Tốp 30 “Người đẹp Kinh Bắc” trải nghiệm nhiều hoạt động ý nghĩa

19/02/2019 08:35 Số lượt xem: 2445
Trong khuôn khổ vòng Chung khảo Cuộc thi “Người đẹp Kinh Bắc-Năm 2019” diễn ra từ ngày 12 đến ngày 19-2, tốp 30 thí sinh lọt vào vòng Chung khảo Cuộc thi tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động ý nghĩa tại các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, cơ sở thiện nguyện như: Làng Diềm, xã Hoà Long (thành phố Bắc Ninh), làng Tranh Dân gian Đông Hồ tại xã Song Hồ, Khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương tại xã Đại Đồng Thành, chùa Bút Tháp tại xã Đình Tổ, Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật huyện Thuận Thành.

“Người đẹp Kinh Bắc” trải nghiệm tại thôn Viêm Xá, xã Hòa Long (thành phố Bắc Ninh) - Đất Thủy tổ Quan họ.

Điểm đến đầu tiên của các “Người đẹp Kinh Bắc” là làng Diềm (quê hương Thuỷ tổ Quan họ). Tại đây, các thí sinh được các nghệ nhân, liền anh, liền chị của Câu Lạc bộ Quan họ làng Diềm giới thiệu những nét cơ bản về Dân ca Quan họ Bắc Ninh; Nhà chứa Quan họ-không gian sinh hoạt văn hoá Quan họ truyền thống; hướng dẫn mặc trang phục Quan họ truyền thống; truyền dạy kinh nghiệm hát những bài Quan họ cổ; phong tục đón bạn và cách chơi của người Quan họ…
Nghệ nhân Nguyễn Thị Sang cho biết: “Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã có từ rất lâu đời và là niềm tự hào của người dân vùng Bắc Ninh-Kinh Bắc. Các làn điệu Quan họ được truyền khẩu từ thế hệ này sang thế hệ khác đã không ngừng biến thiên, thu nhận những tinh túy của nhiều thế hệ, để cuối cùng trở thành tác phẩm hoàn chỉnh của sự sáng tạo tập thể. Các “Người đẹp Kinh Bắc” trải nghiệm tại đây sẽ giúp tìm hiểu, nắm rõ, đồng thời gìn giữ phát huy hiệu quả, phù hợp Dân ca Quan họ-Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại trong thời đại mới”.
 Thí sinh Bùi Ngọc Hạ, 22 tuổi, đến từ phường Đại Phúc (thành phố Bắc Ninh” tâm sự: “Em biết đến Dân ca Quan họ qua ông bà, cha mẹ từ ngày còn rất bé. Thời gian trôi đi, những câu hát mượt mà, đằm thắm “vang, rền, nền, nảy” cứ ngấm dần, ngấm dần để rồi yêu Dân ca Quan họ lúc nào không hay. Đến khi lớn lên đi học và làm việc tại Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, em càng có nhiều cơ hội được tiếp xúc, nâng cao sự hiểu biết sâu sắc cũng như tạo sự lan toả Dân ca Quan họ đến với mọi người. Em đã giành được 2 Huy chương Vàng trong các tiết mục về Dân ca Quan họ Bắc Ninh do Trung ương tổ chức tại Hà Nội và Đà Nẵng trong thời gian vừa qua… Em và các “Người đẹp Kinh Bắc” được trải nghiệm tại làng Diềm đúng là một cơ hội quý giá để gắn bó, vun đắp thêm tình yêu Dân ca Quan họ”.
Tại làng Tranh Dân gian Đông Hồ, các “Người đẹp Kinh Bắc” được Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế giới thiệu về những nét đặc trưng của dòng tranh thể hiện sinh động, cuộc sống lao động của người nông dân bình dị, chất phác, phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân Việt. Đặc biệt, giấy in là loại giấy dó truyền thống, có quét điệp và màu sử dụng in tranh được chế từ nguồn gốc tự nhiên, như màu vàng của hoa hòe, màu đỏ của hoa hiên, màu trắng từ bột vỏ sò, điệp và màu đen của than lá tre... tạo ra mỹ cảm dung dị, độc đáo, mang đậm chất nghệ thuật dân gian đã đi vào sử sách, thơ ca, tâm hồn người Việt Nam như: Đám cưới chuột, đàn lợn, đàn gà; những cô thiếu nữ hứng dừa… “Trước đây em chỉ biết Tranh Dân gian Đông Hồ qua sách vở, nay được trải nghiệm thực tế mới hiểu ra giá trị và ý nghĩa sâu xa, giá trị văn hoá, lịch sử của những bức tranh, khắc hoạ ước mơ ngàn đời của người lao động về cuộc sống gia đình thuận hoà, ấm no, hạnh phúc, về một xã hội công bằng, tốt đẹp, đồng thời góp phần không nhỏ vào việc lưu giữ những vốn văn hoá truyền thống của dân tộc, làm cho đời sống tinh thần của người Việt Nam thêm phong phú”-“Người đẹp Kinh Bắc” Thái Thị Phương, 21 tuổi, đến từ  tỉnh Nghệ An, đang làm việc tại Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam, Khu công nghiệp Yên Phong chia sẻ.
Tại Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật huyện Thuận Thành, các thí sinh đã ân cần thăm hỏi, động viên, trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa cho các em nhỏ đang chăm sóc, điều trị tại Trung tâm. Thí sinh Nguyễn Thị Thu Phương, 19 tuổi, đến từ thị trấn Chờ (Yên Phong) xúc động: “Qua chương trình thiện nguyện tại Trung tâm giúp em cũng như các bạn thí sinh thấu hiểu hơn về cuộc sống, về tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc, giúp đỡ những số phận kém may mắn, yếu thế trong cộng đồng”.
Qua trải nghiệm các hoạt động ý nghĩa, giúp các “Người đẹp Kinh Bắc” hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử vùng đất Bắc Ninh-Kinh Bắc, giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh-Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại để gìn giữ, phát huy trong cuộc sống hiện đại; vun đắp tình yêu thương, chia sẻ đối với những số phận kém may mắn, vì một xã hội tốt đẹp hơn. Cuộc thi “Người đẹp Kinh Bắc-Năm 2019” cũng nhằm tìm ra gương mặt “Đại sứ du lịch” của tỉnh nhằm quảng bá văn hóa lịch sử của quê hương Bắc Ninh đến cộng đồng trong và ngoài nước.

Nguyễn Quân-Xuân Me