng trong tất cả các lĩnh vực khác nhau trong đó có chăn nuôi. Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn trước hết cần nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và nông dân, trong đó, nhấn mạnh vai trò của người sản xuất, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm hướng đến tư duy sản xuất có trách nhiệm, sử dụng tài nguyên hợp lý. Cùng với đó cần tạo động lực để các địa phương, doanh nghiệp, nông dân đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn thông qua việc hỗ trợ vốn, công nghệ, tìm kiếm thị trường. Tiếp tục rà soát, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi tuần hoàn, khuyến khích tích tụ đất đai, đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại nhằm tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp.

Nguyễn Tuấn

Bắc ninh xưa và nay