Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, tăng tính nghiêm minh trong quản lý, sử dụng đất

10/05/2020 19:10 Số lượt xem: 2544
Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai là tập hợp các dữ liệu địa chính, quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thống kê, kiểm kê đất đai được sắp xếp, để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thường xuyên bằng phương tiện điện tử. Đây là bước tiến vượt trội trong công tác quản lý đất đai theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch.

 

Năm 2019, Bắc Ninh tập trung hoàn thành và nghiệm thu dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai huyện Gia Bình, cụ thể: Xây dựng lưới khống chế đo vẽ 1.386 điểm KV1; đo đạc, lập bản đồ địa chính 9.928,24 ha, (bản đồ địa chính tỷ lệ 1/500 diện tích 195.91 ha, bản đồ địa chính tỷ lệ 1/1000 diện tích 9.732,33 ha); chỉnh lý bản đồ địa chính 7.852 thửa; kê khai, đăng ký lập hồ sơ cấp đổi, cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 246.258 hồ sơ (đất nông nghiệp 233.345 hồ sơ; đất ở 12.913 hồ sơ). Tổ chức thực hiện dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai huyện Tiên Du, hiện đã cơ bản hoàn thành công tác xây dựng lưới khống chế đo vẽ cấp 1 (900 điểm KV1), đang tích cực triển khai công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính. Hoàn thiện hồ sơ thực hiện dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai toàn tỉnh bằng nguồn vốn vay ngân hàng Thế giới.
UBND tỉnh phê duyệt thiết kế kỹ thuật - Dự toán xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thành phố Bắc Ninh và huyện Quế Võ với tổng kinh phí dự toán hơn 13 tỷ đồng. Đây là cơ sở để phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai, bảo vệ, phát huy nguồn lực tài nguyên đất, góp phần thực hiện tốt mục tiêu quy hoạch, xây dựng, sử dụng đất, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.

 

Người dân làm thủ tục về đất đai tại Trung tâm Hành chính công (thành phố Bắc Ninh) dễ dàng, thuận tiện.


Toàn tỉnh hiện hoàn thành việc đo đạc bản đồ địa chính ở 126/126 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn diện tích đo đạc 82.271,1 ha, đạt 100% so với diện tích tự nhiên, trong đó: Bản đồ tỷ lệ 1/500, diện tích 3.958,8 ha; bản đồ tỷ lệ 1/1000, diện tích 39.464.7 ha; bản đồ tỷ lệ 1/2000, diện tích 38.847,6 ha. Tổng số thửa đất đã đo đạc lập bản đồ địa chính 1.142.128 thửa. Thực hiện công khai, minh bạch công tác đăng ký, lập hồ sơ địa chính; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… làm căn cứ để phục vụ đắc lực công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, hạn chế thấp nhất tình trạng tranh chấp, khiếu kiện về đất đai.
Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, đo đạc lập bản đồ địa chính, kiểm kê đất đai gắn với đăng ký, lập hồ sơ địa chính và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất, từng bước khắc phục sự thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các loại tài liệu trong hồ sơ địa chính, giải quyết vướng mắc, tồn tại trong công tác quản lý đất đai nhiều năm qua, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về đất đai tại các cấp chính quyền, địa phương. Bảo đảm các điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử, tiến tới đăng ký đất đai điện tử, bảo đảm tính thống nhất về cơ sở dữ liệu, tính công khai, minh bạch, nhanh gọn, chính xác các thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận... khắc phục tình trạng gây phiền hà, chậm giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai, vướng mắc về công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... ở các địa phương.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật đất đai chưa được ban hành đồng bộ, nên quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất còn thấp. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án, đặc biệt các dự án trọng điểm còn chậm so với tiến độ, chủ yếu do không xác định được nguồn gốc sử dụng đất. Tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý và sử dụng đất vẫn còn, dẫn đến đơn thư, khiếu kiện liên quan đến đất đai có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, từng bước hiện đại hóa cung cấp dịch vụ công về đất đai theo hướng Chính phủ điện tử, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, công nghệ, hoàn thiện cơ chế hoạt động và quản lý đối với các tổ chức dịch vụ công là giải pháp căn cơ nhằm bảo đảm kế hoạch, chỉ tiêu sử dụng đất đúng mục đích, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai cho nhiệm vụ phát triển hài hòa, bền vững của tỉnh.

Bài, ảnh: Hoài Anh