Tự điều chỉnh

15/01/2020 20:37 Số lượt xem: 827
Mới đầu giờ làm việc, Hoa hớn hở thông báo: Ông chồng em chính thức chuyển từ tự lái sang đi xe buýt.

Tôi ngạc nhiên: Sao phải khổ thế, xe buýt chật chội lại thích nhao vô?
Hoa cười nhạt: Bác không phải thương vay khóc mướn cho ông ý, khổ thì cũng phải chịu, nếu lái xe thì ai nhậu nhẹt cho! Thế cho yên tâm, “nhỡ” lúc cao hứng… đi đã không an toàn, mà chẳng may lại đi toi mấy tháng lương, bị tước cả giấy phép lái xe…!
Dung hòa vào: Không chỉ riêng chồng cô, kể từ khi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, có hiệu lực (từ ngày 1-1-2020) mấy ông hàng xóm nhà tôi mỗi khi muốn đến quán nhậu đều lưỡng lự, cân nhắc xem mình sẽ về nhà như thế nào cho nó thuận cả “đôi đường.
Còn Cường nhân viên phòng bên than thở: Trong cuộc sống hàng ngày, những dịp như sinh nhật, hoặc lúc có chuyện vui, hay gặp chuyện buồn, tôi muốn gọi bạn bè uống vài cốc bia chia sẻ, thì phải làm sao đây?.
Cậu muốn uống, thì cứ gọi một bàn như mọi khi  nhưng… “gói mang về nhà”, từ lóng của dân nhậu là “Thếch-ơ-uây” (take away).
Cường chống chế: Thếch, thác cái gì… ngồi nhà uống thì nhạt toẹt, chả có không khí! Vả lại, bạn tôi cũng phải về chứ!?
Bác bỏ quan điểm của Cường, Hoa nói: Chính vì cái không khí “quá” của các ông là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, mất trật tự an toàn xã hội. Không chỉ thế, Việt Nam còn là nước sử dụng rượu bia nhiều nhất Đông Nam Á, thứ ba châu Á, thuộc top dẫn đầu thế giới. Những thứ hạng này có đáng tự hào không?
Thế tôi hỏi chị: Khi đến đám cưới, đám giỗ, làm sao mà tránh khỏi rượu bia? Cường vặn vẹo.
Thôi, ông đừng có “lý do to hơn lý trấu”. Đã lái xe thì không uống rượu.  Hoa quả quyết: Ai chả có trăm ngàn lý do để uống rượu, nhưng nếu không có chừng mực, không kiểm soát được hành vi sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Để tránh được những hậu quả đáng tiếc, tốt nhất ông cứ chấp hành nghiêm Luật, đã “cầm ly thì không cầm lái”.
Có nhiều quy định mới đầu đưa vào thực hiện đều “vấp” phải ý kiến trái chiều nhưng cuối cũng vẫn được cả xã hội đồng thuận như quy định về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; cấm sản xuất, đốt pháo, thả đèn trời… Một điều luật cấm cần điều chỉnh một thói quen đã ăn sâu vào văn hóa bia rượu cần phải có thời gian dài để nhìn thấy tác dụng. Tuy nhiên việc người dân tự điều chỉnh sẽ đem đến những trái ngọt. Dung dẫn chứng thêm:
Một cơn bão quét qua một tỉnh hay một vài tỉnh làm một vài chục người tử vong, mất tích đủ khiến cho bất cứ ai trong số chúng ta cũng cảm thấy xót xa. Thế nhưng khi 1/3 trong số hơn 15 nghìn người tử vong tại Việt Nam mỗi năm do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia thì mọi người cho là bình thường. Đạo luật này là một điều để nhiều người ngộ ra rằng đó là bất thường, đó là cực kỳ nghiêm trọng chính vì thế phải thay đổi, người dân nên “tự điều chỉnh trước khi bị điều chỉnh bằng pháp luật”. Chúng ta đang xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN và không ai có thể đứng trên pháp luật.
Sau một hồi bị Hoa và Dung “dồn vào chân tường”, Cường chỉ còn nước… tự chiều chỉnh.

Thái Uyên