Xót lắm!

09/08/2018 08:02 Số lượt xem: 880
Vừa thấy chồng về, bà Vui hồ hởi:

- Làng mình sắp tu sửa đình, bác cả vừa điện thoại lên bảo ông thu xếp thời gian về để bàn soạn việc cung tiến ra đình. Nghe nói bác đã nhắm được vị trí câu đối bên tả của chính điện. Bác cứ tiếc mãi về chuyện có thông tin muộn nên đã để cho cánh nhà họ Nguyễn giành mất suất cung tiến cái hoành phi.
- Cung tiến cái gì thì cung tiến, cốt thành tâm để trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa của làng, làm sao lại phải cứ tranh nhau một vài vị trí cụ thể như vậy? (Ông Minh hỏi vợ).
- Ông thật chẳng quan tâm gì cả. Bác cả bảo nếu cung tiến được những vật phẩm quan trọng ở vị trí trung tâm thì mới có lộc, đồng thời mở mày mở mặt với thiên hạ. Dù là người làng hay du khách thập phương đến đều có thể chiêm ngưỡng được, biết ngay tên họ của người cung tiến.
- Làm sao tôi lại không biết cơ chứ. Trùng tu, tôn tạo hoặc tu bổ di tích cho đẹp hơn là việc nên làm thế nhưng chạy theo xu thế làm hỏng cốt cách kiến trúc của di tích là điều không thể chấp nhận được, nói gì đến việc các dòng họ, gia đình cung tiến vật phẩm thờ cúng kèm theo tên, địa chỉ cụ thể ngay trên đó thì khác gì mượn việc công đức để khuếch trương thanh thế. Xưa đến các vị vua, quan có tâm công đức xây dựng, tu bổ chùa chiền, miếu mạo cũng chỉ khiêm tốn ghi danh ở một góc bia đá đặt bên rìa công trình. Nay cứ có tiền bỏ vào là có thể để tên họ ngay trong phần chính điện của đình, chùa, thật là lộn xộn hết chỗ nói. Chưa kể nhiều khi vật phẩm cung tiến kiểu dáng, màu sắc lòe loẹt, thiếu thẩm mĩ, làm hỏng cả kiến trúc, cảnh quan di tích... Nói thật, tôi đã đi thăm một số công trình mới được tu sửa, được nhiều người ca ngợi là đẹp, là hoành tráng, nhưng tôi vẫn thấy chẳng đẹp được bằng đình, chùa của làng mình. Nhìn những nét rêu phong cổ kính được thay thế bằng những vật liệu tân thời sáng choang tôi thấy xót lắm.
Cũng chẳng phải chờ thu xếp thời gian, ngay sau câu chuyện với bà Vui, ông Minh quầy quả lên đường về quê ngay. Bà Vui nhìn theo chồng lẩm bẩm: Đành là có lí nhưng không hiểu giờ có còn nhiều người hoài cổ như ông không cơ chứ!

Vân Giang