Tôn tạo đền thờ danh nhân Nguyễn Cao

10/05/2019 09:41 Số lượt xem: 8434
Nguyễn Cao (1837-1887), người con của làng Cách Bi, xã Cách Bi (Quế Võ) là một tấm gương yêu nước sáng ngời. Có học giả nhận định: Nguyễn Cao, dù chỉ sống một đời vỏn vẹn 50 năm nhưng tên tuổi của ông bất tử trong sự nghiệp chống giặc giữ nước vẻ vang của dân tộc, trường tồn trong văn thơ yêu nước, sống mãi trong tâm thức dân gian về một khí phách dũng sĩ, một tâm hồn thi nhân, một nhân cách cao thượng, vì nước thương dân… Đền thờ ông tại thôn Cách Bi được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, có nhiều hạng mục xuống cấp, thời gian tới sẽ được các cấp, ngành quan tâm trùng tu, tôn tạo.

Đền thờ Nguyễn Cao tại thôn Cách Bi.

 


Cách Bi tên nôm xưa quen gọi làng Gạch vì có nghề làm gạch. Tuy nhiên, làng gạch không chỉ góp cho thiên hạ những viên gạch nổi tiếng chất lượng mà còn liên tục đóng góp cho quê hương, đất nước đội ngũ cán bộ làm việc mẫn cán có trình độ Cử nhân, Tú tài với đức độ, phong cách truyền thống của một làng quê hiếu học. Có câu “Tiến sỹ Bồng Lai, Tú tài làng Gạch” vẫn được dân gian truyền tụng từ bao nhiêu năm trước… Nguyễn Thế là một dòng họ lớn ở làng Gạch, nổi tiếng với danh nhân yêu nước Nguyễn Cao.
Nguyễn Cao tên thật là Nguyễn Thế Cao, sinh ra trong một gia đình, dòng họ có truyền thống khoa bảng, ở một vùng đất văn hiến nên ngay từ nhỏ, ông được tôi luyện, ý chí tự lập và khí tiết của bậc quân tử nhà Nho. Nguyễn Cao mồ côi cha lúc 3 tuổi, lên 4 tuổi mồ côi mẹ nên việc nuôi dạy dựa cả vào bà ngoại và các chú của ông. Trên con đường dùi mài kinh sử, Nguyễn Cao được hai người thầy lớn thời đó là Phó bảng Nguyễn Phẩm (Thái Bảo, Gia Bình) và Hoàng giáp Phạm Văn Nghị (Ý Yên, Nam Định) dạy dỗ chỉ bảo tận tình, không chỉ truyền kiến thức Nho học mà còn bồi dưỡng cho ông tinh thần yêu nước thương dân, kiên trung bất khuất. Vừa thông minh ham học lại có ý chí nên ông đỗ đầu kỳ thi Hương năm Đinh Mão (1867) tại trường thi Hà Nội. Khác với hầu hết các sĩ tử ở nước ta thi đỗ rồi ra làm quan, Nguyễn Cao sau khi thi đỗ Cử nhân không ra làm quan ngay mà xin về quê nhà mở trường dạy học đào tạo nhân tài giúp ích cho quê hương.

 

Cổng và tường bao khu di tích hiện đang xuống cấp, có đoạn tường bị bong tróc, nghiêng, nứt gãy.
 

