Ứng dụng các giải pháp thông minh trong nuôi trồng thủy sản

04/04/2021 20:25 Số lượt xem: 2958
Chuyển đổi diện tích ruộng trũng, hiệu quả thấp, tận dụng ao, hồ, sông ngòi sang nuôi trồng thủy sản là bài toán kinh tế thành công trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh từ nhiều năm nay. Tiếp tục phát huy lợi thế đó, bằng các giải pháp ứng dụng công nghệ cao vào thâm canh nuôi trồng đã tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng thủy sản, chiếm ưu thế trong sản xuất nông nghiệp.  

 

Mặc dù diện tích ao, hồ nuôi thủy sản đang giảm dần, nhưng do đẩy mạnh hình thức nuôi thâm canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kết hợp với đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng trên sông nên sản xuất thủy sản trong những năm qua vẫn tăng mạnh cả về năng suất, sản lượng. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản trong ao đất năm 2020 là 5.150 ha, giảm bình quân giai đoạn 2015-2020 0,8%/năm, song tổng sản lượng thủy sản đạt khá 39.000 tấn/năm, tăng bình quân 1,8%/năm. Điều đáng mừng là hiện nay, toàn tỉnh có 162 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô từ 10 ha trở lên, diện tích 2.757 ha. Số lượng lồng cá trên sông đạt  hơn 2.000 lồng, tăng bình quân 5,6%/năm. Số lượng cá giống sản xuất đạt 235,8 triệu con các loại, trong đó cá bột 118,5 triệu con, cá hương 74,1 triệu con, cá giống 43,2 triệu con. Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 cơ sở sản xuất cá giống áp dụng thành công công nghệ nhân giống bằng phương pháp đẻ vuốt, ấp trứng bằng bình vây, mỗi năm sản xuất và cung cấp cho thị trường khoảng 130 triệu con cá giống chép lai, chim trắng và rô phi đơn tính.

Nuôi cá "sông trong ao" đem lại hiệu quả kinh tế cao.


Kết quả trên khẳng định sự thành công trong việc áp dụng công nghệ hiện đại vào nuôi trồng thủy sản ở các địa phương trong tỉnh. Hiện nay, công nghệ nuôi thâm canh, siêu thâm canh các loại thủy sản trong ao đất và trong lồng trên sông đang phát triển mạnh. Toàn tỉnh hiện có 1.875 ha ao, hồ nuôi cá thâm canh sử dụng máy quạt nước, chế phẩm sinh học xử lý môi trường nước nuôi, năng suất cá đạt 8-12 tấn/ha/vụ; 160 hộ nuôi cá lồng trên sông ở 18 xã thuộc các huyện: Tiên Du, Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài, Quế Võ, Yên Phong với hơn 2.000 lồng, năng suất cá đạt 4-6 tấn/lồng/lứa nuôi, sản lượng cá ước đạt hơn 8.200 tấn/năm. Nuôi cá lồng trên sông đã trở thành phong trào phát triển rộng khắp ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Các đối tượng cá nuôi trong lồng gồm cá Nheo Mỹ (cá Lăng đen), cá Chép, cá Điêu hồng, cá Rô phi, Trắm cỏ, được thị trường ưa chuộng. Một số hộ còn mạnh dạn đưa cá đặc sản vào nuôi thử nghiệm như cá Tằm, cá Chiên, cá Lăng chấm... số lượng chưa nhiều song mở ra hướng đi mới cho nuôi trồng thủy sản. Ông Ngô Xuân Trường, xã Quảng Phú (Lương Tài), nuôi diện tích 4 ha, lợi nhuận hàng năm đạt 600-800 triệu đồng cho biết: Các loại cá đặc sản cho giá trị kinh tế cao, nhưng đòi hỏi quá trình nuôi khắt khe, phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi như môi trường nước, nguồn thức ăn sạch và phải theo dõi sát diễn biến sinh trưởng của cá để có các biện pháp xử lý kịp thời khi xảy ra dịch bệnh.
 Công nghệ nuôi cá “sông trong ao”, công nghệ nuôi cá sinh học Biofloc cũng đã và đang được một số hộ nuôi trồng thủy sản áp dụng và mang lại hiệu quả bước đầu. Trung bình 1ha cho năng suất cao hơn 1,5-2 lần so với nuôi trong ao đất, việc kiểm soát về bệnh dịch, chất lượng thực phẩm cũng thuận lợi hơn. Công nghệ vi sinh trong phòng, trị một số loại dịch bệnh nguy hiểm đối với thủy sản được áp dụng hiệu quả. Nuôi trồng thủy sản theo quy trình VietGAP tạo ra sản phẩm an toàn, truy suất nguồn gốc, nâng cao giá trị sản phẩm được hưởng ứng mạnh mẽ. Toàn tỉnh đã có 141 cơ sở, hộ nuôi thủy sản áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP… đưa tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 44,5% tổng giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Công Trình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh nhận định: Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần làm thay đổi tư duy, tập quán canh tác của người dân, chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn theo hướng chuyên canh, thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất thủy sản tập trung, quy mô lớn, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và làm cơ sở hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ bảo quản, chế biến, xuất khẩu nông sản. Tỉnh tiếp tục rà soát, chuyển đổi các vùng đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây, chăn nuôi gia súc, gia cầm, theo hướng phát triển trang trại, đem lại giá trị kinh tế cao. Đồng thời rà soát, bổ sung kịp thời các chính sách, đặc biệt là chính sách đặc thù theo hướng đủ mạnh, đơn giản hóa các thủ tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân dễ tiếp cận được chính sách ưu đãi để đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản, từng bước đưa chăn nuôi nói chung trở thành ngành sản xuất chính, giúp nông dân làm giàu chính đáng, thu hẹp khoảng cách nông thôn, thành thị và đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

Hoài Anh