Tiên Du khẩn trương xây dựng lò đốt rác công suất nhỏ

16/07/2019 08:34 Số lượt xem: 2639
Tính lũy kế đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Tiên Du còn tồn đọng khoảng 40.000 tấn rác thải sinh hoạt. Trong khi không có nhà máy xử lý rác thải tập trung, thì phương án tối ưu đặt ra cho huyện là phải nhanh chóng xây dựng lò đốt rác công suất nhỏ tại các xã, thị trấn để xử lý cấp bách bài toán rác thải sinh hoạt. 

Hiện trạng xử lý ô nhiễm môi trường của huyện
Trung bình mỗi ngày huyện Tiên Du phát sinh khoảng 80 tấn rác thải sinh hoạt từ các nguồn: rác thải trong dân, rác thải chăn nuôi, trồng trọt và rác thải từ các cụm công nghiệp. Toàn huyện có 120 tổ vệ sinh môi trường, trực tiếp thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày đến 67 điểm tập kết, trung chuyển rác, tần suất thu gom từ 2 - 3 lần/tuần. Tại một số địa phương có mật độ dân cư đông, nhiều công nhân thuê trọ như: thị trấn Lim, xã Hoàn Sơn, xã Đại Đồng... tiến hành thu gom theo ngày. 
Từ đầu năm đến nay, toàn huyện xử lý tạm thời được gần 10.000 tấn rác tồn đọng tại các điểm tập kết và trung chuyển bằng phương pháp phun chế phẩm vi sinh tăng cường phân hủy, rắc vôi bột, đánh đống hạn chế phát tán ô nhiễm và tăng khả năng chứa rác của các điểm tập kết… Tuy nhiên do tích lũy từ nhiều năm nên hầu hết các điểm tập kết và trung chuyển đều quá tải nghiêm trọng, thậm chí nhiều điểm tràn xuống lòng đường, kênh mương, không những gây ô nhiễm mà còn mất mỹ quan, cản trở giao thông, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. 
Trước thực trạng trên, năm 2014, huyện cho phép Công ty TNHH Tân Trường Lộc xây dựng và vận hành hệ thống lò đốt rác RS01 - Vinabima, công suất xử lý 30 tấn rác/ngày. Phòng Tài nguyên và Môi trường giám sát chặt hoạt động thực tiễn của lò. Hiện tại, lò hoạt động hiệu quả, tần suất 6 ngày/tuần, xử lý toàn bộ lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại thị trấn Lim và một phần lượng rác quá tải ở một số xã lân cận như Hoàn Sơn, Đại Đồng, Phú Lâm, Liên Bão, Tri Phương..., góp phần không nhỏ vào việc giảm lượng rác thải ùn ứ trong dân. 

 

Công nhân công ty Tân Trường Lộc cho rác vào lò đốt.


Ông Nguyễn Hữu Giao, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tân Trường Lộc cho biết: “Công ty phối hợp với Công ty Cổ phần Máy xây dựng Vinabima Tiên Sơn và các nhà khoa học của Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt - Lạnh thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu, thiết kế và chế tạo, xây lò đốt rác thải sinh hoạt kiểu đứng, nhiều tầng có sàn sấy rác nằm trong buồng đốt sơ cấp. Lò có nhiều ưu điểm về cường độ cháy, năng suất đốt, bảo đảm quy định về môi trường. Trung bình mỗi ngày xử lý khoảng trên, dưới 30 tấn rác thải sinh hoạt”.
 Công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của huyện Tiên Du đã có sự chuyển biến nhưng do tích lũy từ nhiều năm nên hầu hết các điểm tập kết đều quá tải. Việc sớm triển khai xây dựng các lò đốt rác sinh hoạt là yêu cầu cấp thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng tầm đô thị sáng, xanh, sạch, đẹp cho vóc dáng thị xã  trong tương lai.

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu mỗi xã, thị trấn 1 lò đốt rác
Thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2019 - 2025, huyện chỉ đạo mỗi xã, thị trấn lựa chọn 1 địa điểm khoảng 2.000 m2 để xây dựng lò đốt rác công suất nhỏ. Đến nay toàn bộ các xã, thị trấn lựa chọn xong địa điểm. Ông Nguyễn Văn Lương, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết: Huyện đang triển khai xây dựng 4 lò đốt rác tại các xã Hiên Vân, Liên Bão, Tri Phương và Minh Đạo với công suất khoảng 40 tấn/ngày/lò. Hiện đã hoàn thiện hồ sơ thu hồi đất trình UBND tỉnh giao đất thực hiện dự án. Khi các lò đốt rác đi vào hoạt động sẽ xử lý cơ bản lượng rác thải phát sinh cũng như tồn đọng trong những năm qua của huyện.
Song song với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các lò đốt rác, huyện tập trung triển khai quy định bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi trên địa bàn; đẩy mạnh thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi trong khu dân cư bằng phương pháp xây dựng bể khí sinh học (biogas), hạn chế chất thải chăn nuôi thải trực tiếp ra môi trường. Nhân rộng việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình trước khi đưa về điểm tập kết; chỉ đạo các địa phương, đơn vị dịch vụ môi trường vận hành hiệu quả các điểm tập kết rác, nâng tần suất xử lý lên 2 lần/tuần. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, phân loại rác thải từ các hộ gia đình, hạn chế sử dụng túi nilon, xây dựng phong trào “làng 3 sạch”, phong trào làm sạch ruộng đồng, khơi thông cống rãnh... hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến cộng đồng dân cư.

Bài, ảnh: Hoài Anh