Chủ động bảo vệ di tích trước thiên tai

12/09/2024 22:53 Số lượt xem: 413
Miền Bắc đang trải qua trận bão lũ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Các cấp, ngành, địa phương và người dân các tỉnh đang dồn sức tổng lực phòng, chống nhằm giảm nhẹ rủi ro từ thiên tai. Bắc Ninh với gần 1.600 di tích, trong đó hàng chục di tích quốc gia, hàng trăm di tích cấp tỉnh và hàng ngàn di vật, hiện vật, cổ vật quý phân bố ở khắp các địa phương, khu vực khác nhau cũng đang gặp phải không ít thách thức trong việc giữ gìn, bảo vệ trước sự đe dọa của bão lũ.

Toàn cảnh di tích đền Phấn Động (Tam Đa, Yên Phong) ngập sâu trong nước lũ. Ảnh chụp trưa ngày 10-9-2024.

 

Đối diện với nguy cơ xâm hại của thiên tai, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chỉ đạo triển khai chống đỡ di tích, cắt tỉa cây cổ thụ, thống nhất phương án ứng phó để chủ động bảo vệ an toàn hệ thống di tích. Ngay khi có thông tin về cơn bão số 3 sẽ đổ bộ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Hữu Hùng ký văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị trực thuộc đề nghị chủ động phương án bảo vệ, triển khai các phương án ứng phó, bảo đảm an toàn về người, tránh thiệt hại về cơ sở vật chất và tài sản; chủ động triển khai công tác phòng, chống bão lụt tại các điểm di tích, bảo tàng bảo đảm an toàn trong bão lũ, lưu ý nguy cơ ngập lụt... Phòng Văn hóa-Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông các huyện, thị xã, thành phố chủ động tham mưu với UBND cùng cấp chỉ đạo, triển khai, kiểm tra rà soát, thực hiện các phương án bảo đảm an toàn về người và tài sản tại các thiết chế văn hóa, thể thao, các di tích lịch sử, các khu, điểm du lịch. Chủ động tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch trên địa bàn tỉnh.
Mưa lũ, mực nước sông dâng cao khiến các di tích thuộc hệ thống phòng tuyến Như Nguyệt ven sông Cầu tại huyện Yên Phong; di tích quốc gia đặc biệt chùa Bút Tháp; lăng Kinh Dương Vương, làng tranh Đông Hồ (Thuận Thành); đền thờ Cao Lỗ Vương, đền Tam Phủ (Gia Bình); đền thờ Nguyễn Cao (Quế Võ)... Cơ quan quản lý, đơn vị chuyên môn cùng nhân dân và những người trông coi  bảo vệ ở các di tích gấp rút triển khai các phương án di dời hiện vật, chống đỡ, kê cao, giằng néo, che đậy để phòng, chống hư hỏng, thiệt hại di tích do bão lũ gây ra.
Nằm sát trong đê hữu Đuống, di tích quốc gia đặc biệt chùa Bút Tháp (xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành) lưu giữ 4 bảo vật quốc gia cùng hàng trăm cổ vật, hiện vật quý hiện bị đe dọa bởi nguy cơ ngập lụt. Trao đổi với phóng viên chiều ngày 11-9, Thượng tọa Thích Thanh Sơn, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Ninh, trụ trì chùa Bút Tháp (xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành) cho biết: Hiện nay nước dâng lên mấp mé thềm Nhà tổ. Nhà chùa đã xin phép Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh di dời một số pho tượng, hiện vật lên vị trí cao hơn để bảo đảm an toàn, liên tục cập nhật diễn biến mưa lũ tại địa phương và báo cáo về cơ quan quản lý để được hướng dẫn kịp thời.
Đánh giá sơ bộ từ các huyện, thị xã, thành phố sau cơn bão số 3, hầu hết công trình kiến trúc di tích trên địa bàn tỉnh được bảo đảm an toàn, nhưng nhiều cây xanh trong khuôn viên di tích bị bão quật gãy, một số di tích bị cây đổ vào làm hư hỏng một phần mái như: đình Thọ Khê ở Đông Thọ, chùa Đông Quang ở Tam Đa (Yên Phong), đình Bà Khê ở Phú Hòa (Lương Tài)... Tuy nhiên, điều lo ngại nhất hiện nay là tình trạng ngập úng diễn ra trên diện rộng khiến một số di tích tại huyện Yên Phong có di tích quốc gia đền Phấn Động (Tam Đa), đền thờ Lý Thường Kiệt (Tam Giang)...  nằm ở khu vực trũng thấp, dọc theo sông Cầu bị nước tràn vào.
Ông Nguyễn Hữu Mạo, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích và Xúc tiến du lịch tỉnh cho biết: Trung tâm kịp thời hướng dẫn các địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn có để di dời hiện vật, tài liệu quan trọng đến nơi cao ráo, an toàn. Đối với các công trình kiến trúc lưu ý việc gia cố, chằng chống tránh lực xô đẩy của nước lũ, nhất là đối với các di tích nằm phía ngoài bãi sông.
Theo nhận định của giới chuyên môn: Việc bị ngâm nước lâu sẽ ít nhiều tác động đến tuổi thọ của công trình, cộng thêm lượng mưa đổ trên mái có thể tăng thêm tải trọng dẫn đến các cấu kiện gỗ trong kiến trúc truyền thống bị ảnh hưởng, dễ xảy ra hiện tượng sạt mái, xô ngói... Phần hệ thống tường chịu lực, chân cột… bị ngâm nước lâu cũng dẫn tới hiện tượng rêu mốc, mọc nấm, về lâu dài dẫn đến xuống cấp.     
Diễn biến phức tạp, nguy hiểm từ mưa lũ khắc nghiệt đã và đang đe dọa sự an toàn “kho báu” di sản văn hóa của Bắc Ninh. Câu chuyện về di tích, di vật, cổ vật và tài sản của cộng đồng bị xâm hại, thậm chí bị phá hủy trong thiên tai không hiếm, khiến bao người xót xa... Bảo vệ an toàn di sản, tài sản của cộng đồng trước thảm họa thiên nhiên không phải vấn đề của riêng một ngành hay một địa phương mà cần sự chung tay của các cấp, ngành và toàn dân.

Thanh Lâm

Bắc ninh xưa và nay