Triển khai các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế

16/08/2019 15:57 Số lượt xem: 2812
Ngày 16-8, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế tới 63 điểm cầu trong cả nước. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ trưởng Bộ Y tế và Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc  tại Việt Nam (UNDP) đồng chủ trì. Tại điểm cầu Bắc Ninh, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo.

Tại điểm cầu Bắc Ninh: Các đại biểu chứng kiến lãnh đạo Sở Y tế và các đơn vị khám, chữa bệnh trực thuộc ký cam kết thực hiện các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa trong các hoạt động khám chữa bệnh

 

Trong lĩnh vực Y tế, chất thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm: Chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế; chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất… Những vật liệu nhựa dùng trong các hoạt động này có thể thay thế bằng các chất liệu an toàn, thân thiện hơn đối với môi trường nếu có sự quyết tâm, chung tay của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Y tế cũng như người dân.

Tại Hội nghị, Bộ Y tế công bố Chị số 08/CT-BYT ngày 29-7-2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành Y tế. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế, các cơ quan, tổ chức, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Y tế hạn chế sử dụng  túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo... Các đơn vị y tế cần phân loại triệt để chất thải nhựa, nylon khó phân hủy để thu gom, tái chế; phấn đấu tiến đến chấm dứt việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần có thể thay thế và nilon khó phân hủy... Ngành cũng cần tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống, các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường, hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, trong hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định và các hoạt động chuyên môn y tế nhằm giảm phát sinh chất thải nhựa.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Y tế ký cam kết thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa với Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế. Tại các điểm cầu ở 63 tỉnh, thành, Giám đốc Sở Y tế ký cam kết nội dung này với Giám đốc các đơn vị khám, chữa bệnh trực thuộc ngành trước sự chứng kiến của các đại biểu.

Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Bắc Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong đề nghị ngành Y tế cần triển khai đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả nội dung của Chỉ thị 08 của Bộ Y tế, trong đó đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ của đơn vị; thủ trưởng các đơn vị tổ chức ký cam kết với các khoa, phòng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ y tế, người bệnh, người dân về những tác động của chất thải nhựa đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người; tuyên truyền thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng vật liệu nhựa trong sinh hoạt, cung cấp và sử dụng các dịch y tế hằng ngày; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Y tế chủ trì phối hợp các sở, ngành tham mưu các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động y tế; chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh giảm thiểu sử dụng chất thải nhựa trong khám chữa bệnh, tổ chức ký kết giữa giám đốc các cơ sở khám chữa bệnh với các khoa, phòng; tổ chức tập huấn, truyền thông cho nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân để thay đổi thói quen, giảm thiểu chất thải nhựa…

Việt Hoa