Vườn cò ông ngoại

23/06/2020 09:25 Số lượt xem: 1295
Cứ đến độ giêng, hai khi lúa chiêm xuân mơn mởn con gái, là đàn cò lại rủ nhau về đông hơn. Suốt ngày sập xòe bay đi bay về.

Cò trắng, cò nâu chúng đậu san sát trên những ngọn tre, ngọn sấu, trám... vườn ông ngoại tôi. Những chú cò trắng lấp lóa dưới nắng, như những bông hoa sắc trắng nở rộ. Điểm phớt lông màu của những chú cò nâu, như màu nâu sồng cánh áo bà ngoại tôi.
Chúng tụ hội sinh sôi đã từ lâu lắm rồi, bay đi bay về xây tổ ấm “ọ ò...ọ ò...” gọi nhau, quạt cánh ồn ã lây vui cả làng trên xóm dưới.
Đàn cò cũng đã từng chịu chung gian nan vất vả và cả mất mát, như bà con dân làng, mỗi khi thiên tai ập đến. Thất bát miếng ăn.
Rồi một đêm mưa bão. Mà đài báo bão đã báo. Suốt đêm cò không ngủ, người không ngủ. Sáng ra cò bố, cò mẹ lông xơ xác rầu rầu ủ rũ. Nhìn lên, đàn cò con, con đang mắc gai tre, treo lơ lửng trên cây toạc da, thủng bụng. Con bị gió giật quăng xuống nằm la liệt, cánh lông măng sã sượi. Chân duỗi chân co rạch rạch trên thảm lá sũng nước, cùng vỏ trứng, lòng đỏ, lòng trắng vương vãi. Nom mà tan nát lòng.
Ông ngoại tôi xỏ vội chân vào guốc mộc, tay chống cây gậy trúc, tất tả bước ra vườn: “Ơi! Cò ơi! Chết hết cả rồi...” Ông kêu lên tưởng như đứt hơi. Ông ôm mặt sụp xuống bên gốc sấu già. Anh em tôi nghĩ đến những bữa cơm thịt cò xáo măng, thơm ngon hấp dẫn vườn nhà, tưng tưng nhảy chân sáo… Ngày còn ấu thơ, ai nào đã hiểu được những giọt nước mắt đắng chát của ngoại, lăn xuống đôi gò má hóp trước cảnh tượng ấy.

 


Những con cò bị nạn phong thủy ngoại thương lắm. Ông nhốt riêng từng lồng to, nhỏ được làm từ tre, nứa. Với phương châm “Còn nước còn tát”, ngày đêm chăm nom săn sóc, thuốc men cho chúng. Những con nhái béo vàng anh em tôi bắt từ ruộng lạc, ruộng khoai... đem về nuôi sống cò. Ông bôi thuốc sát trùng vào vết thương, cò khỏi, bình phục trở lại. Ông ngoại tung lên, trả chúng trở về với cây vườn, với bầu trời xanh lồng lộng gió. Mà lòng vui vui...
Ngoài giờ học ở trường, hầu như suốt ngày chúng tôi có mặt nơi “lãnh địa cò” chỉ chỏ, nghiêng ngửa. Đoán tổ nào cò chưa đẻ, tổ nào trứng đang ấp. Thời gian nào cò non chập chững rời tổ, leo trèo cành tre, rồi tập bay theo mẹ ra đồng, nhởn nhơ mẹ dạy kiếm mồi.
Những ô ruộng, chân đám mạ trước làng đã bước vào thời vụ làm đất, để rồi gieo cấy làm nên những mùa vàng ấm no. Ấy là ngày hội của cò. Ngày hội của những người nông dân chịu thương chịu khó, cần mẫn quen với sương gió, nắng lửa nơi “bờ sôi ruộng mật”.
Anh em vai quàng vai nhau, đứng bên cổng làng say sưa ngắm nhìn những chú cò đang vươn cái cổ dài, bước vội đuổi theo đường bừa. Cặp mỏ dài mổ nhanh những con tép, con cua... Chúng chẳng hề sợ người cùng trâu, đang mải miết làm lụng dưới nắng nóng đồng quê mồ hôi túa ra. Chợt người anh: “Kìa! chú cò trắng nhà mình, có cái lông đầu mọc dài rung rung...”/ “Không phải! Cò lạ...” Gân cổ nổi lên, hai anh em tranh cãi chuyện ấy. Chỉ khi cò no mồi, đập cánh bay lên, đôi chân vàng ươm duỗi thẳng, nhằm hướng vườn ông ngoại về tổ, sự thể mới ngã ngũ.
Một sáng. Chú cò tơ thiếu cảnh giác. Chộp nhanh miếng mồi đã bị mắc bẫy của người trên ruộng bừa. Đứng nhìn, trước cảnh thương tâm chân cò bị trói chặt. Hai anh em mặt tái xanh tái xám, run run thì thầm: Hình như cò nhà mình. Hình nh...ư...
Rồi năm tháng... Vòng luân chuyển thời vụ lại đến. Những người nông dân làng Sơn hai sương một nắng bên dòng sông Đuống này, lại bước vào cày bừa chân đám mạ chuẩn bị gieo trồng. Làm nên những mùa vàng bội thu. Người anh được lệnh lên đường nhập ngũ. Người em đã là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội. Người và cò xa nhau từ đấy. Chẳng còn thời gian để mà nhớ đến cò, với những kỷ niệm buồn vui.
Năm tháng trôi đi…
Vừa rồi ngày nghỉ chủ nhật, được về quê ăn giỗ ông ngoại. Con cháu đã tụ họp đông vui trong khuôn viên nhà. Nơi đây ngày xưa là vườn cò của ông ngoại, cò đã sinh sống ấm áp, đông đàn... Nắng lên, thời tiết chợt oi nồng ngột ngạt. Mọi người giục nhau ra ngồi đầu hiên đón gió thoáng mát. Chợt những gì của ngày xưa, trong đó có vườn cò ông ngoại, những cánh cò nâu, cò trắng lấp lóa bay về thực thực mơ mơ. Cò đã bay đi đâu, về đâu? Giờ chúng có về cũng chẳng tìm đâu ra một ngọn tre, chứ nói gì đến bụi tre, lũy tre xanh rậm rạp ấm cúng, để cò quây quần sinh con đẻ cái, duy trì phát triển nòi giống.
Hai người lòng dạ nhớ thương cò da diết. Giá mà…

Phương Đằng