Vận động hội viên phát triển kinh tế tập thể

12/09/2018 14:07 Số lượt xem: 500
Với 168.000 hội viên sinh hoạt ở 121 cơ sở Hội, Hội Nông dân (HND) tỉnh đang là nhân tố quan trọng phát triển loại hình kinh tế HTX kiểu mới.

Trong những năm qua, loại hình kinh tế hợp tác xã (HTX) kiểu mới dưới nhiều hình thức, trình độ khác nhau trong các ngành, lĩnh vực, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn đã đáp ứng một phần nhu cầu của những người lao động, hộ sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Với 168.000 hội viên sinh hoạt ở 121 cơ sở Hội, Hội Nông dân (HND) tỉnh đang là nhân tố quan trọng phát triển loại hình kinh tế này.
Xác định mô hình HTX là căn bản và tất yếu của nông nghiệp, đóng vai trò tích cực trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, HND tỉnh tích cực tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, HTX thông qua nhiều hình thức như sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chi Hội, tổ chức thi theo hình thức sân khấu hoá… Cùng với đó, trong 5 năm (2013-2018), HND tỉnh phối hợp với Ban Kinh tế - (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) tổ chức 25 lớp tập huấn kiến thức HTX và tổ hợp tác cho 3.700 cán bộ Hội cơ sở và hội viên nông dân; quan tâm đào tạo, nâng cao tay nghề; tư vấn xây dựng mô hình gia trại, trang trại, vùng chuyên sản xuất cây con có giá trị kinh tế cao. Kết quả, HND các cấp hỗ trợ nông dân xây dựng 254 mô hình kinh tế tập thể tại 8 huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, toàn tỉnh có 430 HTX, 212 Tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động nông thôn.
Bên cạnh đó, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh chủ động khai thác và thực hiện tốt công tác quản lý các nguồn vốn. Trong 5 năm, tăng trưởng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt 51,8 tỷ đồng, hiện nguồn vốn đang giải ngân cho trên 1.100 hộ nông dân vay đầu tư phát triển sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho trên 4.000 lao động. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng CSXH, Agribank, Sacombank giải ngân vốn vay phục vụ sản xuất cho nông dân với tổng dư nợ gần 590 tỷ đồng. Đặc biệt, HND tỉnh tổ chức trên 9 nghìn buổi tập huấn, chuyển giao ứng dụng KHKT vào sản xuất; tích cực vận động nông dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những giống mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Hiện nay, toàn tỉnh hình thành 60 vùng sản xuất tập trung với nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như: vùng hoa, cây cảnh cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/ha/năm ở huyện Tiên Du, thị xã Từ Sơn; vùng rau xanh với thu nhập 300 triệu đồng/ha/năm ở thị xã Từ Sơn, huyện Yên Phong, Thuận Thành; vùng cà chua có lãi 180 triệu đồng/ha/năm ở huyện Thuận Thành;… 
Ông Nguyễn Đăng Khang, Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh cho biết: Để tiếp tục phát huy hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia thành lập HTX, phát triển mô hình kinh tế tập thể, cần tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX. Hội Nông dân tỉnh khuyến khích hội viên đầu tư xây dựng, mở rộng mô hình HTX; tập trung phát triển các HTX nông nghiệp theo hướng dịch vụ tổng hợp; quan tâm định hướng sản xuất cho nông dân; hỗ trợ, đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp và các hộ gia đình, giúp HTX phát huy vai trò cầu nối giữ kinh tế hộ với các doanh nghiệp và thị trường. Đẩy mạnh và tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp giữa Liên minh HTX và Hội Nông dân tỉnh giai đoạn 2016-2020, đưa kinh tế hợp tác xã phát triển đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Khánh Linh