Truyền thông bám sát thực tiễn, đồng hành ứng phó đại dịch

18/04/2021 14:38 Số lượt xem: 1576
Đại dịch COVID-19 ghi nhận ca bệnh đầu tiên ngày 29-12-2019 tại Vũ Hán (Trung Quốc), ngày 31-3-2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố đây là đại dịch mang tính toàn cầu. Từ khi ghi nhận ca mắc đầu tiên vào ngày 22-1-2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam đã trải qua 4 giai đoạn, ở giai đoạn nào cũng đều có những dấu ấn của truyền thông. Luôn đồng hành và đi trước một bước dẫn đường trong cuộc chiến chống đại dịch, bám sát định hướng, phân tích tình hình thực tiễn, hoạt động truyền thông có sự thay đổi để thích nghi, ứng phó với đặc điểm, tính chất cũng như sách lược ở từng giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên được Bộ Y tế phân định từ 22-1-2020 đến 5-3-2020. Thời gian đó, cả nước ghi nhận 16 ca mắc, trong đó 8 ca nhập cảnh, 8 ca trong cộng đồng, các ca mắc chủ yếu là người trở về từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Giai đoạn này ghi nhận 1 ổ dịch phức tạp tại cộng đồng là ổ dịch tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc với 6 ca mắc. Chính phủ và các địa phương, trong đó có Bắc Ninh đã chỉ đạo áp dụng các biện pháp ở mức cao hơn, sớm hơn so với khuyến cáo của WHO. Bám sát những hướng dẫn về chuyên môn, công tác truyền thông giai đoạn này tập trung vào những thông điệp quan trọng về các biện pháp phòng dịch căn bản với thời lượng tuyên truyền dày đặc, góp phần quan trọng vào việc phổ biến kiến thức và nâng cao ý thức, trách nhiệm, hành vi của cộng đồng trong việc ứng phó với một loại dịch bệnh hoàn toàn mới.
Giai đoạn dịch thứ 2 được tính từ ngày 6-3-2020 đến ngày 22-7-2020 với ca bệnh đầu tiên là bệnh nhân 17 trở về Việt Nam từ Anh. Trên cùng chuyến bay VN0054 từ London (Anh) nhập cảnh đã ghi nhận tổng cộng 13 trường hợp mắc. Tại Bắc Ninh, giai đoạn này ghi nhận 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là bệnh nhân số 74, người Phú Thọ, du học sinh trở về từ Pháp. Trong giai đoạn này, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã dự báo chính xác và lường trước nguy cơ dịch xâm nhập từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ có giao thương, giao lưu lớn với nước ta… Chính phủ cũng xác định yêu cầu về việc tiếp tục duy trì các hoạt động kinh tế, thương mại, hội nhập, không thể áp dụng các biện pháp cực đoan như dừng nhập cảnh hay dừng hoạt động bay quốc tế… Do đó, công tác truyền thông đặc biệt mạnh mẽ tập trung vào các biện pháp ngăn chặn dịch của nước ta. Việt Nam là quốc gia đầu tiên áp dụng biện pháp bắt buộc khai báo y tế đối với người nhập cảnh, đồng thời tiếp tục tổ chức cách ly tập trung đối với tất cả công dân nhập cảnh. Thành công lớn trong giai đoạn này là tổ chức truy vết các trường hợp có nguy cơ. Truyền thông đã đóng góp phần quan trọng cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia của toàn dân, phát huy vai trò tương thân tương ái, chia sẻ, ủng hộ và tự giác, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong nhân dân. Trong giai đoạn này, cả nước đã đạt được kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao với 99 ngày liên tục không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng, không để xảy ra trường hợp tử vong.
Đây cũng là giai đoạn Việt Nam tích cực thúc đẩy tạo lập trạng thái bình thường mới, thực hiện “mục tiêu kép”, duy trì sự liên tục của các hoạt động kinh tế, hỗ trợ thiết thực cho người lao động mất việc, giảm sâu thu nhập và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Ngay cả khi thực hiện giãn cách xã hội vẫn có biện pháp bảo đảm tiếp tục các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu. Nội dung phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng thấm đẫm hơi thở cuộc sống với nhiều nội dung liên quan.

 

Phóng viên các cơ quan truyền thông tác nghiệp tại hiện trường trong đợt dịch tại xã Lâm Thao (Lương Tài).


