Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp, hợp phần quan trọng của thành phố thông minh

12/06/2018 16:46 Số lượt xem: 1241
Phát triển đô thị thông minh là một xu hướng tất yếu của các thành phố, đô thị lớn trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, sự bùng nổ mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0.

Xây dựng Bắc Ninh là một thành phố an toàn.

 

Không nằm ngoài xu hướng đó, vừa qua UBND tỉnh phối hợp với Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cùng các đơn vị tư vấn về mô hình Trung tâm điều hành thành phố thông minh tỉnh Bắc Ninh và các Hợp phần của thành phố thông minh. Các sản phẩm Demo được lãnh đạo tỉnh đánh giá cao và mong muốn thời gian tới tỉnh Bắc Ninh nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, đơn vị tư vấn để Bắc Ninh từng bước tiệm cận thành phố thông minh trong thời gian nhanh nhất. Trước mắt, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo một số Sở, ngành cần ưu tiên cho các giải pháp trong lĩnh vực như: Y tế, giáo dục, quản lý môi trường, điện chiếu sáng.

Mô hình Trung tâm điều hành thành phố thông minh tỉnh Bắc Ninh có tính khả thi cao, trong đó hợp phần Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp (EOC) đã thể hiện được tính cấp thiết, các vấn đề về hiện trạng, giải pháp, mục tiêu và hiệu quả đầu tư được dựa trên cơ sở pháp lý. Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp là cơ quan quản lý và điều hành chịu trách nhiệm thực hiện dựa trên nguyên tắc ngăn ngừa, phòng chống và ứng cứu khẩn cấp trong tất cả các trường hợp như: Thảm họa, thiên tai, trật tự xã hội, phòng cháy chữa cháy, cấp cứu, cứu hộ cứu nạn…Có chức năng thu nhận, phân tích dữ liệu giúp các cấp lãnh đạo, chỉ huy đưa ra các quyết sách kịp thời nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. Duy trì kết nối liên tục, phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan trong và ngoài tỉnh. Đưa ra những cảnh báo, truyền thông rộng rãi đến người dân, giúp nâng cao ý thức và hạn chế tối đa các thiệt hại về người và tài sản.

Hiện trạng tại Bắc Ninh chưa có sự liên thông kết nối trên hệ thống ứng dụng CNTT tích hợp IOT (Internet of Things) là một trong những yếu tố quan trọng của mọi dự báo về công nghệ tương lai. Chưa có cơ sở hạ tầng CNTT đồng bộ để điều hành cùng một lúc các lực lượng 113 - 114 – 115. Do đó, công tác quản lý, điều hành ứng cứu khẩn cấp gặp khó khăn do cơ sở hạ tầng hiện tại chưa được nâng cấp. Bởi vậy, người dân vẫn phải nhớ từng đầu số riêng biệt khi cần yêu cầu trợ giúp. Đặc biệt là gây khó khăn cho các đối tượng như: trẻ em, du khách nước ngoài sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Trong các yếu tố của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp phải đặt mục tiêu giúp các cấp lãnh đạo, quản lý điều hành các hoạt động ngăn ngừa, phòng chống, ứng cứu khẩn cấp và khắc phục hậu quả trên địa bàn tỉnh một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Đưa ra cảnh báo, tuyên truyền tới người dân nâng cao ý thức và hạn chế tối đa các thiệt hại về tính mạng, tài sản. Kết nối tới Trung tâm điều hành EOC với các cơ quan liên quan trong và ngoài tỉnh, kết nối quốc tế. Mục tiêu là xây dựng cuộc sống cho người dân có chất lượng tốt, văn minh, hiện đại và an toàn.

Để mô hình trở thành hiện thực, việc đầu tư có hiệu quả đối với nhà quản lý là giúp họ đánh giá và thực hiện kế hoạch mua sắm cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ, dịch vụ và tổ chức bộ máy nhân sự tinh gọn hiệu quả. Thu thập đánh giá, phổ biến thông tin, điều phối mọi hoạt động để hỗ trợ các kế hoạch hành động ứng cứu khẩn cấp. Kịp thời đưa ra các chương trình đào tạo và văn bản hướng dẫn tới người dân và các cơ quan, tổ chức…Trong đó, việc hiệu quả đầu tư trong công tác ứng cứu khẩn cấp phục vụ cộng đồng rất quan trọng. Đó là chỉ cần một đầu số liên lạc người dân có thể thông tin nhanh chóng, kịp thời tới Trung tâm Ứng cứu khẩn (EOC) khi có các sự cố xảy ra. Thành phố thông minh, trong đó có hợp phần ứng cứu khẩn cấp tạo môi trường sống an toàn cho người dân, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân và cộng động Doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh./.

Bài, ảnh: Ngô Thành