Trình Quốc hội đưa nội dung phòng, chống dịch bệnh COVID -19 vào Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất

24/07/2021 14:05 Số lượt xem: 1532
Sáng 24-7, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nghe các cơ quan có liên quan trình bày dự thảo Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về các giải pháp phòng, chống COVID-19.

Các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh làm việc tại Hội trường.         Ảnh: TTXVN

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp sáng nay, 474/474 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành với chủ trương điều chỉnh chương trình Kỳ họp bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV nội dung liên quan đến công tác phòng, chống COVID-19.

Thống nhất sẽ báo cáo Quốc hội quyết nghị các giải pháp tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ nhất nhằm cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thực hiện các nhiệm vụ cấp bách liên quan đến công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.

Sau khi nghe và cho ý kiến đối với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội liên quan đến các giải pháp này, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với phạm vi điều chỉnh trong khuôn khổ công tác phòng, chống dịch COVID-19, xác định thời hạn áp dụng cụ thể tới hết năm 2022. Đối với các nội dung phòng, chống dịch mà luật đã quy định thì Quốc hội cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ toàn quyền quyết định. Nếu nội dung khác quy định của luật thì Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các đề nghị của Chính phủ, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất.

Đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh chủ trì thảo luận tại Tổ 11.    Ảnh: TTXVN

Báo cáo tại cuộc họp, Chính phủ đề xuất Quốc hội 6 nội dung, trong đó có việc cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển nguồn kinh phí trong dự toán đã được duyệt, thay đổi, điều chuyển nguồn kinh phí trong ngân sách nhưng chưa có trong dự toán cho công tác phòng, chống dịch bệnh; tạm ứng ngân sách trong trường hợp vượt dự toán đã phê duyệt. Địa phương được trung ương hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.

Về cơ sở ban hành Nghị quyết, dự thảo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày, nêu rõ: Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang tiếp tục gia tăng. Trên thế giới, từ đầu dịch đến nay ghi nhận hơn 191,7 triệu ca, trong đó hơn 4,1 triệu ca tử vong và hơn 174,6 triệu trường hợp hồi phục. Biến thể Delta đang khiến số ca nhiễm mới hằng ngày trên thế giới tăng mạnh, đặc biệt là tại các quốc gia thuộc châu Á, châu Âu.

Đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) phát biểu thảo luận tại tổ.         Ảnh: TTXVN

 

Tại Việt Nam, dịch bệnh đã lan ra 59/63 tỉnh, thành phố với tổng số tích lũy ca mắc COVID-19 cả nước từ đầu dịch đến 11 giờ ngày 23/7 là 75.417 ca, trong đó có 74.570 ca ghi nhận trong nước và 335 ca tử vong. Đặc biệt, dịch đang gia tăng tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam.

Đợt bùng phát dịch lần thứ tư này có quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay với diễn biến rất phức tạp, khó lường, nguồn cung ứng vaccine còn hạn chế, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, lao động.

Quan điểm chỉ đạo việc xây dựng dự thảo Nghị quyết, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý, huy động các nguồn lực và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương để phòng, chống và ngăn chặn kịp thời dịch bệnh COVID-19 nhằm vừa bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân vừa phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

Đồng thời, phù hợp các quy định của Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Bảo đảm tính khả thi của dự thảo Nghị quyết trong điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam.

Đào Khoa (theo Nhân Dân)