Với 388 ca mắc, trong đó 35 ca tử vong, chủ yếu tại thành phố Đà Nẵng và 14 tỉnh, thành phố khác, giai đoạn 3 được tính từ ngày 23-7-2020. Tiếp tục các biện pháp đã đề ra từ giai đoạn 2, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn. Đặc biệt, trong giai đoạn này đã chủ động, thần tốc truy vết và xét nghiệm trên phạm vi toàn quốc, trước hết là các trường hợp đã qua lại Đà Nẵng, trong đó quan tâm các trường hợp là người cao tuổi, người có bệnh nền, người có biểu hiện ho, sốt, khó thở… Với kinh nghiệm chống dịch đã có từ giai đoạn trước như SARS, đại dịch Cúm A H1N1…, chúng ta đã chuyển mạnh từ phương châm phòng, chống dịch, thậm chí có thể hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để phòng, chống dịch sang chú trọng chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế. Khi số ca nhiễm trong cộng đồng tăng nhanh ở Đà Nẵng và nhiều địa phương, việc phòng, chống dịch vẫn bảo đảm thế chủ động, bình tĩnh ứng phó, kịp thời, phù hợp ở các địa phương có dịch. Các địa phương không phát hiện ca bệnh tiếp tục đề cao cảnh giác, sẵn sàng phòng, chống dịch, đồng thời tập trung phát triển kinh tế, đã góp phần duy trì sự liên tục của các hoạt động kinh tế. Hoạt động truyền thông trong giai đoạn này có thể nói là rất đa dạng, sau những ngày cao điểm tập trung chống dịch đã dịch chuyển sang truyền thông đẩy mạnh thực hiện “mục tiêu kép” và các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hoá, đời sống, xã hội… phong phú.
Cũng trong giai đoạn này, chúng ta đã thực hiện chủ trương đón công dân Việt Nam bị kẹt, có hoàn cảnh đặc biệt ở nước ngoài về nước an toàn; đã chấp thuận cho 106 nghìn người là nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia, lao động tay nghề cao nhập cảnh làm việc tại Việt Nam. Tổng hợp ở các giai đoạn, Bắc Ninh với nhiều KCN tập trung, cũng đã tiếp nhận hơn 12 nghìn chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài nhập cảnh và cách ly tại các khách sạn.
Giai đoạn 4 từ ngày 25-1-2021 đến nay với hơn 900 người mắc ở 13 tỉnh, thành phố, khởi phát từ ổ dịch tại thành phố Chí Linh (Hải Dương). Tại Bắc Ninh, đây là giai đoạn duy nhất ghi nhận ca mắc trong cộng đồng với 5 trường hợp tại xã Lâm Thao, huyện Lương Tài. Hơn bất kỳ giai đoạn nào, hình ảnh người chiến sỹ áo trắng vững vàng trên tuyến đầu chống dịch, không ngại khó, ngại khổ, ngày đêm dấn thân vào cuộc chiến nhiều thử thách đã thêm một lần nữa tô đậm truyền thống tốt đẹp của người thầy thuốc.  
Điểm lại những dấu mốc của các giai đoạn chống dịch qua hơn 450 ngày qua để bạn đọc có hình dung rõ nét hơn về chặng đường khá dài chúng ta chung sức cùng nhau chống dịch. Để đạt được hiệu quả cao nhất, nhanh nhất trong công tác phòng, chống dịch và hạn chế tối đa sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội, việc điều chỉnh các biện pháp chống dịch ở mỗi chặng có ý nghĩa quyết định đến thành công chung. Tuy có sự khác biệt ở mỗi giai đoạn, song bài học kinh nghiệm xuyên suốt thực tiễn trong công tác phòng, chống dịch kể từ đầu năm 2020 là sự chỉ đạo thần tốc, quyết liệt và đúng thời điểm từ rất sớm; chủ động và kiên định với biện pháp chống dịch đã đề ra từ đầu và xuyên suốt các giai đoạn: “Chủ động ngăn chặn - phát hiện sớm - cách ly kịp thời - khoanh vùng gọn - dập dịch triệt để - điều trị hiệu quả”; kiên trì phương châm “4 tại chỗ”... Có thể thấy, với sự minh bạch trong việc cung cấp thông tin, truyền thông sâu rộng đã tạo được sự tham gia, hưởng ứng tích cực, đồng thuận của người dân trong công tác phòng, chống dịch, hạn chế sự lây lan trong cộng đồng.
Sự hoà trộn giữa truyền thông truyền thống với truyền thông hiện đại, đồng thời sử dụng triệt để mọi hình thức truyền thông đã xây dựng thành công trận tuyến truyền thông chống dịch thực sự ấn tượng và hiệu quả, mà chiến thắng đại dịch COVID-19 là mục tiêu cuối cùng và chúng ta đã làm được điều đó.

Việt Hoa