Y tế Bắc Ninh đổi mới để phát triển

01/03/2020 14:39 Số lượt xem: 1331
Trải qua 65 năm hình thành và phát triển, Y tế Việt Nam nói chung, Y tế Bắc Ninh nói riêng đã có những bước chuyển mình rõ rệt. Kể từ khi tái lập tỉnh, ngành Y tế Bắc Ninh với 23 năm xây dựng và phát triển cũng in đậm những dấu mốc quan trọng, ghi nhận sự phát triển ngày càng toàn diện của hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở. 

Ngành y tế Bắc Ninh trong những năm qua đã phát triển song hành cả hệ y tế dự phòng và khám chữa bệnh. Từ các bệnh viện, trung tâm y tế cho đến trạm y tế đều có sự đổi mới tích cực. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ chuyên môn tại các tuyến đều được nâng lên. Các chương trình mục tiêu y tế Quốc gia, những kỹ thuật mới, tiên tiến, hiện đại được thực hiện thành công… Điều đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến T.Ư, đồng thời tạo điều kiện cho người dân được chăm sóc sức khỏe với kỹ thuật, chất lượng cao ngay tại tuyến tỉnh.
Thực  hiện Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XII) nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ngành Y tế là một trong những đơn vị đi đầu trong tỉnh về tinh giản bộ máy. Đến nay, tổ chức bộ máy ngành Y tế đã giảm 22 đầu mối so với năm 2016, hiện chỉ còn Sở Y tế và 19 đơn vị trực thuộc. Trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được thành lập trên cơ sở sáp nhập 5 đơn vị y tế dự phòng. Sau hơn 2 năm hoạt động, đơn vị đã dần ổn định về tổ chức, bố trí nhân lực, sắp xếp các khoa phòng tạo một khối hoạt động về y tế dự phòng hoàn chỉnh và hiệu quả. Các đơn vị y tế tuyến huyện như Trung tâm Y tế, Bệnh viện đa khoa, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện sáp nhập thành Trung tâm Y tế huyện, thị xã, hoạt động theo mô hình Trung tâm y tế đa chức năng, một đầu mối thực hiện nhiệm vụ y tế tại địa phương. Khi bộ máy được tinh gọn, công tác y tế dự phòng, khám chữa bệnh có thể hỗ trợ, song hành trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 

Ngành Y tế Bắc Ninh tiếp tục thực hiện thay đổi phong cách thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh.


Về nhân lực, toàn ngành hiện có gần 3,3 nghìn công chức, viên chức, hợp đồng lao động, trong đó 65 Tiến sĩ, bác sỹ CKII; 345 Thạc sỹ, bác sỹ CKI; 588 bác sỹ và 33 dược sỹ Đại học. Cùng với sự phát triển hệ thống tổ chức, hàng loạt chỉ tiêu kế hoạch của ngành trong các năm đều được thực hiện hiệu quả: Số bác sỹ/10.000 dân năm 2016 là 10,1 đến 2019 lên đến 10,2; số giường bệnh/10.000 dân từ 27,7 năm 2016 lên đến 32,4 năm 2019; tỷ lệ tham gia BHYT năm 2016 là 81% đã tăng lên 91,3% năm 2019; duy trì tỷ lệ xã đạt tiêu chí Quốc gia về Y tế xã...
Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả. Sở Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan và các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giám sát, kiểm soát, khống chế có hiệu quả các vụ dịch tản phát và các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm; chủ động triển khai các hoạt động giám sát phát hiện sớm, khoanh vùng xử trí kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn. Đặc biệt, chủ động phòng và kiểm soát tốt dịch COVID-19. Ngành thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế Quốc gia như: Quản lý, dự phòng lây nhiễm hiệu quả đối với các bệnh truyền nhiễm mạn tính như bệnh phong, bệnh lao. Công tác tiêm chủng mở rộng được duy trì thường xuyên, các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đạt tỷ lệ cao. 
Công tác phòng, chống HIV/AIDS được triển khai thường xuyên, liên tục. Các hoạt động tư vấn xét nghiệm tự nguyện, giám sát nhiễm HIV ở các nhóm đối tượng nguy cơ cao, can thiệp giảm tác hại, điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, điều trị ARV, dự phòng lây truyền mẹ con... được triển khai có hiệu quả. Kết quả số người bị nhiễm mới HIV hằng năm giảm, tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng ở mức dưới 0,3%. Các hoạt động khác như truyền thông giáo dục sức khoẻ, quản lý sức khoẻ người lao động... đều đạt yêu cầu, kế hoạch đề ra. 

