Tiếp tục đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới

15/10/2018 09:03 Số lượt xem: 2270
Cách đây 88 năm, hệ thống ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, bao gồm: công vận, nông vận, thanh vận, phụ vận, quân đội vận, Mặt trận phản đế có nhiệm vụ tổ chức, tập hợp, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng.
 

 

Ban Dân vận Tỉnh ủy duy trì giao ban định kỳ với Ban Dân vận các huyện, thị xã, thành phố góp phần nâng cao hiệu quả công tác. Trong ảnh: Hội nghị giao ban công tác dân vận quý IV-2018.

 

Sau Cách mạng Tháng 8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự Thật số ra ngày 15-10-1949, khái quát đầy đủ vị trí, vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị, của từng cán bộ, đảng viên trong thực hiện công tác dân vận và từ đó đến nay, Bài báo đã trở thành cẩm nang cho đội ngũ những người làm công tác quần chúng của Đảng. Chính vì vậy, tháng 10-1999, Bộ Chính trị Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 15-10 hằng năm là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và là “Ngày Dân vận của cả nước”.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, 88 năm qua, Đảng bộ Bắc Ninh tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân vận, vận động, đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh to lớn, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cùng cả nước giành thắng lợi vẻ vang trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù ở giai đoạn nào, đội ngũ những người làm công tác dân vận của tỉnh luôn phát huy truyền thống đoàn kết, tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Điển hình như: Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Bắc Ninh; Quy định lãnh đạo các cấp thực hiện đối thoại trực tiếp với nhân dân; Quy định trách nhiệm tiếp thu góp ý kiến của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân; Quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý nhà nước về tôn giáo; Chỉ thị về đẩy mạnh việc thực hiện giám sát, phản biện; Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các đoàn thể chính trị- xã hội và nhân dân... góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, Bắc Ninh đã đạt được những thành tựu quan trọng sau hơn 20 năm tái lập tỉnh. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2016 - 2018 tăng 12,6%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ. Tỉnh đã đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thành phố Bắc Ninh trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh. Thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công của tỉnh, Trung tâm hành chính công cấp huyện và bộ phận một cửa tại 126/126 UBND cấp xã nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân giải quyết công việc. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả, nhiều chỉ tiêu đạt ở mức cao so với cả nước. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia chiếm 95,76%, kiên cố hóa phòng học đạt 98,5%; 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia (cao nhất cả nước); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66% (đứng thứ 6 toàn quốc). Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn ổn định.
Kế thừa truyền thống quý báu và thành tựu đạt được trong 88 năm qua, để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận, thời gian tới, hệ thống dân vận của tỉnh cần làm tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về công tác dân vận, từ đó tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò công tác dân vận trong tình hình hiện nay; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định số 290-QĐ/TU của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”,…
Hai là, đẩy mạnh công tác dân vận của chính quyền, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, cải cách thủ tục hành chính… Đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ chế phối hợp hoạt động giữa chính quyền với Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác dân vận của Đảng.
Ba là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác dân vận, thường xuyên hướng về cơ sở, bám sát địa bàn dân cư; nắm chắc, tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất, những bức xúc của nhân dân, báo cáo với cấp ủy Đảng, chính quyền để chỉ đạo giải quyết nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Bốn là, củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức cán bộ làm công tác dân vận các cấp theo hướng hoạt động có hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác dân vận trong giai đoạn cách mạng mới. Nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác dân vận của Đảng, MTTQ, đoàn thể các cấp theo hướng đáp ứng yêu cầu về trình độ lý luận, năng lực thực tiễn và kỹ năng công tác vận động nhân dân.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động đang triển khai ở địa phương, cơ sở. Thông qua hoạt động thực tiễn, các cấp, các ngành cần làm tốt công tác tuyên truyền, cổ vũ và nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trên mọi lĩnh vực; phát huy tinh thần yêu nước, thực hành dân chủ, tạo phong trào hành động cách mạng sâu rộng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

 


 

Phùng Đức Chiến

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phụ trách Ủy ban MTTQ tỉnh