Quay lại

Chua me đất hoa vàng

Cùng là chua me mà có biết bao nhiêu chi, bao nhiêu họ, bao nhiêu loài… Cây chua me ăn quả, thân gỗ vươn cao giữa đồi rừng, cây chua me tầm bỏi thân cành mềm mại uyển chuyển dựa trên bờ tường, nương tựa vào những thân cây cứng cáp khác mà vươn lên. Tưởng là như yểu điệu thục nữ mà gai sắc nhọn đan xen đầy cành lá. Cây chua me đất hoa tím kiên gan đẻ nhánh ẩn rất sâu dưới lòng đất mọc khắp bờ bãi ruộng màu, bãi bồi ven đê. Tưởng như đã nhổ bỏ hết rồi mà bất chợt nó lại đột ngột mọc lên, chen dầy giữa những luống rau xanh tốt.
Loài nào cũng có thế mạnh của riêng mình để phát triển và sinh tồn. Cây chua me đất hoa vàng này thân mảnh mai bám hững hờ trên mặt đất thì sinh trưởng ở những nơi đất cao khô xốp. Bề mặt mảnh mai là thế, tưởng chừng dễ tổn thương, dễ nhổ bỏ… nhưng hạt của nó lại nhẹ nhàng bung nổ, lan xa, cây này bị giày xéo, bị cuốn đi thì lại có biết bao hạt nhỏ ẩn trong đất bụi, lẫn trong lá cỏ, trôi theo mưa mà tiếp tục phát triển, sinh sôi.
Mỗi loài mỗi vật tồn tại trên cõi đời này đều có ý nghĩa của nó, chẳng phải vô duyên vô cớ mà nó được sinh ra. Trong cuộc sống thường nhật, mấy ai để ý đến nó, nó như cỏ lan man trên bờ bãi, nép theo bờ rào, có khi chỉ một tẻo teo kẽ gạch mà nảy mầm, mà sum xuê thành đám, thành bụi. Tưởng như chẳng có ích gì cho ai, thế rồi cũng có ngày nó được nhìn nhận đến. Ấy là khi mẹ tôi bị Zona thần kinh, có người mách rằng hái cây chua me đất hoa vàng, giã lấy nước uống, còn bã thì đắp lên vết tổn thương có thể làm dịu cơn rát bỏng. Mẹ đau bệnh giữa mùa đông, mùa cây khô lá vàng, cây chua me đất hoa vàng ấy chỉ có lưa thưa vài ba nhánh mỏng manh hiếm hoi giữa muôn loài cây cỏ. Mấy chị em ở quê tỏa ra khắp các vườn quê mới kiếm được vài nắm.
Từ câu chuyện của loài cây li ti cỏ dại ấy, tôi nghĩ về muôn loài cây lá khác trong thiên nhiên này. Tạo hóa thật khéo xếp đặt sự phong phú của muôn loài. Trong trùng trùng thảm thực vật trên trái đất này, có loài cho con người lấy gỗ làm nhà, sản xuất các loại đồ dùng, có loài cho hoa trái, cây lương thực… Chỉ riêng về cây lúa đã có biết bao chi, bao giống khác nhau. Có giống chịu được hạn, chịu được nhiệt, có giống thì ưa bùn sâu ruộng trũng. Còn có lúa nếp và lúa tẻ. Giống lúa nếp cho hạt gạo dẻo và thơm ngon là vậy mà đâu có thể ăn được nhiều mà vẫn cần có gạo tẻ mát lành làm lương thực thường ngày. Và để dùng làm lương thực ấy còn biết bao nhiêu loại cây khác, lúa mạch, lúa mì, ngô khoai và sắn… Mỗi vùng đất, mỗi châu lục, lại có những loài cây lương thực đặc trưng riêng có dành cho con người nơi ấy.
Thiên nhiên thật phong phú đa dạng. Tại sao lại như vậy, tất cả là để cho loài người có thể sinh tồn trên trái đất này. Ngay cả những loài nhỏ bé như li ti cỏ dại ấy, chẳng phải là vô duyên vô cớ mà tồn tại, trong chúng luôn ẩn chứa biết bao điều bí mật đang chờ con người tìm hiểu và khám phá.


Ngày 25 tháng 2 năm 2021

Trọng Linh