Vốn giảm nghèo trên hành trình mới

19/04/2021 21:30 Số lượt xem: 1847
Là một trong những địa phương phát triển năng động nhất cả nước, Bắc Ninh luôn có nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp tích cực nhằm đẩy mạnh công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Một trong những giải pháp hỗ trợ hiệu quả nhất hiện nay chính là các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai.

Thông qua đó, dòng vốn ưu đãi của Đảng, Nhà nước ngày một chảy mạnh và phủ rộng, theo năm tháng cùng sự nỗ lực của hộ nghèo đã và đang làm thay đổi cuộc sống, vun đắp ấm no và sự phát triển bền vững của quê hương.

Kỳ 1: “Quả ngọt” từ tín dụng chính sách

Cùng cán bộ NHCSXH tỉnh Bắc Ninh trên hành trình đến với những miền quê, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay diệu kỳ của những hộ nghèo, hộ cận nghèo nhờ đống vốn ưu đãi được phát huy và sự hợp lực sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng chung tay góp sức làm nên. Đó cũng chính là minh chứng rõ nét nhất cho sự thành công của mô hình quản lý tín dụng chính sách mà Đảng và nhà nước tin tưởng giao cho NHCSXH.

Cán bộ NHCSXH huyện Quế Võ giải ngân cho vay hộ nghèo và các đối tượng CSXH.

 

Động lực của người nghèo
Trên những cung đường mới khang trang, rộng mở chạy uốn lượn qua những cánh đồng, những trang trại, mô hình VAC xanh ngát, chúng tôi về thăm trang trại của gia đình anh Nguyễn Đình Dương ở thôn Đăng Triều, xã Trừng Xá (Lương Tài). Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng trang trại, anh Dương hồ hởi: “Xưa đây là khu đồng trũng, cấy lúa năng suất thấp. Từ năm 2009, tôi xin chuyển đổi làm mô hình VAC và để có được như ngày hôm nay cũng bắt nguồn từ đồng vốn của NHCSXH cả đấy…”. Cứ thế, trong câu chuyện làm kinh tế của gia đình mình, anh Dương luôn nhắc nhiều đến vai trò của đồng vốn chính sách. Theo lời anh kể thì ban đầu anh chỉ chuyển đổi hơn 1 mẫu ruộng sang đào ao thả cá, trồng cây ăn quả mà huy động hết vốn liếng của gia đình và vay mượn người thân vẫn không đủ. Thật may, khi đó anh đã tiếp cận và được vay vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Lương Tài. Đầu tiên, anh chỉ đầu tư nuôi 5 lợn nái và thả cá, trồng cây ngắn ngày theo phương châm lấy ngắn nuôi dài. Đất không phụ công người, những lứa lợn con xuất bán cùng với thu hoạch cá, rau màu, hoa quả đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Từ thành công đó, anh quyết tâm mở rộng đầu tư trang trại hoàn chỉnh. Vấn đề lúc này lại vẫn là cần vốn nên anh Dương tiếp tục nhờ đến NHCSXH. Khác với cho vay hộ nghèo, lần này anh được NHCSXH huyện duyệt cho vay 500 triệu đồng vốn GQVL để đầu tư mô hình trang trại bài bản, khép kín với quy mô nuôi 15.000 gà giống lai Hồ, 6 máy ấp trứng, 2 ao nuôi thả cá... Hiện nay, riêng nguồn thu từ gà giống, trung bình một tháng trang trại xuất bán 13-15 phiên, mỗi phiên khoảng 6.000 con. Trừ chi phí, trang trại gia đình anh cho thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm.
Câu chuyện xóa nghèo, vươn lên làm giàu từ mô hình trang trại nhờ nguồn vốn chính sách của anh Nguyễn Đình Dương khiến nhiều người cảm phục. Nhưng đó cũng là câu chuyện chung của nhiều hộ nghèo, cận nghèo mà chúng tôi có dịp gặp gỡ trong suốt những năm qua. Đặc biệt những năm gần đây, khi đối tượng và mức vay vốn chính sách được mở rộng, dòng vốn ưu đãi chảy dài, len lỏi khắp các vùng quê, đến với từng hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng CSXH. Đồng vốn chính sách không chỉ tạo cho người nghèo nguồn lực tài chính mà còn là nguồn động lực để động viên, khích lệ họ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Đó cũng chính là ý nghĩa nhân văn cao cả, là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước khi thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo trong xu thế phát triển và hội nhập hiện nay.

