Chùa Dâu - Ngôi chùa cổ nhất Việt Nam

18/10/2024 20:36 Số lượt xem: 84
Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Dâu (phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành) là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, nơi khởi nguồn của đạo Phật. Đây là một trong những điểm du lịch tâm linh tiêu biểu của tỉnh, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến hành hương, tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa.

 

Chùa Dâu còn có tên là chùa Cả, Cổ Châu tự, Diên Ứng tự, Pháp Vân tự, nằm ở trung tâm thành cổ Luy Lâu từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên. Chùa được xây dựng từ những năm 187 đến năm 226 mới hoàn thành. Chùa Dâu đang giữ kỷ lục ngôi chùa cổ nhất Việt Nam và được coi là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta. Chùa Dâu là công trình văn hóa tín ngưỡng có giá trị lớn và sâu sắc, bao gồm giá trị lịch sử văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng và kiến trúc nghệ thuật. Năm 2013, chùa Dâu được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Chùa Dâu tọa lạc trên một khu đất cao, rộng, cây cối xung quanh mọc xanh tốt. Sân chùa với giếng nước, ao làng tạo thành khung cảnh đặc trưng của vùng thôn quê Bắc bộ. Cảnh quan đẹp cùng ngôi chùa cổ kính tạo cho du khách cảm giác yên bình và thơ mộng.
Chùa được xây theo lối kiến trúc “nội công ngoại quốc” - lối thiết kế đặc trưng của những ngôi chùa cổ tại Việt Nam và các nhà Tiền Đường, Thiêu Hương, Thượng Điện được xây cao dần vào phía trong. Trải qua nhiều lần xây dựng và tu sửa, đặc biệt là trong thời kỳ Lê - Nguyễn, nên chùa in đậm dấu ấn kiến trúc và điêu khắc tượng đặc sắc của thời đại này.
Khi bước vào chùa, ấn tượng đầu tiên là tháp Hòa Phong 3 tầng cao 17m nằm giữa sân. Tháp được xây bằng gạch nung. Chuông và khánh đặt trong tháp đều được đúc từ cuối thế kỉ 17 - đầu thế kỉ 18, gắn liền với câu thơ quen thuộc của người Bắc Ninh: “Dù ai đi đâu về đâu/ Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về”. Tại các góc của tháp có tượng thờ “Tứ vị Thiên Vương” cai quản bốn phương trời. Ngoài tháp Hòa Phong, chùa Dâu còn có vườn tháp gồm 8 tháp là nơi yên nghỉ của các vị sư từng tu tại chùa, có niên đại thế kỉ 14 - thế kỉ 19.
Tiền đường với 7 gian phòng rộng rãi mang phong cách bố trí và đúc tượng thời Nguyễn. Tại đây đặt tượng Hộ Pháp, Bát Bộ Kim Cương, Đức Ông, Đức Thánh Hiền với tạo hình sinh động. Kế tiếp tiền đường là nhà thiêu hương, nơi thờ Thập điện Diêm Vương, trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi - người đã có công tu sửa chùa và Thái tử Kỳ Đà.
Nhà thượng điện được xây phía trên cao nhất gồm một gian ba trái với mái nhà cong, tạo khối như bông sen, được trạm trổ khéo léo hình tứ linh. Bên trong thượng điện đặt pho tượng uy nghi của bà Dâu hay chính là bà Pháp Vân - chị cả của Tứ Pháp. Bên tay trái của bà Pháp Vân là tượng bà Pháp Vũ hay bà Đậu. Bên dưới bàn thờ bà Dâu là tượng của Kim Đồng, Ngọc Nữ và hộp đựng Thạch Quang, viên đá nằm trong thân cây dung thụ mà theo sự tích là hoá thân của con gái vị tăng sĩ Ấn Độ, Khâu Đà La và bà Man Nương. Các bức tượng được bố trí cân xứng và mang đường nét, vẻ đẹp đặc trưng của người Việt Nam.
