Vật vã mưu sinh

06/12/2018 08:38 Số lượt xem: 2027
Đối với người khuyết tật (NKT), việc tham gia lao động, sản xuất không chỉ giúp nuôi sống bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội mà còn là cơ hội khẳng định mình và hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, việc mặc cảm với khuyết điểm bản thân và thiếu việc làm phù hợp... là những trở lực khiến con đường mưu sinh của NKT thêm gập ghềnh, gian khó.

BÀI 1: KHÁT VỌNG CỐNG HIẾN

Có một công việc ổn định không phải điều dễ dàng, nhất là đối với người khuyết tật. Nhưng với ý chí, nghị lực mãnh liệt, họ đã vượt lên sự trớ trêu của số phận, thể hiện tình yêu cuộc sống, bền bỉ cống hiến và làm những việc có ích cho đời.

Ánh sáng từ bóng tối
Sinh ra là một cô gái kháu khỉnh, khỏe mạnh thế nhưng càng lớn, Phạm Thị Huế (xã Trung Kênh, huyện Lương Tài) càng bộc lộ điểm khác lạ. Lên 10 tuổi, mắt của Huế mờ dần. Khi gia đình đưa đi khám, Huế được chẩn đoán mắc bệnh “thoái hoá sắc tố võng mạc”, thị lực chỉ còn 3/10. Bác sĩ khuyên cô không nên tiếp tục đi học vì sẽ làm đôi mắt mờ đi rất nhanh. Song khát khao con chữ, Huế vẫn quyết tâm đến trường. Đến năm 13 tuổi cô đã hoàn toàn mất thị lực, trước mắt Huế là một bóng tối vô vọng. 
Với suy nghĩ không trở thành một người mù chữ, không thành gánh nặng, Huế nỗ lực tìm cách để tiếp tục được đến trường. Với Huế, việc tham gia vào lớp học tiền hòa nhập của Hội Người mù tỉnh là một may mắn bởi từ đây, cô được tiếp tục học hết bậc THCS tại trường Nguyễn Đình Chiểu - ngôi trường đặc biệt dành cho những người khiếm thị. Hoàn thành cấp ba tại trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội), Huế được tuyển thẳng vào khoa Tiếng Anh - Công nghệ thông tin của trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Lớp học tiếng Anh của cô giáo khiếm thị Phạm Thị Huế ở Trung Kênh (Lương Tài).

4 năm đại học, sáng tới lớp chép bài bằng chữ nổi, tối về dò dẫm đọc lại từng dòng, từng chữ… cũng là khoảng thời gian nỗ lực nhất của cô gái này. “Có ba khó khăn lớn nhất tôi gặp phải đó là việc đi đến trường, không có giáo trình và không nhìn thấy bảng. Nhưng thật may mắn vì các thầy cô trong khoa đã hỗ trợ chuyển giáo trình từ bản cứng sang bản mềm để tôi có giáo trình. Tôi luôn được sự giúp đỡ nhiệt tình của các thầy cô trong khoa và các bạn trong việc học tập và cả sinh hoạt hàng ngày”, Huế chia sẻ.

Tốt nghiệp Đại học với tấm bằng loại Giỏi, Huế có nguyện vọng về công tác tại Hội người mù huyện Lương Tài và được chấp thuận. Tại đây, ngoài công việc chuyên môn của Hội, Huế bắt tay thực hiện ước mơ ấp ủ bấy lâu, là mở lớp dạy tiếng Anh cho những em nhỏ. Tuy nhiên, ước mơ này vấp phải không ít sự phản đối, hoài nghi và ái ngại của nhiều người. Ban đầu, chỉ một vài người thân gửi con em mình đến học, nhưng sau khi “mục sở thị” buổi học của cô và trò, nhiều phụ huynh đã yên tâm, tin tưởng và lớp học đông dần.
Chia sẻ về khó khăn trong việc soạn bài dạy học, Huế cho biết: “Do không thể đọc được những cuốn giáo trình bản cứng, tôi phải nhờ người đọc để chuyển thành file word. Rồi dùng phần mềm jaws (hỗ trợ tiếng nói cho người mù) trên công cụ máy tính để đọc những cuốn sách. Đồng thời, nhờ người thân, bạn bè  tìm các tranh ảnh phù hợp với nội dung bài giảng để in ra”. Bên cạnh đó, Huế luôn cố gắng thiết kế bài giảng của mình để các em không nhàm chán. Cô giáo Huế cũng nhờ người trợ giảng và quản lý lớp, mỗi ngày đều chuẩn bị những phần thưởng nhỏ để khuyến khích các em.
Đến nay, lớp học Tiếng Anh của Huế đã có tổng số hơn 100 học sinh. Không dừng lại ở đó, cô tiếp tục nuôi ý định mở một trung tâm Tiếng Anh có giáo viên là người khiếm thị và giúp đỡ tất cả học sinh có nhu cầu nhằm lan tỏa nhiều hơn sự cống hiến của các hội viên người khiếm thị đến với cộng đồng. Hiện cô được tin tưởng giao đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện, Trưởng ban Công tác Phụ nữ và Trẻ em mù tỉnh.
Mở đường cho người đồng cảnh ngộ
Đôi tay thoăn thoắt “múa kéo” giữa không gian thinh lặng và đám đông người chờ đợi là hình ảnh quen thuộc thường thấy ở tiệm cắt tóc Đức Thịnh (phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh). Mắc chứng câm điếc bẩm sinh, đến năm 13 tuổi, Thịnh được nhận vào Trung tâm Nuôi dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội Bắc Ninh. Tại đây, cậu được học hành bài bản và được đào tạo nghề dành cho người khuyết tật.
Khi tốt nghiệp, gia đình hướng Thịnh vào những công việc như thợ may, thợ kim hoàn, nhưng cậu lại có niềm đam mê đặc biệt với nghề cắt tóc. Thịnh bị cuốn hút bởi những đường kéo sắc ngọt, cách múa kéo điêu luyện của những người thợ chuyên nghiệp, và hơn hết, cậu cảm nhận được niềm vui của khách hàng khi ra về với một mái đầu ưng ý... Tuy nhiên, việc theo đuổi nghề cắt tóc đối với người như Thịnh là không hề dễ dàng. Do khó khăn về ngôn ngữ, cậu chỉ có thể nhìn theo thầy mà cắt chứ không hề có được sự trao đổi, tương tác.

