Hiệu quả từ mô hình liên kết chăn nuôi thỏ New Zealand

19/12/2021 21:02 Số lượt xem: 2128
Từ thành công của các mô hình nuôi thỏ New Zealand năm 2021 Trung tâm Khuyến nông và PTNN Công nghệ cao Bắc Ninh tiếp tục triển khai hỗ trợ phát triển, mở rộng giống vật nuôi này. Thực tế chăn nuôi khẳng định, thỏ New Zealand phù hợp với điều kiện chăn nuôi của nhiều hộ gia đình do chi phí đầu tư thấp, thỏ sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ mô hình nuôi thỏ New Zealand, anh Nguyễn Kim Triệu đạt giải Sao thần nông năm 2020 (Ảnh chụp năm 2020).

Năm 2015, sau khi được tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số mô hình nuôi thỏ New Zealand ở trong và ngoài tỉnh, anh Nguyễn Kim Triệu ở xã Xuân Lai (Gia Bình) quyết định trại nuôi thử nghiệm 100 con thỏ New Zealand, số vốn đầu tư 50 triệu đồng. Thời gian đầu anh gặp không ít khó khăn do thiếu vốn, lại chưa nắm vững được kỹ thuật nuôi và cách chăm sóc phù hợp nên thỏ chết rất nhiều. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của gia đình nên anh quyết không nản chí và tiếp tục tìm tòi học hỏi thêm kinh nghiệm, xây dựng chuồng trại theo đúng kỹ thuật, bảo đảm vệ sinh, vừa kín gió trong mùa đông, vừa thoáng mát trong mùa hè. Sau hơn một năm vừa chăn nuôi, vừa tự rút kinh nghiệm cho bản thân, đàn thỏ của anh bắt đầu sinh trưởng ổn định và sinh sản tốt.

Thành công bước đầu giúp anh Triệu có thêm động lực, lãi được đồng nào anh lại đầu tư, xây dựng hệ thống chuồng trại hiện đại với hệ thống thông gió và quạt làm mát để giúp thỏ sinh trưởng tốt hơn. Trung bình thỏ cái nuôi từ 5-6 tháng bắt đầu sinh sản, bình quân mỗi năm sinh sản từ 6-8 lứa, mỗi lứa từ 6-7 con. Sau 3 tháng trở lên, thỏ đạt trọng lượng khoảng 2,5 kg là có thể xuất bán với giá thị trường dao động khoảng 80.000 đồng/kg. Năm 2020, khi Trung tâm khuyến nông và phát triển nông nghiệp (PTNN) công nghệ cao tỉnh triển khai dự án xây dựng mô hình liên kết chăn nuôi thỏ New Zealand, anh Triệu mạnh dạn đăng ký. Tham gia dự án, anh được cấp 400 con thỏ giống và lượng thức ăn công nghiệp ban đầu, được Trung tâm tập huấn, hỗ trợ hướng dẫn về cách thức bố trí chuồng trại, kỹ thuật nuôi, phòng bệnh, phối giống cho thỏ… Đến nay, toàn bộ đàn thỏ trong mô hình sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ nuôi sống cao đạt 98,2%. Đa số thỏ mẹ đã phối giống và sinh sản, số con đẻ ra còn sống đạt từ 6-8 con/ổ; thỏ con khỏe mạnh, độ đồng đều cao.
Thỏ New Zeland có ưu điểm dễ nuôi, nguồn thức ăn đơn giản vì thỏ ăn các loại lá rau, cỏ. Nhưng nhược điểm của loài động vật này là rất dễ bị bệnh đường ruột nên khi nuôi phải tiêm vắc xin phòng bệnh và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đòi hỏi hệ thống chuồng trại đảm bảo khoa học, vệ sinh môi trường, có hệ thống cung cấp nước uống tự động, có quạt làm mát mùa hè và hệ thống sưởi ấm mùa đông. Nhờ đó mà hiệu quả chăn nuôi ngày càng được nâng lên rõ rệt.
Hiện tại, anh Triệu trở thành chủ trang trại với diện tích 1.000 m2, nuôi hơn 5.000 thỏ thương phẩm và thỏ sinh sản. Bình quân mỗi tháng anh xuất bán ra thị trường khoảng 2 tấn thịt thỏ cho các lái buôn cả trong và ngoải tỉnh. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được đạt từ 150 đến 200 triệu đồng/năm.
Cùng với mô hình của anh Triệu, năm 2021, Trung tâm khuyến nông và PTNN công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh tiếp tục triển khai mô hình liên kết chăn nuôi thỏ Newzealand sinh sản tại các huyện Tiên Du, Gia Bình, Lương Tài với quy mô 5.000 con thỏ bố mẹ. Thỏ giống là giống thỏ sinh sản Newzealand White khoảng 3 tháng tuổi,  khoẻ mạnh có trọng lượng từ 2,2 kg - 2,3 kg/con. Thỏ nhập về được các hộ chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định.
Đến nay sau hơn 3 tháng triển khai, đàn thỏ sinh trưởng, phát triển tốt. Đa số thỏ mẹ đã phối giống và có chửa, trong đó nhiều thỏ đã sinh sản lứa đầu, số con đẻ ra còn sống đạt từ 6-8 con/ổ, thỏ con sinh ra khỏe mạnh, độ đồng đều cao. Về hiệu quả kinh tế, dự án cho thu nhập cao hơn với mô hình chăn nuôi thỏ thông thường là 4.750.000 đồng/1.000 con, tăng 11,39%. Thông qua việc liên kết tiêu thụ sản phẩm trong dự án giúp người chăn nuôi yên tâm hơn và giúp ngành chăn nuôi thỏ  thương phẩm giống New Zealand thêm phát triển.

Nguyễn Tuấn-Nguyễn Công Cường

Bắc ninh xưa và nay