Treo tranh nhân quả tại trường học liệu có phù hợp ?

21/02/2019 10:54 Số lượt xem: 2821
Nhiều thế hệ học sinh Việt Nam đã rất thân thuộc với cách bài trí trong mỗi lớp học là nơi trang trọng nhất treo ảnh Bác Hồ, Năm điều Bác Hồ dạy và Trích thư Bác Hồ gửi học sinh nhân ngày khai trường... Tuy nhiên gần đây một số trường trên địa bàn tỉnh từ Tiểu học cho tới Trung học phổ thông đã cho treo thêm tranh nhân quả.

Việt Nam là đất nước tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng, tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là: Liệu những hình ảnh về câu chuyện nhân – quả, “Gieo gió, gặt bão” đang treo ấy đã phù hợp với môi trường và sự hiểu biết của các em hay chưa?

Tranh nhân quả được treo ở trường học.

 

Luật nhân quả là khái niệm phổ biến nhất trong Phật giáo. Chính Đức Phật đã giải thích và xây dựng luật nhân quả dưới hình thức hoàn chỉnh trong quá trình hoằng pháp của Người. Theo Đức Phật tất cả hành động, lời nói, ý nghĩ có tác ý đều được gọi là nghiệp. Hầu hết nghiệp được tạo tác trên cơ sở của thân, khẩu và ý. Tất nhiên, cả ba nghiệp trên đều xuất phát từ ý niệm hay còn gọi là tâm.

Nghiệp là Nhân, báo là Quả. Nghiệp và Quả Báo tạo thành Luật Nhân – Quả. Ngắn gọn là “Nghiệp Quả” hay “Nghiệp Báo”. Nếu chúng ta tạo nhân ( nghiệp ) tốt thì sẽ trổ quả tốt, còn ngược lại nếu ta gieo nhân xấu thì sớm hay muộn chúng ta sẽ nhận quả xấu.

Tìm hiểu tranh nhân quả treo ở các trường có những nội dung nhân quả báo ứng với lời chú thích tranh như: Dùng tay làm điều ác – Đoạ thành loài không tay; Không trung thành – Đoạ làm chó để học lại sự trung thành; Miệng không nói nhưng trong lòng hay chê người – Bị tai biến, mất trí; Bắt công nhân đứng làm suốt ngày – Bị liệt chân… Theo như nhận xét của nhiều em học sinh thì những hình vẽ răn đe đó có phần hơi đáng sợ, các em học sinh Tiểu học thì chỉ tò mò xem tranh và hình vẽ chứ bản chất, cốt lõi sâu xa thì thật sự các em chưa hiểu được vấn đề. Khi gặp gỡ thầy Phó tổng phụ trách trường của một trường đang cho treo tranh nhân quả để xin phép lấy ý kiến của một số em học sinh thì thầy nói rằng: Tự do tôn giáo treo ở đây thôi, cái này không bắt ép, chứ học sinh bé không biết gì mà nhận xét, không hiểu để nhận xét cả.

Trao đổi với Nhà nghiên cứu Văn hoá dân gian Nguyễn Quang Khải ông cho biết: Có thể ai đó muốn hoằng dương Phật pháp! ( cười ). Nhân – Quả là khái niệm rất trừu tượng, với độ tuổi ở bậc Tiểu học, Trung học cơ sở, THPT khó mà hiểu nổi. Những hình ảnh trên tranh đôi khi lại có tác dụng ngược lại, như là sự hù doạ và rất dễ gây ám ảnh tâm lý trẻ thơ.

Treo tranh nhân quả trong các trường học hiện nay nên hay không, liệu có lợi bất cập hại? Câu hỏi này xin gửi tới các Nhà nghiên cứu giáo dục, các Nhà Quản lý giáo dục.

 

Tiểu Thảo