Nhắc đến nghệ thuật tượng của chùa Dâu, còn phải kể đến 18 pho tượng của các vị La Hán ở dọc hai dãy hành lang song song nối liền tiền thất và hậu đường được miêu tả với các tư thế, hình dáng và màu sắc sinh động mà gần gũi. Tại chùa Dâu cũng lưu giữ các bảo vật Quốc gia như: Bộ tượng Tứ Pháp hiện đang được thờ phụng tại các di tích ở vùng Dâu - Luy Lâu. Theo quan niệm của nhân dân vùng Dâu, Phật “Tứ Pháp” là bốn chị em, vốn được tạo ra từ gốc của một cây dung thụ (cây Dâu) từ những năm đầu công nguyên. Bà Dâu (Pháp Vân) được coi là chị cả thờ tại chùa Dâu; bà Đậu (Pháp Vũ) được thờ ở chùa Đậu (Thành Đạo tự), trong kháng chiến chống Pháp, ngôi chùa này bị phá hủy nên tượng bà Đậu được chuyển về chùa Dâu thờ phụng cho đến nay; bà Tướng (Pháp Lôi) được thờ ở chùa Tướng (Phi Tướng tự) thuộc phường Thanh Khương; bà Dàn (Pháp Điện) được thờ ở chùa Dàn (Trí Quả tự) phường Trí Quả. Các nhà nghiên cứu cho rằng, bốn pho tượng Tứ Pháp có cùng khung niên đại vào thời Lê khoảng thế kỷ XVI.
Bộ mộc bản chùa Dâu cũng được Thủ tưởng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia vào tháng 1- 2024, gồm 107 ván khắc là hiện vật gốc duy nhất, độc bản, toàn vẹn và có tính xác thực với nhiều loại hình văn bản như: Truyền thuyết về Phật Tứ pháp, kể hạnh về Phật Tứ pháp, kinh Phật, các nghi lễ cầu mưa, cầu tạnh, cúng tế các vị Tổ chùa... Mỗi ván khắc có tiết diện hình chữ nhật, hầu hết đều có kích thước trung bình dài từ 40 - 47cm, rộng từ 19 - 24cm, độ dày ván từ 1,5 - 2,5cm; có 92/107 ván được khắc 2 mặt và 15/107 ván khắc một mặt. Một số ván khắc đan xen những đồ hình minh họa được bố cục chặt chẽ, hài hòa với phần văn tự. Mộc bản chùa Dâu được san khắc vào thời Lê Trung Hưng và Tây Sơn kéo dài đến thời Nguyễn. Chữ trên mộc bản đều là chữ Hán cổ và chữ Nôm được khắc âm bản, đường nét mềm mại, có tính thẩm mỹ cao nên khi in ra giấy dó rất sắc nét. Chất liệu ván in đều được làm bằng gỗ cây thị, trải qua thời gian nhưng ván khắc ở chùa Dâu còn khá nguyên vẹn, đủ số chữ, sắc nét, rõ ràng.
Chùa Dâu với niên đại lâu đời nhưng vẫn giữ gìn được nguyên vẹn các giá trị tôn giáo, tín ngưỡng đậm đà bản sắc dân tộc. Đây không chỉ là niềm tự hào của Bắc Ninh - cái nôi Phật giáo Việt Nam mà còn là di sản vô giá của đất nước. Về chùa Dâu là về với đạo Phật, chiêm ngưỡng vẻ đẹp, giá trị mà ngôi chùa mang lại; được hòa mình vào không gian trang nghiêm, thanh bình. Du khách cũng có thể kết nối tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử khác của Thuận Thành như: Chùa Bút Tháp, Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương… tham quan, trải nghiệm nghề làm tranh dân gian Đông Hồ hoặc thưởng thức ẩm thực đặc sắc của người dân nơi đây.

N.Đ (tổng hợp)

Bắc ninh xưa và nay