Sức mạnh của ý Đảng lòng dân
Từ Lương Tài, chúng tôi cùng cán bộ NHCSXH sang thăm các mô hình thoát nghèo của huyện Quế Võ. Là huyện có địa bàn rộng, công nghiệp đang từng ngày phát triển, song sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và nhất là thực hiện mục tiêu giảm nghèo vẫn luôn được huyện quan tâm, chú trọng chỉ đạo bằng nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn. Huyện hiện có hơn 3.000 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đang dư nợ vay vốn ưu đãi của NHCSXH với số tiền 173,6 tỷ đồng.  
Đến xã Yên Giả, thăm mô hình trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Bàng, thôn La Miệt, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn vai trò, ý nghĩa của đồng vốn chính sách và sức mạnh của ý Đảng lòng dân mang lại ở miền quê này. Anh Bàng chia sẻ: Mới năm 2014, tôi còn trong danh sách hộ nghèo được vay vốn của NHCSXH là 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn này tôi mua 1 cặp bò sinh sản kết hợp với đào ao thả cá, trồng cây, nuôi gà… với quyết tâm thoát nghèo. Được chính quyền, các đoàn thể, ngành chức năng hỗ trợ cùng nỗ lực của bản thân mà gia đình tôi đã thoát nghèo. Sau đó, thông qua Hội Nông dân xã, tôi tiếp tục được vay 100 triệu đồng vốn chương trình hộ mới thoát nghèo để mở rộng quy mô sản xuất, nuôi chí làm giàu…”. Đến nay, anh Bàng đã mở rộng quy mô trang trại lên hơn 1 ha được quy hoạch thành 5 ao cá, nuôi 4 cặp bò sinh sản, hơn 4 nghìn con vịt và trồng hàng nghìn cây ăn quả. Năm 2020, trừ chi phí trang trại của gia đình cho thu nhập hơn 300 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình anh vừa đầu tư xây mới ngôi nhà 3 tầng khang trang, hiện đại.
Nhìn cơ ngơi của gia đình anh Bàng chẳng ai nghĩ đây vốn là hộ nghèo. Cũng chẳng mấy ai tin ở những vùng quê vốn nghèo khó như Yên Giả, cuộc sống người dân bây giờ đã hoàn toàn đổi khác, những mô hình như gia đình anh Bàng không phải là hiếm nữa mà có rất nhiều. Tất cả đều bắt nguồn từ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước khi đưa dòng vốn ưu đãi về với người dân thông qua NHCSXH. Chị Nguyễn Thị Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Giả cho rằng: “Nếu chỉ từ mấy chục triệu đồng vốn vay mà thoát nghèo, vươn lên làm giàu thì khó có người tin. Nhưng với đồng vốn ưu đãi của NHCSXH thì đó là hiện thực bởi nó là động lực, là nhân tố quan trọng đã kéo theo sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng chung tay thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Yên Giả luôn quan tâm chỉ đạo các đoàn thể phối hợp với NHCSXH triển khai đưa vốn ưu đãi đến với hộ nghèo và đối tượng CSXH, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Riêng Hội Phụ nữ xã nhận ủy thác và quản lý nguồn vốn của NHCSXH hơn 11,6 tỷ đồng, trong đó cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo hơn 6,6 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn này cùng sự hỗ trợ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và ngành chức năng mà nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất quê hương…”.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, anh Nguyễn Đình Dương đầu tư nuôi 15.000 gà giống lai Hồ.


Những thành quả đáng mừng
Từ chỗ chỉ cho vay 2 chương trình là hộ nghèo và GQVL, đến nay NHCSXH tỉnh đã triển khai 11 chương trình cho vay vốn ưu đãi với doanh số hàng năm lên tới hàng trăm tỷ đồng và hàng nghìn lượt hộ được vay vốn.
Trong câu chuyện trao đổi với chúng tôi về những thành quả đạt được của NHCSXH tỉnh kể từ khi thành lập, ông Hoàng Trọng Cường, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho rằng: Dù trải qua nhiều giai đoạn, dòng chảy vốn tín dụng có lúc thuận lợi, lúc khó khăn song những kết quả đạt được lúc nào cũng khẳng định vai trò đắc lực của đồng vốn chính sách đối với công cuộc phát triển bền vững của tỉnh. Dưới sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của lãnh đạo tỉnh, trực tiếp là sự điều hành của HĐQT, NHCSXH tỉnh đã luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ triển khai nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng CSXH, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, tạo dựng cuộc sống ngày càng ấm no hơn, góp phần đắc lực vào công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và những thành tựu quan trọng, nổi bật của tỉnh sau hơn 24 năm tái lập.
Chỉ tính giai đoạn 2015-2020, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH tỉnh đã giúp gần 129.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng CSXH được vay vốn, góp phần giúp hơn 18.000  hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 9.000 HS,SV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; thu hút, tạo việc làm cho gần 8.000 lao động từ vốn GQVL; xây dựng gần 189.000 công trình nước sạch và VSMT; hơn 400 căn nhà cho hộ nghèo... Riêng năm 2020, NHCSXH tỉnh đã giải ngân cho vay với doanh số hơn 500 tỷ đồng, trong đó doanh số cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đạt gần 300 tỷ đồng.
Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm từ 3,42% năm 2013 xuống còn 2,2% năm 2015 và 1,2% năm 2020 (là một trong 7 tỉnh, thành có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất toàn quốc). Những con số mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là minh chứng rõ nét cho một chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước đang được tỉnh, các cấp, ngành và NHCSXH tích cực triển khai thực hiện. Thành công này đã khẳng định quyết tâm lớn cùng những quyết sách đúng đắn của tỉnh về mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân mà đồng vốn NHCSXH chính là một trong những yếu tố quan trọng, đầy ý nghĩa…
Cũng theo ông Cường thì hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách thể hiện rõ khi các đối tượng thụ hưởng có cơ hội và tiền đề tiếp cận với hệ thống tín dụng, tài chính, với khoa học công nghệ và tư duy làm ăn mới. Từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, xây dựng ngày càng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả trên các lĩnh vực. Những kết quả này còn góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo và tạo sự ổn định xã hội trên địa bàn. Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hoạt động của các tổ chức đoàn thể nhận uỷ thác đã được củng cố và phát triển, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đã được truyền tải nhanh chóng và hiệu quả đến với người dân. Đây là một khối liên kết vững chắc và có tác động tích cực đến việc cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, là nhân tố quan trọng để tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển, đưa Bắc Ninh vươn lên trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước và đang hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.


Kỳ 2: Chuẩn nghèo đa chiều mới, cơ hội và thách thức

Ghi chép của Hà Linh - Lê Thanh