Chùa cổ Lương Phúc

09/11/2023 19:31 Số lượt xem: 1013
Trải qua bao sóng gió, thăng trầm của lịch sử, chùa Lương Phúc, thôn Lương Cầm, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong là minh chứng cho sức mạnh của ý chí, tinh thần đại đoàn kết, truyền thống uống nước nhớ nguồn của nhân dân địa phương.

Chùa Lương Phúc nằm ở phía Đông của thôn Lương Cầm, phía sau lưng có núi Lát và dòng sông Cầu. Chùa rộng chừng 3.600 m2 với 5 công trình lớn nhỏ. Chùa cây xanh, có gốc gạo hàng trăm năm tuổi.
Lương Cầm xưa là một làng cổ bên triền đê sông Cầu. Theo những tư liệu mà nhân dân địa phương còn lưu lại, cùng với Chân Hương Tự, Lương Phúc Tự là một trong hai ngôi chùa cổ, linh thiêng có từ hàng trăm năm trước. Trải qua chiến tranh (1870-1875), bị tàn phá nặng nề.
Đến trước năm 1931, dân làng phục dựng lại chùa ở giữa làng, theo hướng Tây Nam. Chùa không bị tiêu thổ kháng chiến, nhưng đến năm 1971 do lũ lụt, đê vỡ mà đổ nát hết, đến khi hợp nhất hợp tác xã (1982) phá dỡ không còn gì. Năm 1993 dân làng đóng góp xây dựng lại chùa tại vị trí đất Đình Làng. Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính mà Chùa được dựng lại khá đơn sơ, các cấu kiện gỗ không chạm khắc, tượng phật hầu như đắp bằng đất sét, chỉ có một pho tượng Phật Thích Ca bằng gỗ do một gia đình họ Phạm ở Đông Anh (Hà Nội) công đức.
Đến năm 2015, với sự nỗ lực, phấn đấu của cán bộ và nhân dân trong thôn, công cuộc xây dựng chùa Lương Phúc trên nền ngôi chùa cổ mới được bắt đầu. Ròng rã gần một năm với khoảng 2.000 ngày lao động công ích, gần 3 tỉ đồng đóng góp của nhân dân và công đức thập phương, đến đầu xuân Bính Thân 2016, thôn có một khuôn viên chùa khang trang. Ngoài các ngày sóc vọng hằng tháng, khuôn viên Chùa còn là không gian lễ hội trong ngày lệ làng 18 tháng Giêng hằng năm.
Bên cạnh tòa chính điện, giảng đường, nhà thờ tổ, nhà Mẫu là nghè thờ Tướng Công Bình Hồ Bá - Nghiêm Bá Ký. Đây cũng chính là điểm tạo nên sự đặc sắc của khuôn viên chùa.

 

Tòa chính điện chùa Lương Phúc.


Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Kinh Bắc ngàn năm văn hiến, được bao bọc, nuôi dưỡng trong tình yêu thương của dân làng, thấm nhuần những đạo lý tốt đẹp của dân tộc, Tướng công Nghiêm Bá Ký sớm lập chí lớn đem tài năng, trí tuệ ra phục vụ nhân dân, quê hương, đất nước. Trong thời phong kiến loạn lạc cuối nhà Lê đầu nhà Mạc, Tướng công đã ra sức phò giúp cho triều đình. Sau thời gian dài tranh đấu vì sự tồn vong của triều Lê, biết không thể cự lại sức mạnh nhà Mạc, để giữ vững lòng trung của kẻ bề tôi, ngày 17 tháng 12 năm Ất Dậu (1525), Tướng công tuẫn tiết ở châu Văn Uyên, trấn Lạng Sơn nay là huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Đến thời Lê Trung Hưng dưới triều vua Lê Huyền Tông (1622-1671), triều đình nhà Lê truy phong 13 người bề tôi tử tiết phò Lê diệt Mạc là Đàm Thận Huy, Nguyễn Hữu Nghiêm, Nghiêm Bá Ký… là “Tiết nghĩa đại vương” và cho phép xây dựng đền thờ phụng tại quê hương. Tướng công Nghiêm Bá Ký được sắc phong Trung đẳng thần. Các vị ấy đều được theo tiết tế tự như thể lệ tế bách thần. Vua còn sai quan phủ, quan huyện đến tiết xuân thu hàng năm thì về tế lễ. Sau này, do chiến tranh tàn phá, đặc biệt là giai đoạn chống Pháp (1946-1954) mà Đền thờ Tướng Công Nghiêm Bá Ký không còn giữ được.
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, hơn nửa thế kỉ bị chiến tranh tàn phá không còn dấu tích, song dân làng Lương Cầm vẫn luôn nhớ về Tướng công Nghiêm Bá Ký người con trung hiếu, tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, thương dân để đời đời con cháu noi theo. Nay dẫu còn nhiều khó khăn, chưa thể dựng lại Đền thờ Tướng công như xưa nhưng Nghè thờ mới vẫn thể hiện rõ tấm lòng của dân làng, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc ta.
Trong không gian Nghè thờ Tướng công, dân làng còn dựng bia thờ các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của thôn Lương Cầm. Điều đó càng làm cho khuôn viên chùa Lương Phúc mang thêm những ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Dù những di tích cũ đã không còn, nhưng những giá trị tốt đẹp mà chúng để lại vẫn được dân làng gìn giữ và phát huy. Nhân dân trong thôn ngày càng đoàn kết, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao, diện mạo thôn khang trang, sạch đẹp. Mong rằng Nghè thờ Tướng công Nghiêm Bá Ký sớm được công nhận là di tích lịch sử để thường xuyên được chăm lo, phát huy những giá trị tốt đẹp để tấm gương trung hiếu của Tướng Công được đời đời con cháu lưu truyền.

Nguyễn Hữu Dũng

Bắc ninh xưa và nay