Vật vã mưu sinh

07/12/2018 08:31 Số lượt xem: 3426
(Tiếp theo kỳ trước và hết)

BÀI 2: “TRAO CẦN CÂU, HƠN TRAO XÂU CÁ”

Trong hành trình vượt lên sự trớ trêu của số phận, những NKT gặp phải không ít rào cản, mà nếu không có những cái nắm tay, ghé vai trợ sức, họ rất dễ ngã quỵ trên đường đời...
Tiếp sức người khuyết tật
Anh Nguyễn Văn Tuyên, sinh năm 1976 ở thôn Đại Vi (xã Đại Đồng bị nhiễm chất độc màu da cam khiến đôi chân teo lại, không thể làm được việc nặng. Sau khi kết hôn và có con, cuộc sống của gia đình ngày càng khó khăn, anh phải xoay xở làm nghề mộc nhưng do công việc không phù hợp, thiếu sức khỏe nên chẳng kiếm được là bao.
Phạm Sỹ Sơn, sinh năm 1992 ở xã Cách Bi (Quế Võ) bị câm điếc bẩm sinh. Trước đây Sơn đi xin việc nhiều nơi nhưng không chỗ nào nhận, có chỗ thương cảm nhận vào làm nhưng được vài tháng lại có lý do này nọ rồi cho nghỉ.

Hội người mù tỉnh hỗ trợ người khiếm thị  tham gia học nghề thủ công mỹ nghệ.
 

Việc có được nghề nghiệp ổn định với mức lương 5-7 triệu đồng với những người như Tuyên và Sơn có lẽ là một điều không tưởng. Thế nhưng từ khi được cơ sở sản xuất Đèn lồng Việt của anh Nguyễn Văn Bắc ở xã Đại Đồng (Tiên Du) nhận vào làm việc, Tuyên và Sơn không chỉ tự lo được cho bản thân mà còn có tiền gửi về cho gia đình, đồng thời bớt đi sự tự ti mặc cảm của người khuyết tật mà thay vào đó là thái độ sống lạc quan.
“Sinh ra trong gia đình có người chị không may mắc chứng câm điếc bẩm sinh nên tôi rất thấu hiểu hoàn cảnh của NKT. Năm 2006 tôi thành lập cơ sở sản xuất tại chính quê hương mình với mong muốn trao cho NKT chiếc “cần câu”, giúp họ tự nuôi sống bản thân và vững tin hơn vào cuộc sống”, chủ cơ sở sản xuất Đèn lồng Việt Nguyễn Văn Bắc chia sẻ.
Thời gian đầu, do người lao động không có kỹ năng chuyên môn, lại thiếu vốn sản xuất nên cơ sở của anh Bắc hoạt động không mấy hiệu quả. Anh nhận ra mình đang nhận NKT đơn thuần chỉ là nuôi dưỡng họ chứ chưa trao cho họ cơ hội làm việc, làm chủ cuộc sống của mình. Họ cần có khả năng lao động, trình độ, cùng làm việc với người khỏe để học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau…
Năm 2012, anh đầu tư máy móc, thiết bị, tổ chức sản xuất theo dây chuyền công nghiệp, phân chia mỗi người một công đoạn sản xuất phù hợp với khả năng của mình. Người cắt vải, vào nan, người vào quả, đóng gói… Người đủ sức khỏe thì làm việc tại công ty, người ít khả năng vận động, sức khỏe yếu có thể mang hàng về làm tại nhà. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay, Công ty của anh Bắc đã có gần 2.000 m2 nhà xưởng, duy trì việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động, trong đó lúc cao điểm có tới gần một nửa là người khuyết tật với mức lương bình quân từ 4 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp của anh mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 20 vạn chiếc đèn lồng và hàng trăm nghìn cờ Tổ quốc. Có việc làm và nguồn thu nhập ổn định, các thành viên trong công ty sống bình đẳng, được chăm sóc, bảo vệ và phát huy năng lực nên ai cũng gắn bó với công ty của anh.
Nói về những khó khăn khi vận hành một doanh nghiệp “đặc thù”, anh Bắc cho biết, bản thân anh cũng phải học ký hiệu của người câm, điếc. Để mọi người cùng hiểu nhau, anh rèn luyện người lao động cách ứng xử khi giao tiếp, làm sao để họ không bị tự ái, vươn lên khắc phục nhược điểm cá nhân, hòa nhập nhiều hơn với cộng đồng.
Cần nỗ lực từ nhiều phía
Theo kết quả khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh về tình trạng NKT: Tỉnh Bắc Ninh hiện có hơn 16 nghìn NKT, trong đó 65% đang trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên chỉ khoảng 15% số NKT trong độ tuổi lao động có việc làm ổn định. Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có một công ty Chân Thiện Mỹ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho khoảng vài chục NKT; Trung tâm Dạy nghề phục hồi chức năng người tàn tật tỉnh hàng năm hỗ trợ dạy nghề và giải quyết việc làm cho khoảng 150 NKT; Hội Người mù tỉnh phối hợp mở 55 lớp dạy nghề và truyền nghề cho 726 lượt người… bên cạnh đó còn một số tổ chức, đơn vị, cá nhân mở các cơ sở kinh doanh sản xuất, hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho NKT song mỗi cơ sở cũng chỉ hỗ trợ được vài lao động khuyết tật.

