Xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bảo vệ môi trường sống của người dân

19/06/2018 07:55 Số lượt xem: 2558
Huyện Yên Phong có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, thu hút hàng vạn công nhân đến làm việc và sinh sống. Điều này có tác động tích cực trong phát triển kinh tế nhưng cũng là trở ngại lớn trong việc bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là việc xử lý rác thải sinh hoạt. Đây là vấn đề khá nan giải của địa phương khi mà khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung của huyện chưa được đầu tư xây dựng.

Lò đốt rác tại thị trấn Chờ công suất thấp chỉ đáp ứng yêu cầu trong phạm vi nhỏ, để giải quyết triệt để rác thải sinh hoạt, người dân Yên Phong cần đồng thuận chủ trương xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung.

 

Hiện nay, bình quân mỗi ngày toàn huyện Yên Phong phát sinh khoảng 130 đến 150 tấn rác thải sinh hoạt. Do chưa có nhà máy xử lý nên lượng rác thải sinh hoạt đang được lưu tạm thời tại 63 điểm tập kết của các thôn, xóm. Mặc dù được xử lý sơ bộ nhưng do thời gian kéo dài, rác thải sinh hoạt tồn đọng nhiều nên nhiều điểm tập kết đang trong tình trạng quá tải. Thậm chí một số điểm ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân. Ngoài ra, tình trạng đổ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định, đổ ra mương, ao hồ, ven đường vẫn tái diễn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cảnh quan đô thị.

Huyện Yên Phương có nhiều giải pháp để khắc phục nhưng hiệu quả không cao và mới chỉ mang tính chất tình thế như: Chỉ đạo đơn vị vận hành lò đốt công suất nhỏ tại thị trấn Chờ; duy trì các điểm tập kết rác thải; tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nếp sống thân thiện với môi trường…

Để giải quyết triệt để vấn đề này, huyện Yên Phong triển khai dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Tam Đa. Trong quá trình thực hiện dự án, UBND tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh, huyện Yên Phong và các xã Tam Đa, Dũng Liệt ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc triển khai bảo đảm đúng trình tự thủ tục như: Cung cấp thông tin quy hoạch; lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường; thông báo chủ trương thu hồi đất…

Vị trí khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, khoảng cách từ chân nhà máy đến khu dân cư tập trung đều đạt quy chuẩn. Cụ thể, khoảng cách từ chân nhà máy tới thôn Đức Lý (Tam Đa) là 700 m; tới thôn Thọ Đức (Tam Đa) là 860 m; tới thôn Chân Lạc (Dũng Liệt) là 1.025 m; tới thôn Lương Cầm (Dũng Liệt) là 1.400 m; tới thôn Phù Cầm (Dũng Liệt) là 1.500 m. Trong khi đó, theo quy chuẩn QCVN01:2008/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng tại mục 6.1.2. Quy hoạch chất thải rắn: Quy định khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường giữa nhà máy xử lý chất thải rắn đến khu dân cư và các công trình hạ tầng xã hội là bằng hoặc lớn hơn 500 m. Về công nghệ xử lý được áp dụng công nghệ lò đốt kết hợp với hầm ủ biogas công nghiệp để tận dụng khí gas trong quá trình ủ biogas hỗ trợ lò đốt. Khi thực hiện, chủ dự án đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phê duyệt theo đúng quy định. Như vậy, vị trí xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Yên Phong là phù hợp với quy hoạch xây dựng, bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường theo quy chuẩn hiện hành; công nghệ xử lý theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải sinh hoạt.

Qua tuyên truyền, công tác bồi thường, thu hồi đất để triển khai dự án khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và đường vào khu xử lý được người dân có đất đồng tình ủng hộ. Đối với dự án khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, từ ngày 12-7-2014, huyện tiến hành chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các hộ có đất bị thu hồi và 77/77 hộ (100%) nhận tiền, đến nay không có kiến nghị, thắc mắc gì. Đối với dự án đường vào khu xử lý giai đoạn 1 (dài 198,9 m chạy qua địa phận thôn Chân Lạc, xã Dũng Liệt, giáp thôn Đức Lý, xã Tam Đa), 6/6 hộ dân có đất thu hồi đã đồng ý ký biên bản thỏa thuận, trong đó nhất trí và đề nghị huyện thu hồi trước thời hạn thông báo thu hồi đất, trước thời hạn công khai phương án bồi thường, hỗ trợ… Trong tháng 5-2016, 6/6 hộ dân (100%) trong diện thu hồi đất nông nghiệp (tổng diện tích thu hồi là 4.765,8 m2) để làm đường đã nhận tiền bồi thường. Về dự án đường vào khu xử lý giai đoạn 2 (dài 429,5 m, nối đường Ngô Xá - Phù Cầm) dự kiến thu hồi khoảng 5.500 m2 đất trồng lúa của 24 hộ. Tuy nhiên, các hộ có đất bị thu hồi chưa hợp tác nên không thực hiện được công tác lập hồ sơ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

UBND tỉnh, huyện Yên Phong tích cực tuyên truyền, giải thích; tổ chức cho người dân đi khảo sát thực tế tại Bình Dương. Gần đây nhất, ngày 6-6, huyện Yên Phong tổ chức đối thoại với người dân xã Dũng Liệt, các ý kiến, kiến nghị liên quan đến việc triển khai dự án xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt được lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Yên Phong, lãnh đạo đại diện các sở ngành của tỉnh trả lời, giải đáp thỏa đáng.

Việc xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt gắn liền với cộng đồng dân cư, giải quyết bức xúc của địa phương về rác thải sinh hoạt, kiến tạo môi trường sống tốt hơn cho người dân là chủ trương đúng đắn, cần nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Để xây dựng Yên Phong ngày càng đẹp hơn, người dân địa phương cần chung tay, nêu cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ môi trường và có những hành động thiết thực trong việc xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung của huyện.

Bài, ảnh: Hoàng An