Theo sử sách ghi chép, năm 1873, thực dân Pháp xâm lược Bắc kỳ lần thứ Nhất, Nguyễn Cao được tiến cử theo việc quân và ông đã chiêu mộ, lãnh đạo hơn 1.000 quân nghĩa dung chặn đánh giặc Pháp từ Hà Nội tràn sang chiếm đóng Gia Lâm, Siêu Loại (nay là Thuận Thành) và giải phóng một vùng rộng lớn. Nhà Nguyễn sau đó ký hòa ước với Pháp, với khí tiết kẻ sĩ, Nguyễn Cao cáo bệnh về quê. Tuy nhiên, ông tiếp tục được quan đầu tỉnh tiến cử lên triều đình mời tham gia việc quân và lập nhiều thành tích, được thăng chức Tri huyện Yên Dũng rồi Tri phủ Lạng Giang… Năm 1882, Pháp đánh chiếm Bắc kỳ lần 2, Nguyễn Cao lại tiếp tục tập hợp dân chúng kéo về vùng ven Hà Nội đánh Pháp.Trong một trận đánh lớn ở Gia Lâm, Nguyễn Cao bị thương nặng nhưng vẫn giữ vị trí của người chỉ huy, nêu một tấm gương chiến đấu dũng cảm, quên mình cho nghĩa sỹ noi theo. Vua Nguyễn ban cho ông 20 lạng bạc để chữa lành vết thương nhưng ông đã dùng số tiền đó để in bộ sách thuốc quý của Hải Thượng Lãn Ông để giúp dân chữa bệnh.
Ngày 21-3-1887, trong một trận đánh ở Kim Giang (nay thuộc Ứng Hòa, Hà Nội), Nguyễn Cao bị thực dân Pháp bắt. Giặc tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc song ông đều cự tuyệt. Với khí tiết của một sỹ phu yêu nước, ông tự rạch bụng, moi ruột, hỏi đối phương “Ruột gan tao đây, bay xem có khúc nào phản thì bảo”. Giặc vẫn tìm mọi cách chạy chữa nhưng ông cự tuyệt và chọn cái chết để giữ tròn khí tiết. Sau khi ông mất được người dân lập đền thờ ngay trên quê hương Cách Bi.
Tên tuổi, sự nghiệp cao cả của danh nhân Nguyễn Cao xứng đáng được quê hương, đất nước đời đời ghi nhớ, tôn vinh và tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức, lòng yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Hiện nay, tên ông được đặt cho nhiều địa danh, nhiều trường học, tên đường phố. Những việc làm đó thể hiện tầm tư tưởng cao và sự tri ân sâu sắc của những người có trách nhiệm đối với một danh nhân của dân tộc. Đền thờ Nguyễn Cao ở làng Gạch quê ông được Nhà nước xếp hạng là di tích Quốc gia năm 1994. Tuy nhiên, các học giả, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa trong và ngoài tỉnh cùng với nhân dân địa phương đều cho rằng, việc nghiên cứu về Nguyễn Cao hay vấn đề trùng tu tôn tạo đền thờ, sưu tầm tư liệu, hiện vật có liên quan đến Nguyễn Cao vẫn chưa thực sự tương xứng với tầm vóc của nhân vật lịch sử này.
Đền thờ Nguyễn Cao, không đơn thuần là công trình tín ngưỡng văn hóa mà còn là một di tích lưu niệm mang ý nghĩa tưởng nhớ sâu sắc về danh nhân tiêu biểu của quê hương, đất nước. Ngôi đền hiện lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật giá trị, phản ánh tập trung, đầy đủ, cụ thể về cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của Nguyễn Cao. Trải bao thăng trầm lịch sử, do chất liệu gỗ được tạo tác từ lâu và không phải loại bền vững nên đền thờ Nguyễn Cao sớm bị xuống cấp, trải qua nhiều lần tu bổ. Năm 2001, Bảo tàng Bắc Ninh tạo điều kiện giúp địa phương chuyển toàn bộ công trình Tiền tế Văn Miếu Bắc Ninh về địa phương để chỉnh sửa bổ sung lại tòa Tiền tế đền thờ Nguyễn Cao. Từ đó đến nay, chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư tu bổ di tích này. Năm 2017, UBND tỉnh cũng hỗ trợ nguồn kinh phí chống xuống cấp của Nhà nước để sửa chữa một số hạng mục xuống cấp.
Tuy vậy, theo ghi nhận thực tế, hiện nay phần mái ngói tòa Tiền tế bị dui dột, một bên trụ cổng đang nghiêng và nứt gãy, rất dễ sụp đổ, không gian di tích còn sơ sài, thiếu các công trình phụ trợ xung quanh. Các tài liệu, hiện vật ở di tích cần phải được sao lưu nhân bản, dịch nghĩa, giới thiệu và bảo quản tốt hơn. Hệ thống biển chỉ dẫn vào đền thờ gần như chưa có. Trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Minh, thành viên Ban quản lý di tích đền thờ Nguyễn Cao được biết, sắp tới ngôi đền sẽ được trùng tu, tôn tạo từ nguồn hỗ trợ kinh phí chống xuống cấp của tỉnh.
Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, ý thức trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ của chính quyền và nhân dân địa phương, hy vọng di tích lịch sử văn hóa đền thờ Nguyễn Cao sớm được mở mang quy hoạch và tôn tạo thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước, thiết thực phát huy giá trị để tên tuổi và sự nghiệp cao cả, ngời sáng của danh nhân Nguyễn Cao mãi mãi được các thế hệ mai sau học tập, noi theo.

Ngọc Đăng-Việt Thanh