Đức Thịnh truyền nghề cho người đồng cảnh ngộ.

Không quản ngại, sau thời gian theo học, cậu trở về nhà, đặt bộ đồ nghề cắt tóc miễn phí ở vỉa hè. Ban đầu chỉ có một vài người già, trẻ nhỏ đến cắt. Dần dà, thấy cậu khéo tay, nhiều thanh niên nam, nữ trong khu vực cũng tìm đến cho Thịnh “thử nghiệm” tay nghề.
Để nâng cao kiến thức chuyên môn, Thịnh quyết định khăn gói sang Hà Nội. Với sự giúp đỡ của các giáo viên Trung tâm Nuôi dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội Bắc Ninh và một vài người thân quen, Thịnh được một cơ sở lớn nhận vào đào tạo. Khi đã vững tay nghề, Thịnh quyết định mở một cửa hàng ngay tại nhà...
Thời gian như thoi đưa, thấm thoắt đã mười mấy năm trời. Với đôi bàn tay tài hoa, tiệm cắt tóc nhỏ ngày nào đã trở nên khang trang, đẹp đẽ và là địa chỉ quen thuộc của nhiều người dân thành phố. Công việc thuận lợi với thu nhập cả chục triệu đồng mỗi tháng, Thịnh đã có điều kiện giúp đỡ gia đình, giúp mẹ sang sửa nhà cửa, và điều quan trọng là thực hiện được ước mơ, dự định của riêng mình - đó là giúp đỡ, dạy nghề miễn phí cho những người đồng cảnh ngộ.
Thấu hiểu nỗi khổ của những người khiếm khuyết, biết họ rất khó tìm được việc làm phù hợp với bản thân mình, Thịnh đã tổ chức dạy nghề miễn phí cho những người đồng cảnh ngộ ở trong và ngoài tỉnh. Tiếng lành đồn xa, 15 năm qua, đã có hàng chục người được Thịnh truyền nghề. Sau khi dạy nghề, Thịnh còn giới thiệu việc làm và hỗ trợ đồ dùng để mọi người có thể hành nghề độc lập.
Khơi dậy ý chí vươn lên
Những tấm gương vượt lên số phận như chị Huế, anh Thịnh không phải là hiếm ở Bắc Ninh. Có thể kể đến những người như anh Nguyễn Ngọc Trường (phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh), từ một người khiếm thị vươn lên làm chủ cơ sở xoa bóp, tẩm quất tạo việc làm cho từ 5-7 người khiếm thị với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng. Hay như Nguyễn Thị Nga, NKT huyện Lương Tài mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế VAC; Dương Thị Vui ở thị xã Từ Sơn - người khiếm thị đỗ hai trường Đại học lớn... họ đều là những người kém may mắn nhưng những khiếm khuyết, sự trêu đùa của số phần lại giúp họ “giàu” hơn về nghị lực.
Theo ông Đỗ Quang Quyển, Chủ tịch Hội bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, để giúp NKT hòa nhập vào đời sống xã hội và cộng đồng dân cư nơi sinh sống, Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai Luật NKT gắn với việc thực hiện các chính sách bảo trợ, an sinh xã hội tại địa phương. Vận động sự chung tay, giúp đỡ của các nguồn lực xã hội chăm lo vật chất, tinh thần nhằm thực hiện các quyền chính đáng của NKT. Song, giải pháp tiên quyết trong vấn đề này chính là bản thân NKT phải thật sự nỗ lực, vượt lên chính mình...


Bài 2: “Trao cần câu, hơn trao xâu cá”

Ghi chép của Vũ Thắng - Việt Anh - Nguyễn Hoa