Tính khả thi trong khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề

17/05/2019 09:00 Số lượt xem: 2697
Ông Nguyễn Đại Đồng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định: Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đang là vấn đề bức xúc và khó giải quyết nhất hiện nay. Công nghệ sản xuất lạc hậu, nguyên liệu chủ yếu là phế liệu, sản xuất thủ công, manh mún, chưa được quy hoạch, chưa đáp ứng được các điều kiện về bảo vệ môi trường… là tình trạng chung ở hầu hết các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Đề án tổng thể bảo vệ môi trường của tỉnh giai đoạn 2019- 2025 sẽ mở ra hướng khắc phục, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng cuộc sống cho người dân tại các làng nghề.

Hệ thống ống khói được xây dựng ở làng nghề đúc đồng Đại Bái (Gia Bình) nhưng không phát huy hiệu quả.

Theo khảo sát, đánh giá của ngành chức năng thì ô nhiễm môi trường tại các làng nghề có chiều hướng gia tăng. Trong tổng số 62 làng nghề, hầu hết đều chưa đáp ứng được các điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định. Cơ sở sản xuất chưa xây dựng được công trình xử lý các loại chất thải phát sinh, một số khu vực được đầu tư Dự án xử lý lại không vận hành thường xuyên (do tập tục, thói quen, thiếu kiến thức về môi trường), dẫn đến ô nhiễm môi trường tại các làng nghề càng trở nên nghiêm trọng. Chất lượng nước, không khí, chất thải rắn phát sinh…vượt quy chuẩn Việt Nam cho phép nhiều lần. Cụ thể: Về chất lượng môi trường không khí, nhiều làng nghề bị ô nhiễm nặng do nồng độ bụi, khí thải, mùi, tiếng ồn, nhiệt độ cao từ các xưởng sản xuất và hoạt động kinh doanh vận tải… Đơn cử như số liệu quan trắc môi trường ở làng nghề sản xuất sắt thép Đa Hội, phường Châu Khê (thị xã Từ Sơn), sản xuất giấy, Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) cho thấy hàm lượng bụi vượt quy chuẩn cho phép từ 2,05 đến 2,14 lần; hàm lượng SO2 vượt quy chuẩn cho phép từ 1,38-2 lần. Chất lượng môi trường nước cũng ô nhiễm ở mức báo động. Các mẫu nước mặt, nước thải, nước ngầm đều ô nhiễm vượt quy chuẩn Việt Nam cho phép hàng chục lần. Nước thải của các cơ sở sản xuất trong làng nghề cơ bản không được xử lý, thải thẳng vào hệ thống thủy nông. Ngay tại làng nghề đúc đồng Đại Bái (Gia Bình), toàn bộ nước thải của làng nghề đều đấu nối vào hệ thống thoát nước của địa phương, chưa hề qua xử lý, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nước. Đối với hiện trạng chất thải rắn phát sinh thực sự bức xúc tại một số làng nghề như tái chế nhôm ở Văn Môn (Yên Phong), sản xuất sắt thép ở Châu Khê, giấy Phong Khê… Chất thải, trong đó có chất thải nguy hại được thu gom cùng với chất thải sinh hoạt đổ tràn lan ở các khu vực ao hồ, ven sông, mương máng, thậm chí ven các trục giao thông, gây ô nhiễm môi trường sống nghiêm trọng. Nhiều nơi, chất thải rắn hoặc một số phế liệu còn được đốt tự do, ảnh hưởng lớn đến môi trường không khí…
Thực tế cho thấy, tại một số làng nghề bị ô nhiễm nặng như sản xuất giấy Phong Khê, bún Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh), tái chế nhôm Văn Môn (Yên Phong), đúc đồng Đại Bái (Gia Bình), sản xuất sắt thép Châu Khê (thị xã Từ Sơn)… bước đầu được tỉnh quan tâm, đầu tư xây dựng các Dự án xử lý ô nhiễm môi trường như: Đầu tư và đưa vào vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề sản xuất giấy Phong Khê, công suất giai đoạn I là 5.000m3/ngày, đêm; hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 400m3/ngày, đêm tại làng nghề sản xuất bún Khắc Niệm; phê duyệt Dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá, Văn Môn, đúc đồng Đại Bái... Tuy nhiên, các Dự án vẫn đang trong quá trình triển khai và chậm tiến độ rất nhiều so quy định, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được xử lý mạnh và khó kiểm soát tốc độ gia tăng.
Đề án tổng thể bảo vệ môi trường của tỉnh giai đoạn 2019- 2025 đặt ra mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể đối với việc khắc phục ô nhiễm môi trường tại các làng nghề: Ưu tiên tập trung triển khai các Dự án xử lý ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề bị ô nhiễm nặng hiện nay. Đồng thời xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề đối với các địa phương có làng nghề. Thành lập tổ tự quản, xây dựng quy ước, hương ước, quy chế về bảo vệ môi trường trong các làng nghề. Rà soát các điều kiện về bảo vệ môi trường ở các làng nghề để xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề, kế hoạch chuyển đổi công nghệ sản xuất, ngành nghề sản xuất, đáp ứng mục tiêu môi trường và nâng cao năng suất lao động. Tổ chức chặt khâu kiểm tra các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong làng nghề. Hạn chế mức thấp nhất việc cho phép các cơ sở mới sản xuất không đủ điều kiện về môi trường hoạt động. Yêu cầu các làng nghề ký hợp đồng thu gom, vận chuyển chất thải phát sinh, chất thải nguy hại đối với các doanh nghiệp thu gom, vận chuyển có đủ năng lực. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, chủ sản xuất kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như sự ảnh hưởng nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường đến chất lượng cuộc sống của người dân, để mỗi cá nhân, chủ cơ sở sản xuất nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường gắn với sản xuất. Đây sẽ là giải pháp phù hợp để khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề hiện nay.

Bài, ảnh: Hoài Anh