 

Nhiều kỹ thuật cao được thực hiện tại tuyến tỉnh, huyện góp phần chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân. Ảnh: Phẫu thuật nội soi khớp cổ chân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.


Trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, ngành Y tế tập trung đầu tư và triển khai hàng loạt kỹ thuật chuyên khoa mũi nhọn, góp phần giúp nhân dân địa phương được tiếp cận với dịch vụ y tế tiên tiến, hiện đại. Các chỉ tiêu tổng hợp về khám, chữa bệnh như: Số lần khám bệnh, số người bệnh điều trị nội trú, ngoại trú, số ngày điều trị nội, ngoại trú, số phẫu thuật, thủ thuật năm sau tăng hơn so với năm trước. Đặc biệt, ngành triển khai nghiêm túc và hiệu quả các nội dung cuộc vận động “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” tới các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nâng cao kỹ năng giao tiếp, tiếp tục thực hiện “Đường dây nóng”, duy trì, củng cố hòm thư góp ý; xây dựng phong cách, thái độ phục vụ văn minh, thân thiện, không có tiêu cực; xây dựng cơ sở y tế “Xanh - Sạch - Đẹp”. Mặt khác, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, cải tiến quy trình rút ngắn thời gian chờ khám bệnh; phản hồi của người dân về chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tăng lên đáng kể. Theo số liệu khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH tỉnh, năm 2019, tỷ lệ người dân hài lòng với dịch vụ y tế của bệnh viện công là 94%.
Công tác phát triển chuyên môn kỹ thuật luôn gắn với phong trào nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Hội đồng Khoa học các cấp hoạt động hiệu quả, ngành Y tế luôn đi đầu cả về số lượng và chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học. Nhiều đề tài đã ứng dụng vào công tác phòng bệnh, chữa bệnh đạt hiệu quả, tiết kiệm về chi phí, thời gian và sức khỏe của người bệnh nhanh chóng được cải thiện. 
Hệ thống y tế cơ sở được quan tâm, đầu tư. Trung tâm Y tế các huyện, thị xã đều được trang bị đầy đủ trang thiết bị: Siêu âm Doppler, X-quang, máy chụp cắt lớp vi tính, máy lọc máu chu kỳ, hệ thống phẫu thuật nội soi,... Trạm Y tế xã được đầu tư sửa chữa, xây mới, nâng tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí Quốc gia năm 2015 từ 73% (92/126 trạm) lên 100% năm 2017 (126/126 trạm) vượt chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 204/2015/NQ-HĐND17 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. 
Ngành triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh không lây nhiễm và bệnh tật học đường; thực hiện phân tuyến quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm; triển khai quản lý, điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường tại Trạm Y tế. Bước đầu triển khai khám, quản lý, lập hồ sơ sức khỏe người dân, đã cập nhật dữ liệu quản lý sức khỏe người dân theo mẫu quy định của Bộ Y tế, tính đến nay số người dân được lập hồ sơ quản lý sức khỏe tại Trạm Y tế đạt gần 80%. Từ năm 2018 đang triển khai xét nghiệm nhóm máu cho trẻ em dưới 6 tuổi để cập nhật vào hồ sơ sức khỏe điện tử. Đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT, triển khai hiệu quả các dự án, chương trình mục tiêu tại y tế cơ sở. Tất cả những nỗ lực đó đã góp phần mang lại diện mạo mới cho y tế cơ sở. 
Nhìn lại kết quả những năm qua để thấy tinh thần đoàn kết, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của tập thể lớn toàn ngành. Đó cũng chính là động lực, đòn bẩy để ngành Y tế Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và đột phá trong sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu”.

Tiến sĩ, TTƯT Tô Thị Mai Hoa

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế