Tiến sĩ Trần Đình Luyện - trọn đời gắn bó với văn hóa truyền thống Bắc Ninh - Kinh Bắc

03/06/2020 20:29 Số lượt xem: 3493
Tiến sĩ (TS) Trần Đình Luyện sinh ngày 18 tháng 12 năm 1946 tại xã Thái Bảo huyện Gia Bình. Tốt nghiệp trường cấp III Gia Lương năm 1965, anh vào học chuyên ngành Khảo cổ học thuộc khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội).

Tiến sĩ Trần Đình Luyện (đứng thứ nhất bên trái) nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng tháng 11 năm 2019. (Ảnh do gia đình cung cấp).

Năm 1969, tốt nghiệp Đại học, anh được phân công về Viện Khảo cổ học (thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam). Năm 1971, anh xin chuyển về Ty Văn hóa Hà Bắc (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), vài năm sau, anh trúng tuyển kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh đi Ba Lan với số điểm rất cao (24 điểm/3 môn). Nhưng vì lý do sức khỏe, anh phải bỏ dở chương trình học ngoại ngữ, trở về cơ quan tiếp tục công tác. Công tác ở Ty Văn hóa mấy năm, anh được điều về công tác tại Phòng Văn hóa huyện Gia Lương (nay là huyện Gia Bình và Lương Tài) với chức vụ Phó Trưởng phòng. Sau đó lại được điều về Sở Văn hóa Hà Bắc và đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng Bảo tồn-Bảo tàng tỉnh (tiền thân của cơ quan Bảo tàng tỉnh).

Năm 1991, anh thi đỗ kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh trong nước tại Viện Khảo cổ học. Năm 1994, anh bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Sử học (chuyên ngành Khảo cổ học) và được cấp bằng Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) Sử học. Năm 1995, TS Trần Đình Luyện được bổ nhiệm làm Phó Giám đóc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Hà Bắc. Sau khi tỉnh Bắc Ninh được tái lập, anh được cử làm Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa tỉnh Bắc Ninh. Tháng 3 năm 1997, anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Bắc Ninh và giữ chức vụ này cho đến khi về hưu.
Trong suốt cuộc đời công tác và nghiên cứu của mình, dù ở cương vị nào, dù ở môi trường công tác nào, TS Trần Đình Luyện cũng thể hiện là người tâm huyết với nền văn hóa truyền thống của quê hương. Điều đó thể hiện ở những công trình nghiên cứu, ở những bài viết trên các báo, tạp chí , ở các bài phát biểu tại các cuộc hội thảo khoa học, ở các bài giảng trong và ngoài tỉnh.
TS Trần Đình Luyện để lại sự kính trọng và quý mến đối với giới nghiên cứu văn hóa trong và ngoài tỉnh ở sự tâm huyết, say mê nhằm phát hiện thêm những tư liệu mới, trên cơ sở đó khẳng định giá trị nổi trội của văn hóa truyền thống Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Trên cơ sở kết quả khảo sát thực địa và khai quật khảo cổ học tại các di chỉ khảo cổ trên địa bản tỉnh Hà Bắc, năm 1980, TS Trần Đình Luyện cùng GS Trần Quốc Vượng và nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Bích cho ra mắt công trình “Một Hà Bắc cổ trong lòng đất”. Đây là công trình nghiên cứu có giá trị tư liệu rất quý mà sẽ là thiếu sót nếu ai nghiên cứu về văn hóa cổ Bắc Ninh lại chưa biết đến nó.
Với kiến thức phong phú về khảo cổ học và tri thức dân gian, TS Luyện có điều kiện đi sâu vào những phương diện khác của văn hóa truyền thống Bắc Ninh, nhất là về lễ hội. Trong thời gian còn đương chức và khi đã nghỉ hưu, anh chủ biên, là đồng tác giả của nhiều công trình khảo cứu, biên soạn về lễ hội Bắc Ninh, như: “Lễ hội Bắc Ninh- truyền thống và hiện đại”, “Lễ hội Tiên Du”,...
Vừa là nhà quản lý văn hóa, vừa là nhà nghiên cứu, TS Trần Đình Luyện chủ trì và tham gia nhiều cuộc Hội thảo khoa học do các đơn vị của Sở Văn hóa hoặc các ngành có liên quan tổ chức. Với tư cách là tác giả viết bài, TS Luyện  luôn trách nhiệm với bài viết và ý kiến của mình; với tư cách là cử tọa dự hội thảo, anh rất chú ý lắng nghe các ý kiến của đồng nghiệp. Là người được tham gia tổ chức và chủ trì một số Hội thảo khoa học của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật, của Ban Tôn giáo tỉnh và một vài đơn vị của Sở Văn hóa Bắc Ninh, chúng tôi bao giờ cũng trân trọng các luận điểm khoa học được thể hiện trong những bài viết, những ý kiến trao đổi của TS Trần Đình Luyện.
Sau khi về hưu, năng lực làm việc của TS Trần Đình Luyện không hề giảm sút mà dường như lại hiệu quả hơn. Anh tham gia phản biện cho một số bản thảo “Địa chỉ”, sách chuyên đề, sách chuyên khảo,... của tỉnh, của một số địa phương. Ở cuộc phản biện nào, TS Trần Đình Luyện cũng là người có trách nhiệm với những ý kiến sắc sảo, đầy sức thuyết phục.
Là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh, TS Trần Đình Luyện có nhiều đóng góp trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ dân gian. Những đóng góp đó thể hiện trong các bài viết trong các tập “Văn nghệ dân gian Bắc Ninh” và một số công trình nghiên cứu viết chung với tác giả khác.
TS Trần Đình Luyện cũng là người đầu tiên dùng cụm từ “Văn hóa Bắc Ninh- Kinh Bắc”. Cụm từ này dần dần được người Bắc Ninh sử dụng như là một thuật ngữ trong lĩnh vực văn hóa của người Bắc Ninh khi nói về tính độc đáo trong di sản văn hóa của mình.
Là người có quan hệ gần gũi với TS Trần Đình Luyện từ thủa hàn vi, chúng tôi thấy anh là người cả đời quan tâm, gắn bó với văn hóa truyền thống của quê hương và trân trọng những công lao đóng góp của những người đi trước. Cách đây gần một năm, anh bàn với chúng tôi rằng, cần tổ chức một cuộc Hội thảo khoa học về Trưởng ty Văn hóa Lê Hồng Dương, để có tư liệu biên soạn một quyển sách về vị Trưởng ty đáng kính này. Rất tiếc, công việc này chưa kịp triển khai thì anh đã về cõi vĩnh hằng.
Vẫn biết “sinh, trụ, dị, diệt” là quy luật của muôn loài. Con người sinh ra, lớn lên, học hành, làm việc, lấy vợ sinh con rồi về cõi vĩnh hằng là điều không ai tránh khỏi. Nhưng sau khi tiễn biệt anh về với tổ tiên, giới nghiên cứu văn hóa Bắc Ninh vẫn cảm thấy có một khoảng trống vắng khó khỏa lấp.

Nguyễn Quang Khải