Ước mơ thực phẩm sạch

17/06/2020 21:15 Số lượt xem: 2699
Vừa đọc câu chuyện của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trên báo mà thấy vừa buồn, vừa lo, ông ạ. Ông bạn cùng quê lên chăm vợ ốm trên bệnh viện tỉnh nói chuyện khi tôi vào thăm.

Trên báo, GS Lân Dũng tâm sự về “ước mơ rau sạch” bởi GS vừa thoát cửa tử của căn bệnh ung thư quái ác nên rất thấm thía về tác hại của chất độc từ thực phẩm hàng ngày. Bạn tôi nói tiếp. Đó không chỉ là câu chuyện, là ước mơ của GS mà cũng là câu chuyện, là ước mơ chung của mọi người. Cổ nhân dạy, bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra mà. Bây giờ tình trạng ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn lan tràn thế thì trách sao được. Rau quả thì phun thuốc trừ sâu, lợn gà thì dùng thuốc tăng trọng, thuốc kháng sinh. Hàng ngày, nhà nào cũng phải dùng thực phẩm thì sao tránh khỏi mối nguy hiểm của việc sử dụng các loại thực phẩm không an toàn…
Thì phải chạy theo năng suất, sản lượng nên người trồng trọt, chăn nuôi đều phải sử dụng thuốc BVTV, thuốc kháng sinh, thậm chí là dùng lậu cả thuốc tăng trọng nữa. Tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành nên tình trạng này đã giảm nhiều rồi. Riêng việc sử dụng thuốc BVTV, theo Bộ Nông nghiệp & PTNT, thì năm 2017, Việt Nam nhập khẩu đến 126.000 tấn thuốc trừ sâu; năm 2018 giảm còn 83.000 tấn và 10 tháng năm 2019 còn 76.000 tấn…
Vẫn còn quá lớn, đó là chưa kể việc nhập lậu và sản xuất trong nước nữa chứ. Thậm chí là tình trạng “rau 2 luống, lợn 2 chuồng” như báo chí đã phản ánh khiến mối lo, mối nghi ngại về thực phẩm bẩn, không an toàn vẫn thường trực trong từng bữa cơm của các gia đình. Thế nên GS Lân Dũng mới ước mơ được sử dụng rau sạch bởi theo GS thì có nhiều cách, nhiều mô hình đã thành công trong việc trồng rau quả sạch, chăn nuôi sạch, an toàn nhưng lại quá ít so với nhu cầu sử dụng và so với lượng thực phẩm cung ứng ra thị trường…
Đúng là từ ước mơ đến hiện thực còn quá xa, ông nhỉ. Trong khi số người chết vì ung thư vẫn cứ tăng và luôn tỷ lệ thuận với lượng “chất độc” đổ ra môi trường sống của chúng ta thì ước muốn được dùng thực phẩm sạch sao mà khó thế… Tôi thở dài.
Vậy mới lo, mới buồn. Thực phẩm sạch là điều vô cùng quan trọng với sự sống của tất cả mọi người. Nếu các bộ, ngành chức năng, các địa phương không “sắn tay” vào làm và không có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả thì người dân không còn biết trông cậy vào đâu nữa…
Đúng vậy, hồi đầu năm, trong cuộc họp về ATTP, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định rõ quyền tiếp cận thực phẩm an toàn là quyền cơ bản của con người. Công tác bảo đảm ATTP phải được tăng cường, đây là trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan chức năng với tinh thần chỉ đạo quyết liệt và hành động không nhân nhượng với hành vi vi phạm ATTP…
 Vấn đề quan trọng là các bộ, ngành chức năng, các địa phương, nhất là ở cơ sở và vai trò của người đứng đầu phải thực sự quyết liệt, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động liên quan đến ATTP,  xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm để răn đe. Đồng thời, cần khẩn trương nghiên cứu, đưa ra được những phương pháp, cách thức sản xuất tiên tiến, an toàn, có cơ chế khuyến khích, động viên, hỗ trợ nhân ra diện rộng các mô hình sản xuất thực phẩm sạch, an toàn…   
Cùng với đó, phải không ngừng tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp, trong việc sản xuất, cung ứng các sản phẩm sạch, an toàn ra thị trường và cả trong việc tiêu dùng thông thái để cùng cảnh giác, đấu tranh kiên quyết với những hành vi vi phạm về ATTP…
Đúng vậy, mỗi chúng ta cũng phải nâng cao nhận thức, cùng chung sức thực hiện mục tiêu của tỉnh “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn” nhằm bảo vệ quyền cơ bản của mỗi người và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, ông nhỉ.
Để ước mơ của GS Lân Dũng và của mọi người sẽ dần trở thành hiện thực, để ai cũng có một cuộc sống bình yên và hạnh phúc nữa chứ. Ông bạn tôi cười đáp.

Nguyên Phương