Công ty Đèn Lồng Việt luôn nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho NKT làm việc.
 

Những con số này là quá thấp so nhu cầu thực tế. Do đó, phần lớn những NKT khi được hỏi về khả năng xin việc thành công đều cho rằng xin việc còn gặp nhiều khó khăn với lý do về ngoại hình, sức khỏe và sự nghi ngại về khả năng làm việc. Công việc chủ yếu của họ vẫn là bán vé số, bán hàng rong hoặc làm những công việc thời vụ với mức lương thấp, không ổn định. Bên cạnh đó, trình độ học vấn chung của NKT thấp hơn so với lực lượng lao động xã hội, từ đó khó khăn trong học nghề ảnh hưởng đến khả năng tham gia thị trường lao động...
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Huế, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: NKT vẫn bị kỳ thị của xã hội nói chung và những nhà tuyển dụng chưa có cái nhìn đánh giá đúng về khả năng của NKT. Khi họ nhận NKT thì so sánh về ngoại hình do những khiếm khuyết, năng suất lao động… Hơn nữa chưa có nhiều chính sách riêng hỗ trợ giải quyết việc làm cho NKT. Đa số NKT kỹ năng tìm việc và kinh nghiệm làm việc còn hạn chế vì ít được tham gia các lớp học nghề nâng cao hay tập huấn tháo gỡ những khó khăn này. Các cơ sở làm việc hầu hết chưa đáp ứng điều kiện để NKT làm việc như phương tiện máy móc hỗ trợ, nơi di chuyển, sinh hoạt tiện lợi đáp ứng các dạng khuyết tật và chế độ ưu tiên khi làm việc.
Bắc Ninh là tỉnh có những chính sách an sinh xã hội dẫn đầu cả nước, song trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ một số rất nhỏ NKT có việc làm, ổn định đời sống. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh bày tỏ: Để NKT hòa nhập tốt hơn, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tập trung vào các vấn đề như phát hiện sớm, can thiệp sớm để hỗ trợ NKT; tổ chức NKT để mở trung tâm dạy nghề, phục hồi chức năng, tạo việc làm; có chính sách về vốn vay ưu đãi để người khuyết tật được tiếp cận phát triển kinh tế gia đình. Tiếp tục tuyên truyền, phản ánh đời sống của NKT, những tấm gương vượt khó học tập, lao động; biểu dương các doanh nghiệp tạo việc làm cho NKT...
Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng đào tạo, rút ngắn khoảng cách, thậm chí là bằng với kỹ năng nghề của người bình thường là vô cùng cần thiết để NKT có thể tự tìm được việc làm. Việc xây dựng quỹ hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người khuyết tật được coi là giải pháp mang tính lâu dài, bền vững cho các học viên sau khi kết thúc khóa học. Tuy nhiên, huy động nguồn lực là điều vô cùng khó khăn, cần sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, để từng bước đưa người khuyết tật thoát khỏi “bóng tối” mặc cảm, vươn lên làm chủ cuộc sống.
Mỗi người khi được sinh ra và trưởng thành đều mong muốn mình hoàn thiện, có tương lai tốt đẹp, cuộc sống đủ đầy, viên mãn. Người khuyết tật là những người thiếu may mắn khi hình hài, hoặc khả năng về một mặt nào đó bị hạn chế. Họ là những bộ phận yếu thế trong xã hội và rất cần sự thông cảm, sẻ chia, trân trọng, giúp đỡ của cộng đồng. Giúp người khuyết tật tự tin, có việc làm, sự lạc quan là những mảnh ghép được gắn lại làm cuộc sống này có ý nghĩa hơn!

Ghi chép của Vũ Thắng - Việt Anh - Nguyễn Hoa