Xung kích trên mặt trận chống buôn lậu và gian lận thương mại

02/07/2020 20:22 Số lượt xem: 1896
Sau 1 năm hoạt động theo mô hình tổ chức mới, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Bắc Ninh đạt được kết quả đáng ghi nhận, nhất là trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả…, cho thấy sự đúng đắn của việc thay đổi mô hình theo hướng ngành dọc.
Lực lượng QLTT kiểm tra hàng hóa tại siêu thị Từ Sơn (thị xã Từ Sơn).
 
Tháng 7-2019, Cục QLTT tổ chức lễ ra mắt và đi vào hoạt động, trực thuộc Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) trên cơ sở tổ chức sắp xếp lại Chi cục QLTT Bắc Ninh (thuộc Sở Công Thương). Đây được xác định là bước chuyển quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng.

Để bắt nhịp mô hình mới kịp thời và hiệu quả, trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được, xác định rõ vai trò, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Cục xây dựng, triển khai các nhiệm vụ đồng bộ, tập trung, ổn định, kiện toàn tổ chức; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; tinh giảm đầu mối các đội... Đến nay, Cục đã hoàn thành việc sắp xếp tổ chức, ổn định công tác cán bộ. Sáp nhập các Đội QLTT trực thuộc (từ 9 còn 5 Đội). Bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ, lãnh đạo các phòng, đội... Bộ máy tổ chức từ tỉnh đến cơ sở trực thuộc đi vào nền nếp, hoạt động hiệu quả, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Nổi bật là nhiều vụ việc có quy mô lớn, các đối tượng hoạt động tinh vi, xảo quyệt bị lực lượng QLTT bắt giữ, xử phạt nghiêm, như: Đội QLTT số 5 (Đội Cơ động) chủ trì phối hợp Đội 3, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) kiểm tra đột xuất tại Công ty TNHH Blue Kinh Bắc, thôn Bùi Xá, xã Ninh Xá (Thuận Thành), phát hiện, tạm giữ lô hàng hóa giả mạo nhãn hiệu giá trị gần 1.130 triệu đồng, bao gồm: 15.160 lưỡi cưa giả nhãn hiệu Makita; 12.300 đĩa xếp giả nhãn hiệu DAMAHAD; 11.000 mũi khoan giả nhãn hiệu BOSCH; 3.300 khóa giả nhãn hiệu Việt Nhật. Do tính chất vụ việc hàng hóa giả mạo nhãn hiệu với giá trị lớn, Đội báo cáo Cục QLTT cho ý kiến hướng dẫn Đội thực hiện chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng có thẩm quyền  xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Đội QLTT số 2 (phụ trách địa bàn thị xã Từ Sơn và Yên Phong) cũng kiểm tra, phát hiện cửa hàng kinh doanh đồng hồ ở khu phố Long Vỹ, phường Đình Bảng (thị xã Từ Sơn) do ông Lê Văn Quyết làm chủ kinh doanh hàng hóa không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Đội ra quyết định phạt hành chính 39 triệu đồng; tịch thu toàn bộ số hàng vi phạm ước trị giá hơn 91 triệu đồng, bao gồm: 4.445 chiếc đồng hồ giả nhãn hiệu nhiều hãng.
Theo số liệu thống kê của Cục QLTT, từ đầu năm đến nay, Cục kiểm tra 340 vụ việc liên quan đến hoạt động QLTT, phạt vi phạm hành chính gần 300 vụ, tổng tiền phạt và tiền bán hàng tịch thu gần 2,58 tỷ đồng, tiêu hủy hơn 80 triệu đồng giá trị hàng hóa. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu; vi phạm trong lĩnh vực giá, lĩnh vực y tế, lĩnh vực ATTP; vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ… Qua đó, góp phần giữ vững ổn định thị trường, lưu thông hàng hóa, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bảo đảm an toàn thực phẩm, an sinh xã hội.
Ông Vũ Mạnh Hải, Quyền Cục trưởng Cục QLTT khẳng định: “Mô hình tổ chức mới hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Đơn vị kiện toàn tổ chức, cơ cấu lại bộ máy, bố trí nhân sự sau chuyển đổi phù hợp với mô hình mới. Bên cạnh đó, với tư cách là đơn vị ngành dọc đóng trên địa bàn, Cục chủ động phối hợp với các ngành, địa phương để nâng cao hiệu quả công tác QLTT. Đồng thời được chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương, trong công tác phối hợp giữa QLTT các tỉnh lân cận, các tỉnh liên vùng và đào tạo, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức QLTT, đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao.

Thanh Ngân