Vận dụng hiệu quả các chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất rau an toàn

23/07/2019 08:42 Số lượt xem: 1689
Đầu tư cho phát triển nông nghiệp sạch, an toàn là hướng đi tất yếu trong điều kiện đất canh tác ngày càng thu hẹp do tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị hóa của Bắc Ninh đang tăng nhanh. Thực tế cho thấy không chỉ doanh nghiệp quan tâm, điều đáng mừng là sản xuất nông sản sạch nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân, nhiều hộ cùng liên kết, mạnh dạn đầu tư kinh phí để quy hoạch vùng sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại, nâng cao hiệu quả kinh tế. Vấn đề quan trọng hơn đó là tạo ra sản phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng tiêu chí ngày càng cao của ngưới tiêu dùng.

HTX rau, củ quả nông sản an toàn thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn (Tiên Du) sản xuất theo quy trình VietGap.

 

Diện tích rau an toàn được mở rộng
Sản xuất rau an toàn được các địa phương chú trọng phát triển trong thời gian gần đây. Năm 2018, toàn tỉnh có khoảng 3.000 ha sản xuất rau theo hướng an toàn, chiếm 30% tổng diện tích rau; năng suất bình quân đạt hơn 200 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 60.000 tấn, chiếm 25% tổng sản lượng rau. Trong đó, tỷ lệ diện tích các loại rau được sản xuất theo hướng an toàn như khoai tây (chiếm 70-80%); cà rốt 50-60%; hành tỏi 80%; bí các loại 60%; rau các loại 50%…
Có 7 cơ sở sản xuất rau được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với tổng diện tích 53,5 ha; 7 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGap, diện tích 26,6 ha; 9 doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh rau an toàn, bước đầu hình thành một số mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa người dân và doanh nghiệp có hiệu quả, điển hình như: Công ty Hương Việt Sinh, Công ty TNHH XNK nông sản Hải Phong… Xây dựng và phát triển thương hiệu “Khoai tây Quế Võ”, diện tích lên hơn 1.800ha, cho hiệu quả cao gấp 3-4 lần so với cây lúa.
Với vai trò là điểm tựa của xã viên các HTX như: HTX rau, củ quả nông sản an toàn thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn (Tiên Du); HTX dịch vụ Bút Lâm (thị trấn Chờ, Yên Phong); HTX sản xuất, dịch vụ nông nghiệp Cao Sơn (Tam Giang, Yên Phong), HTX Long Khám (Tiên Du)... khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất, là “đầu mối” cung ứng nguyên liệu, cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cho đến bao tiêu sản phẩm giúp xã viên yên tâm sản xuất phát huy tiềm năng đất đai, nâng cao thu nhập và cung cấp nhiều sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Ngược lại, xã viên có trách nhiệm thực hiện theo kế hoạch sản xuất và đúng quy trình quy phạm kỹ thuật trồng trọt được hướng dẫn. Nhờ đó có nhiều mô hình sản xuất rau an toàn cho thu nhập 300 - 500 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc HTX rau, củ quả nông sản an toàn thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn (Tiên Du) khẳng định: Việc trồng rau màu theo hướng VietGap không chỉ bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn tăng năng suất so với trồng truyền thống, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, giúp sản phẩm của người dân có thể chen chân vào các hệ thống phân phối lớn, có uy tín, nhất là hệ thống siêu thị, trường học, bếp ăn của các doanh nghiệp KCN. Qua đó, từng bước thay đổi hình thức canh tác cũ, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiện đại và vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, để chúng ta không còn phải chứng kiến những vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc nữa.

HĐND tỉnh khóa XVIII ban hành Nghị quyết số 147/2018/NQ-HĐND ngày 6-12-2018 “Quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh”. Trong đó, hỗ trợ sản xuất rau và rau an toàn như sau: Hỗ trợ 50% giá giống đối với giống rau màu đạt cấp nguyên chủng (hoặc tương đương) trở lên để sản xuất giống rau màu các loại; Hỗ trợ 3 triệu đồng/ha gieo trồng/vụ đối với sản xuất rau màu có giá trị kinh tế cao tập trung; Hỗ trợ 100% kinh phí lần đầu cho cơ sở sản xuất nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc VietGap, GMP, GlobalGap, sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ nằm trong vùng quy hoạch của địa phương (bao gồm kinh phí tư vấn, thẩm tra, đánh giá, lấy mẫu phân tích, tập huấn, cấp chứng nhận…), tổng mức hỗ trợ không quá 80 triệu đồng/giấy chứng nhận…


Vận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ
Các sản phẩm rau chủ lực của tỉnh là khoai tây, cà rốt, bí các loại, hành tỏi... cơ bản được tiêu thụ theo hình thức thương lái thu mua tại ruộng cung cấp cho thị trường. Đối với rau sản xuất tại các cơ sở đã chứng nhận an toàn được tiêu thụ qua các doanh nghiệp bao tiêu cung cấp cho siêu thị, cửa hàng kinh doanh sản phẩm nông sản sạch, bếp ăn KCN, trường học theo đơn đặt. Hầu hết các mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap bước đầu cho hiệu quả rất tốt, ngành chức năng hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm…
Tuy nhiên, thực tế sản xuất rau an toàn của tỉnh hiện chỉ dừng lại quy mô một số mô hình phân bố ở nhiều địa phương, hay một nhóm hộ liên kết cùng sản xuất nên tính bền vững chưa cao. Sản xuất nông nghiệp chịu tác động nhiều từ các yếu tố ngoại cảnh, nhất là điều kiện thời tiết nên tính rủi ro lớn, chưa thực sự hấp dẫn nông dân tham gia liên kết sản xuất; việc sản xuất và bảo quản rau an toàn cũng đòi hỏi chi phí cao nên khó cạnh tranh với rau trôi nổi trên thị trường, trong khi đó, nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế. Mặc dù tỉnh, các địa phương có những chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, song để được thụ hưởng cần rất nhiều quy định, qua nhiều khâu thẩm định mà không phải hộ dân nào cũng đáp ứng được đầy đủ.
Theo ông Phạm Văn Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh: Cùng với những nỗ lực từ phía người sản xuất, các địa phương có tiềm năng về đất sản xuất cần vận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất của tỉnh, trung ương theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho nông dân để quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác; kết hợp với ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm đạt năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, nâng cao giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác, tăng thu nhập cho nông dân; tăng khả năng cạnh tranh nông sản hàng hoá. Khuyến khích người dân thành lập các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, đăng ký nhãn mác, tạo dựng uy tín, tìm đầu ra cho sản phẩm, phát huy tiềm năng đất đai, nguồn lao động tại địa phương để tạo đột phát trong phát triển kinh tế nông nghiệp... Phấn đấu đến năm 2025,  toàn tỉnh có 2.650 ha sản xuất rau an toàn, (diện tích gieo trồng rau toàn tỉnh đạt khoảng 5.300 ha); năng suất rau an toàn bình quân đạt 235,8 tạ/ha trở lên; sản lượng thu được ước khoảng 124.960 tấn. Định hướng đến năm 2030 mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn là 3.192 ha.

Thái Uyên