Ứng dụng công nghệ cao tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp

28/05/2019 08:15 Số lượt xem: 1977
Những năm qua, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (CNC), đã trở thành là khâu then chốt để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Mặc dù điều kiện diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, thời tiết diễn biến ngày càng cực đoan, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn ra phức tạp song sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn có những bước tiến quan trọng: giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản năm 2018 đạt 8.861,8 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng khoảng 880 tỷ đồng so với năm 2010 và tăng 8.053 tỷ đồng so với năm 1997. Giá trị sản xuất trên một ha canh tác đạt gần 110 triệu đồng, tăng gấp 6 lần so với năm 1997.
Các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng được ứng dụng vào sản xuất đại trà cho hiệu quả cao như: Các giống lúa năng suất cao (Thiên ưu 8, BC15); giống lúa chất lượng cao (Bắc thơm số 7, TBR225, nếp PD2, BM 9603); giống lúa chuyển gen kháng bệnh bạc lá (Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, Bác ưu 903 kháng bạc lá); giống ngô chuyển gen kháng sâu đục thân và chống chịu thuốc trừ cỏ; chuối tiêu hồng nuôi cấy mô,...
Cơ giới hóa luôn được coi trọng, hiện nay tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt trên 95%, khâu phun thuốc bảo vệ thực vật đạt khoảng 50%, khâu thu hoạch đạt khoảng 70%, khâu gieo, cấy đạt khoảng 10% và đang dần được triển khai mở rộng. Toàn tỉnh có 8 vùng sản xuất rau, quả an toàn đạt tiêu chuẩn VietGap với tổng diện tích 34,15 ha; 5 vùng sản xuất lúa an toàn đạt tiêu chuẩn VietGap với tổng diện tích 110 ha; 28 mô hình sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính với tổng diện tích khoảng 23 ha. Đặc biệt, mô hình trồng rau tía tô trong nhà kính tại huyện Lương Tài, tổng diện tích 11,4 ha, trong điều kiện thuận lợi, một năm có thể cho thu nhập khoảng 3 tỷ đồng/ha.
Nhiều giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao (giống lợn ngoại siêu nạc 3-4 máu, giống bò thịt, bò sữa cao sản, giống gà siêu thịt, siêu trứng…), các sản phẩm của công nghệ sinh học (tinh bò phân biệt giới tính, vắc xin nuôi cấy tế bào), công nghệ chuồng kín với hệ thống máng ăn, máng uống và điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi tự động, hệ thống kho lạnh để bảo quản thực phẩm, công nghệ xử lý chất thải bằng bể Bioga, chế phẩm sinh học, máy ép tách phân; công nghệ tự động hóa; công nghệ thông tin… được áp dụng rộng rãi vào sản xuất chăn nuôi, sơ chế, chế biến thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm. Trong số 54 trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn hiện nay có 2 cơ sở chăn nuôi thực hiện tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất, 5 cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn giống.
Ứng dụng công nghệ di truyền trong việc chọn lọc gen gà Hồ phục vụ cho công tác bảo tồn, chọn giống; áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gà; sử dụng các enzyme, các chế phẩm sinh học probiotic trong sản xuất thức ăn chăn nuôi... góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản xuất chăn nuôi.
Trong lĩnh vực thủy sản có 165 vùng nuôi cá trong ao đất tập trung (quy mô 10 ha trở lên) với tổng diện tích 3.229 ha, trong đó diện tích có sử dụng máy quạt nước, chế phẩm sinh học xử lý môi trường là 1.875ha. 48 cơ sở nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGap, trong đó 24 cơ sở nuôi cá trong ao đất và 24 cơ sở nuôi cá lồng trên sông, 3 cơ sở sản xuất cá giống áp dụng công nghệ đẻ vuốt và ấp trứng bằng bình vây. Triển khai nhiều mô hình thủy sản ứng dụng công nghệ cao mới: nuôi cá “sông trong ao”; công nghệ sinh học Biofloc (cân bằng Nitơ, cacbon) nuôi thương phẩm cá rô phi siêu thâm canh trong ao đất lót bạt; tuyển chọn, nhập ngoại đàn cá bố mẹ (Chép Séc), tiến hành thụ tinh nhân tạo cung cấp con giống; áp dụng phương pháp lai xa, lai ghép để sản xuất các loại giống cá chép lai, cá rô phi, rô phi đơn tính đực… đây là những công nghệ mới, hứa hẹn mang lại đột phá trong sản xuất thuỷ sản trong thời gian tới.
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, cách mạng Công nghiệp 4.0 là xu thế công nghệ tất yếu phải hướng đến để theo kịp các nước phát triển. Vì vậy, để chủ động thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, ngành nông nghiệp cần phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông minh vào sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao. Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp Bắc Ninh xác định trong thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch, vùng sản xuất. Đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các mô hình nông nghiệp CNC trên cơ sở xác định loại cây trồng cụ thể, quy mô sản xuất, phương thức sản xuất phù hợp. Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, khuyến khích chuyển nhượng hoặc cho thuê ruộng đất theo hướng lâu dài, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp có đất để đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Từng vùng, từng địa phương căn cứ vào lợi thế và điều kiện cụ thể để lựa chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao và công nghệ sản xuất phù hợp để xây dựng mô hình điểm, thông qua hỗ trợ ngân sách nhà nước để định hướng, nâng cao nhận thức của nông dân và doanh nghiệp. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất, thực hiện quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) nhằm đạt năng suất cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh. Thực hiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, gắn với truy suất nguồn gốc và xây dựng nhãn hiệu sản phẩm. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng nhằm kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển nông nghiệp tại Bắc Ninh.

Nguyễn Thị Vân Anh