Tự hào 70 năm Truyền thống Văn nghệ Cách mạng Việt Nam

20/07/2018 08:51 Số lượt xem: 941
Ngay từ ngày đầu cách mạng, Đảng ta đã dùng văn hóa làm vũ khí chống ách nô dịch của thực dân Pháp, dùng văn hóa giác ngộ, tập hợp quần chúng làm cách mạng giải phóng dân tộc. Năm 1943, bản “Đề cương văn hóa Việt Nam” của Đảng ra đời.

Sự kiện này đánh dấu một giai đoạn lịch sử mới mẻ của văn hóa, văn nghệ Việt Nam. Bản đề cương thực sự là định hướng và động lực phát triển văn hóa, văn nghệ, là tiếng nói của một dân tộc vươn lên, có ý thức làm chủ đất nước, làm chủ cuộc sống của mình. Những trí thức yêu nước, những nhà hoạt động văn hoá văn nghệ đã đến với Đảng, với cách mạng cùng toàn thể nhân dân lao động cả nước tiến hành thành công cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 giành chính quyền về tay nhân dân.

Người trực tiếp soạn bản “Đề cương văn hóa Việt Nam” là Tổng Bí thư Trường Chinh, kể cả sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, Trường Chinh vừa là nhà thơ, nhà lý luận, lại vừa là nhà thiết kế một đường lối văn hóa, văn nghệ tương xứng và phục vụ cho cuộc cách mạng dân chủ nhân dân từ sau Cách mạng tháng 8; cho đường lối tiến lên chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc từ sau năm 1954 và trên phạm vi cả nước từ sau năm 1975 cho đến cuối năm 1986, năm tiến hành Đại hội khởi đầu đổi mới đất nước lần thứ VI của Đảng. Đường lối văn nghệ cách mạng Việt Nam nói chung có khởi đầu từ “Đề cương văn hóa Việt Nam” năm 1943.

Bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc, Văn nghệ Việt Nam đã có những hoạt động tích cực thông qua Hội Văn hóa cứu quốc với nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng tham gia như: Xuân Diệu, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Diệp Minh Châu, Lưu Hữu Phước, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Tô Hoài… Hội đã thành lập Ban vận động Đại hội Văn hóa cứu quốc với tinh thần đoàn kết rộng rãi đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ để phục vụ cho kháng chiến chống thực dân Pháp. Khi tiếng súng kháng chiến toàn quốc bắt đầu, ở địa phương đã hình thành những trung tâm văn nghệ, là những nòng cốt của hoạt động văn nghệ. Tạp chí Văn nghệ số 1 ra đời vào tháng 3/1948 ở Phú Thọ ghi rõ là cơ quan của Hội Văn nghệ Việt Nam do đồng chí Tố Hữu làm thư ký Tòa soạn.

Ngày 6/4/1948, Ban Chấp hành lâm thời của Hội Văn nghệ Việt Nam họp bàn tổ chức Đại hội; trực tiếp đồng chí Trường Chinh chỉ đạo việc chuẩn bị Đại hội. Từ ngày 25 đến ngày 27/7/1948, Hội Văn nghệ toàn quốc đã họp tại làng Dộc Phát, Yên Kỳ, Hạ Hòa, Phú Thọ; Hội nghị đã chính thức thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam). Trong Hội nghị cũng thành lập Đoàn Nhạc sỹ Việt Nam, Sân khấu Việt Nam cùng với đoàn Kiến trúc sư Việt Nam đã thành lập trước đó. Từ đó, ngày 25/7 là ngày Truyền thống Văn nghệ Cách mạng Việt Nam. Đại hội bầu Ban Chấp hành và Ban Thường vụ do nhà văn Nguyễn Tuân làm Tổng Thư ký (Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam ngày nay). Cơ quan Hội Văn nghệ đóng tại Gia Điền, Hạ Hòa, Phú Thọ (1947 - 1948). Năm 1949, chuyển sang xóm Chòi, Yên Giã, Thái Nguyên. Năm 1950, chuyển sang Thương Uyên, Tuyên Quang. Từ 1951 đến 1954, ở Xuân Huy, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, văn nghệ Cách mạng Việt Nam không ngừng trưởng thành, giới văn học nghệ thuật Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh; nhiều văn nghệ sỹ thực sự là những chiến sỹ của Đảng không sợ gian khổ, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc và xây dựng để bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc của dân tộc, đã có hàng nghìn văn nghệ sỹ ra trận tuyến để kịp thời tham gia vào binh chủng “mặt trận tư tưởng, tuyên truyền” của Đảng. Từ thực tiễn, những áng thơ, văn ra đời kịp thời cổ vũ, động viên, tuyên truyền cho dân tộc bừng lên một hào khí Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, viết nên những trang sử chấn động địa cầu. Bao công trình, tác phẩm văn học, mỹ thuật, sân khấu, nhiếp ảnh, âm nhạc, kiến trúc, múa, điện ảnh… ra đời phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị trong các giai đoạn cách mạng. Nhiều tác phẩm, công trình đạt tới trình độ cao về tư tưởng, nghệ thuật, góp phần làm phong phú, rạng rỡ cho nền văn nghệ Việt Nam.

