Tổng hợp ý kiến cử tri phản ánh sau kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khoá XIV

10/07/2018 08:46 Số lượt xem: 930
Kết thúc kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khoá XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, tổ chức tiếp xúc cử tri ở các huyện, thị xã, thành phố để báo cáo kết quả kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khoá XIV, thông báo ý kiến trả lời của các cơ quan chức năng tới cử tri tại các hội nghị tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp; đồng thời tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri các địa phương.

Qua tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH phối hợp với Uỷ ban MTTQ tỉnh tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các đại biểu cử tri Bắc Ninh phản ánh tới Quốc hội như sau:
I. Ý kiến chung
Tại các điểm tiếp xúc, không khí hội nghị thẳng thắn, trách nhiệm, dân chủ, cử tri bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước kết quả của kỳ họp thứ Năm, thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn theo cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn”, được cử tri và dư luận xã hội đánh giá cao. Cử tri cũng bày tỏ niềm tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành tập trung quyết liệt và có trách nhiệm cao của Quốc hội, Chính phủ, sự đồng thuận của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân. Tuy nhiên cử tri tiếp tục băn khoăn, lo lắng về thị trường tiêu thụ nông sản, về quản lý, sử dụng đất đai, về thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực y tế, giáo dục...
II. Ý kiến cụ thể
1. Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Hiện nay cử tri rất băn khoăn, lo lắng về vấn đề cải cách giáo dục, đề nghị Bộ cần nghiên cứu kỹ trước khi cải cách, đổi mới giáo dục, có lộ trình rõ ràng, như Chương trình sách giáo khoa, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể...
 - Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu việc xếp hạng các trường đại học, cao đẳng, kể cả các trường đào tạo liên kết với nước ngoài. Đồng thời căn cứ vào nhu cầu lao động thực tế để phân bổ chỉ tiêu đào tạo phù hợp với nhu cầu lao động của xã hội. Hiện nay chỉ tiêu đào tạo hệ đại học quá nhiều, không phản ánh rõ nét trình độ thực lực của học sinh. Tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng thất nghiệp quá nhiều gây lãng phí nguồn nhân lực, trong khi cơ sở vật chất của các trường cao đẳng, dạy nghề được quan tâm đầu tư, song chưa thu hút được học sinh vào học, dẫn đến lực lượng lao động kỹ thuật còn khan hiếm.
2. Đối với Bộ Y tế
- Đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành mức giá, cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế đối với phòng khám bác sỹ gia đình, khám bệnh tại nhà cho một số trường hợp đặc biệt và đối tượng đặc biệt; khám và tư vấn sức khỏe; thăm khám bà mẹ và trẻ sau sinh; khám chữa bệnh lưu động của trạm y tế, trung tâm y tế tại thôn theo định kỳ.
- Cử tri phản ánh, tại điểm a khoản 4 điều 7 Thông tư số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24-11-2014 của liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định: Tổng kinh phí khám bệnh, chữa bệnh tại Trạm y tế xã tối thiểu bằng 10% và tối đa không vượt quá 20% của quỹ khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tính trên số thẻ BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại Trạm y tế xã là quá thấp, không bảo đảm cung cấp đủ thuốc khám chữa bệnh cho nhân dân tại trạm. Đề nghị Bộ Y tế sớm xem xét, sửa đổi quy định trên.
3. Đối với Quốc hội, Chính phủ
- Đề nghị Quốc hội tăng cường hơn nữa các hoạt động giám sát các cơ quan Chính phủ thực hiện những kết luận, kiến nghị sau giám sát.
- Đối với những luật quy định về hành vi dân sự, đề nghị Quốc hội nên nghiên cứu, xem xét việc trưng cầu rộng rãi ý kiến của nhân dân để tổng hợp, tiếp thu chỉnh sửa cho phù hợp; thực tế trong thời gian qua có một số luật khi ban hành còn nhiều bất cập, rất khó thực thi, chưa thực sự đi vào cuộc sống.