Tiến bộ kỹ thuật “đánh thức” tiềm năng đất đai

13/08/2019 09:01 Số lượt xem: 2916
Đi dọc con đường bê tông phẳng phiu chạy thẳng qua cánh đồng lúa xanh mướt, những người con Gia Bình xa quê lâu năm hẳn chẳng giấu được cảm giác ngỡ ngàng khi chứng kiến khung cảnh nông thôn đổi mới. Sau 20 năm tái lập huyện, với sự đồng hành của tiến bộ kỹ thuật, nông nghiệp đã có sự phát triển vượt bậc theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, hiệu quả.

Tháng 4 vừa qua, người dân thôn Gia Phú, xã Bình Dương thích thú chiêm ngưỡng máy bay không người lái thực hiện phun thuốc bảo vệ thực vật được trình diễn lần đầu tiên trên cánh đồng quê hương. Ông Lưu Xuân Kim, thôn Gia Phú, người mạnh dạn tích tụ 42 ha sản xuất lúa hồ hởi nói như reo: “Cứ tưởng như phim ấy các bác ạ. Giờ có máy móc hiện đại như thế này đỡ mất công lao động mà lại bảo đảm an toàn cho người nông dân”. 
Được biết, đây là sản phẩm của Công ty Cổ phần Đại Thành thực hiện trên diện tích 2ha lúa với thời gian khoảng 15 phút. Chiếc máy bay sử dụng công nghệ phun hạt nano siêu mịn, tích hợp các chức năng như: Hệ thống định vị vệ tinh giúp máy bay có thể bay tự động, lập bản đồ khu vực cần phun và kiểm soát khu vực cần phun theo chu trình được định sẵn. Máy có dung tích 17 lít thuốc, tiết kiệm được 30% thuốc và 90% lượng nước, cho hiệu quả cao gấp 50 lần so với các phương pháp truyền thống. 
Đó chỉ là một trong số những giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhất được đưa về đồng đất Gia Bình những năm vừa qua. Giờ đây, ngày càng nhiều nông dân được tận tay trải nghiệm tiến bộ khoa học mới như cấy lúa hiệu ứng hàng biên hay nuôi cá sông trong ao… Cùng với sự tập huấn, phổ biến và hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, không ít nông dân với tư duy nhạy bén đã đầu tư thiết bị, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật sản xuất hiện đại. Toàn huyện hiện có 250 máy làm đất các loại, 80 máy gặt đập liên hợp, 1 máy cấy động cơ và 30 máy cấy tay, 12 máy phun thuốc có động cơ, 2 kho bảo quản nông sản, góp phần bảo đảm cơ giới hóa 100% khâu làm đất và 90% khâu thu hoạch… Huyện có 11 cơ sở áp dụng công nghệ cao vào sản xuất với diện tích khoảng 105ha trên địa bàn 8 xã, thị trấn, trong đó sản xuất ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới là 5,75 ha. Để phát huy hiệu quả diện tích đất bãi ven đê, địa phương tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng, người dân lắp đặt hệ thống phun tưới tự động và trang bị các loại máy vun xới nhằm tăng hệ số sử dụng đất hơn 3 lần/năm với các loại cây rau màu có giá trị kinh tế cao. 

 

Các đại biểu tham quan trình diễn máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu tại thôn Gia Phú, xã Bình Dương.


Các hộ nông dân cũng duy trì và phát huy hiệu quả 1.000 ha nuôi trồng thuỷ sản kết hợp với chăn nuôi để phát triển mô hình kinh tế trang trại tổng hợp VAC; phát triển mạnh đàn gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại, gia trại, nâng tổng sản lượng thịt hơi hàng năm đạt 9.500 tấn (gấp 2,9 lần so năm 1999). Nhiều trang trại xây dựng hệ thống chuồng kín, chuồng mát, sử dụng máng ăn tự động như: Mô hình HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đông Bình, xã Vạn Ninh nuôi gia công lợn thịt cho Tập đoàn DABACO, diện tích 2ha với 800 con lợn/lứa, sản lượng 180-200 tấn/năm; Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Hải Ninh, xã Lãng Ngâm xây dựng trang trại quy mô 4ha, với 300 lợn nái, 2.000 lợn thịt. Về thủy sản, nhiều mô hình nuôi thâm canh, siêu thâm canh cho năng suất cá bình quân đạt trên 6 tấn/ha; phát triển hơn 360 lồng cá trên sông Đuống, sông Thái Bình và bắt đầu chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. 
Có thể thấy, khoa học kỹ thuật được nông dân Gia Bình tiếp thu ứng dụng vào thực tiễn, đánh thức tiềm năng của từng thước đất nơi đây. Nhờ vậy, đến cuối năm 2018, giá trị sản xuất trồng trọt trên 1 ha canh tác của huyện đạt 138 triệu/năm, (tăng 2,9 lần so với năm 1999); giá trị nuôi trồng thuỷ sản trên 1 ha đạt 279 triệu đồng/năm (tăng 256 triệu đồng so với năm 1999). Năng suất lúa hàng năm đều nằm trong nhóm dẫn đầu toàn tỉnh (từ 45 tạ/ha năm 1999, lên 63,3 tạ/ha năm 2018), cây vụ đông luôn duy trì ở mức khá, hệ số sử dụng đất bình quân đạt 2,2 lần trở lên. Qua đó, đóng góp chung vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2018 (theo giá hiện hành) của huyện đạt 8.928.125 triệu đồng, gấp 34 lần so năm 1999, đời sống của người dân từ đó mà nâng lên rõ rệt.
Theo ông Nguyễn Khắc Đạm, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, thời gian tới, Gia Bình tiếp tục duy trì và phát triển các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ, thủy sản, chăn nuôi tại các xã, thị trấn song song với đẩy nhanh việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng thêm 1-2 mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; đa dạng các hình thức tổ chức xúc tiến thương mại, giúp nông dân nắm bắt được thị trường để quyết định sản xuất cho phù hợp, tạo điều kiện cho nông dân giới thiệu, quảng bá sản phẩm có chất lượng tốt với người tiêu dùng… Từ đó, nâng cao vị thế của nông nghiệp tương xứng với sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Huyền Thương