Đến nay, Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam là mái nhà chung của 10 Hội VHNT T.Ư: Kiến trúc, Mỹ thuật, Nhà Văn, Nghệ sỹ Sân khấu, Nhạc sỹ, Nhiếp ảnh, Văn nghệ dân gian, Điện ảnh, Nghệ sỹ múa, Các dân tộc thiểu số Việt Nam cùng với Hội VHNT của 63 tỉnh thành phố (có tỉnh là Liên hiệp các Hội VHNT). 73 thành viên đều có cơ quan Báo chí, Tạp chí để phục vụ cho quảng bá các công trình, tác phẩm VHNT phục vụ nhiệm vụ chính trị của các ngành, địa phương cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đặc biệt là quảng bá nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc tới bạn bè năm châu; Giới thiệu những thành tựu phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới đến bạn bè quốc tế. Đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch chống phá lại Đảng, Nhà nước. Bằng các hoạt động văn học nghệ thuật, giới văn nghệ sỹ của cả nước đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật hướng con người tới giá trị Chân - Thiện - Mỹ.

Hòa chung với truyền thống Văn nghệ Cách mạng Việt Nam, Văn học nghệ thuật Bắc Ninh (kể cả thời kỳ chung tỉnh Hà Bắc từ năm 1980 đến năm 1997) luôn hưởng ứng tích cực, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của nền văn nghệ cả nước. Đặc biệt, từ khi tái lập tỉnh năm 1997 đến nay, nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự nỗ lực của các ngành, các cấp và đội ngũ văn nghệ sỹ trong tỉnh, mặc dù còn khó khăn nhưng VHNT Bắc Ninh đã bước đầu có sự phát triển toàn diện cả bề rộng lẫn bề sâu, phục vụ có hiệu quả các sự kiện chính trị của tỉnh và hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.

Đội ngũ văn nghệ sỹ của tỉnh không ngừng phát triển và trưởng thành trên các mặt công tác. Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh đã chú trọng thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, tập hợp hội viên đoàn kết; chú trọng đào tạo về nghề nghiệp, chuyên môn. Tổ chức các Trại sáng tác chuyên sâu và đi thực tế, tạo các điều kiện thuận lợi để các hội viên sáng tác và xuất bản sách văn học và văn nghệ dân gian, tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, sân khấu, âm nhạc. Nhờ đó, tổ chức Hội phát triển cả về số lượng và chất lượng, ngày càng khẳng định vị thế của mình trong đời sống chính trị, xã hội. Chất lượng hoạt động của Hội tiếp tục được nâng lên, nội dung, phương pháp càng phong phú, đa dạng. Hội thực sự là nơi thu hút, tập hợp giới văn nghệ sỹ, tạo bầu không phí dân chủ, lành mạnh cho các văn nghệ sỹ phát huy khả năng sáng tạo các tác phẩm VHNT, nhiều hội viên trưởng thành và đạt thành tích cao trong tỉnh và cả nước.

Nhìn lại thành tựu 70 năm Truyền thống Văn nghệ Cách mạng Việt Nam, trong đó có Bắc Ninh nói riêng, thật đáng tự hào về những đóng góp của đội ngũ văn nghệ sỹ cho sự nghiệp phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy truyền thống 70 năm qua, đội ngũ văn nghệ sỹ Bắc Ninh tiếp tục đoàn kết ra sức lao động, sáng tạo những công trình tác phẩm có giá trị tư tưởng nghệ thuật cao để phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân.

Nguyễn Công Hảo