Xã hội hóa nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông - Giải pháp tất yếu để phát triển

04/07/2018 08:44 Số lượt xem: 1477
Với mục tiêu đến năm 2022, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, bằng sự quyết tâm, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, cùng cách làm sáng tạo, thời gian qua, tỉnh đã tích cực huy động các nguồn lực để phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông. Trong đó, việc áp dụng hình thức đầu tư PPP, BT đã và đang phát huy hiệu quả.

Nút giao QL1 với QL38 được xây dựng hoàn chỉnh bằng nguồn vốn xã hội hóa.

 

Bắc Ninh nằm trong tốp các địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước; đồng thời chi cho đầu tư phát triển luôn được tỉnh quan tâm, chiếm tỷ trọng lớn trong chi ngân sách. Tuy nhiên, để có hạ tầng giao thông đồng bộ, qua đó tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế, thì chắc chắn vốn ngân sách không thể đủ. Với quyết tâm tạo đột phá về hạ tầng giao thông, quan điểm của tỉnh sẽ dựa vào việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Bắt tay vào thực hiện, Bắc Ninh đã chủ động, triển khai các biện pháp hỗ trợ, đối ứng với các nhà đầu tư. Đối với trung ương, chủ yếu xin cơ chế phát triển, điều này đã nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn. Theo thống kê của Sở GT-VT, 5 năm trở lại đây, nguồn vốn đầu tư cho các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong đó, có hàng nghìn tỷ đồng vốn huy động của nhà đầu tư. Theo đánh giá của Bộ GT-VT, Bắc Ninh là một trong những địa phương vận dụng linh hoạt các nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng giao thông. Điều này được minh chứng thông qua các dự án giao thông mà tỉnh đang triển khai. Nhờ những công trình giao thông trọng điểm này, các cửa ngõ giao thông quan trọng để Bắc Ninh kết nối với bên ngoài đều được mở.

Trong các dự án giao thông trọng điểm, sự tham gia của nhà đầu tư vô cùng lớn. Như để hoàn thiện tuyến đường 295B từ thành phố Bắc Ninh đi thị xã Từ Sơn với tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn gần 2.000 tỷ đồng được nhà đầu tư ứng vốn thực hiện. Đến nay, sau nhiều khó khăn, vướng mắc, song công trình đã hoàn thiện và đi vào hoạt động. Điều này giúp cho tỉnh chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn có thể đồng bộ hạ tầng giao thông, có giá trị sử dụng lâu dài, tạo động lực mạnh mẽ phát triển KT-XH địa phương.

Đầu tư tư nhân vào hạ tầng giao thông không chỉ là giải quyết vấn đề về vốn, nó còn là tiến độ dự án, chất lượng công trình và hiệu quả kinh tế nói chung. Sự hợp tác đồng bộ giữa nhà nước và nhà đầu tư theo hình thức đối tác công - tư tại Bắc Ninh còn đem lại cho tỉnh và nhân dân nhiều lợi ích thiết thực. Đơn cử như nút giao QL1 với QL38 (thành phố Bắc Ninh), sau nhiều năm hoạt động đã xuống cấp, chật hẹp, thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc và tai nạn... nếu chỉ trông chờ vào ngân sách, thì phải rất lâu nữa người dân Bắc Ninh mới có nút giao hoàn chỉnh, an toàn hơn để đi lại như hiện nay. Đến nay, sự vào cuộc của nhà đầu tư Công ty Cao Nguyên TNHH đã phát huy hiệu quả bằng một nút giao mới khang trang, sạch đẹp, tình trạng ùn tắc tại cửa ngõ thành phố gần như được giải quyết. Giải pháp hữu hiệu có thể ví như “một mũi tên trúng ba đích” vừa phát triển được hạ tầng, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Có thể nói, dù vẫn còn những vấn đề cần giải quyết trong quá trình thực hiện các dự án song việc xã hội hóa nguồn lực đầu tư hạ tầng là một lựa chọn đúng đắn, hướng đi tất yếu mà Bắc Ninh đã và đang vận dụng hiệu quả. Cùng với sự quyết tâm của tỉnh, sự nỗ lực của nhà đầu tư, thiết nghĩ, rất cần sự đồng tình, ủng hộ từ phía người dân trong thực hiện chủ trương chính sách của nhà nước và của tỉnh. Vì xét đến cùng, tất cả các dự án này đều sẽ quay lại phục vụ chính người dân.

Bài, ảnh: Yến Ngọc