Tích cực sáng tạo, nâng cao trách nhiệm xã hội

14/05/2018 07:54 Số lượt xem: 842
Trong thời gian qua, với sự tham gia của đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ, báo chí, những người có tâm huyết với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cho thấy hoạt động sáng tác, quảng bá đã phát huy tính tích cực, sáng tạo, nâng cao trách nhiệm xã hội, thể hiện sự kính trọng, tình cảm của văn nghệ sĩ, nhà báo đối với Bác. Qua đó, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân; động viên, cổ vũ nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, khẳng định sự trường tồn và giá trị to lớn của tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tạp chí Người Kinh Bắc luôn theo sát, đồng hành cùng hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT

(Ông Nguyễn Công Hảo, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh)

Ngay sau khi có kế hoạch của Tỉnh ủy về xét Giải thưởng sáng tác, quảng bá về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Hội VHNT triển khai phát động đến toàn thể hội viên, chỉ đạo các Phân hội, Chi hội chuyên ngành tích cực động viên hội viên sáng tác theo chủ đề. Kết quả có trên 100 hội viên hưởng ứng tích cực sáng tác về đề tài với tổng số gần 500 tác phẩm.

Trong hơn hai năm, dù thời gian không nhiều nhưng phải khẳng định tinh thần trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sỹ Bắc Ninh đã tích cực hưởng ứng sáng tác về đề tài, thể hiện tinh thần lao động, cống hiến công sức của từng cá nhân hội viên, góp phần không nhỏ trong công tác tuyên truyền thông qua các tác phẩm VHNT đến đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Không chỉ chuyên chở trong tác phẩm của mình những chuẩn mực đạo đức, nhân cách, đạo làm người, những tấm gương điển hình làm theo Bác mà đội ngũ văn nghệ sĩ Bắc Ninh còn có trách nhiệm sáng tạo nên những hình tượng nghệ thuật có sức rung động, cảm hóa mạnh mẽ, cổ vũ con người vươn tới sự hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống theo quy luật của tình người, của cái trong sáng, cái đẹp.

Tạp chí Người Kinh Bắc luôn theo sát, đồng hành cùng mọi hoạt động sáng tạo, quảng bá tác phẩm của văn nghệ sĩ. Tạp chí duy trì thực hiện đều đặn chuyên mục “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thường dành một phần diện tích quan trọng để đăng tải các tác phẩm của hội viên như thơ, truyện ngắn, bút ký, tản văn, lý luận phê bình, nghiên cứu, trao đổi, âm nhạc, ảnh, mỹ thuật… góp phần giới thiệu, quảng bá tác phẩm VHNT viết về đề tài  đến với công chúng. Với những đóng góp đó, tạp chí Người Kinh Bắc vinh dự là một trong 3 tập thể xuất sắc được BCĐ cấp tỉnh về sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT, báo chí theo chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trao tặng giải Nhất.

Văn học là phải hướng thiện

(Nhà văn Nguyễn Thái Sơn, Chi hội trưởng Chi hội Văn xuôi, Hội VHNT tỉnh, Giải Nhất thể loại văn xuôi)

Tác giả Nguyễn Thái Sơn bắt đầu cầm bút viết văn từ năm 2007, đến nay có nhiều tác phẩm được đăng trên báo Văn nghệ Quân đội, tiêu biểu như các truyện ngắn: “Thợ Cày”, “Hai người đàn bà”, “Khói chiều mỏng mảnh”, “Mất tích”, “Chuyến xe buýt cuối ngày”, “Đôi giầy cũ”, “Ngôi nhà ẩm mốc”, “Độc đạo”… Trong đợt xét tặng giải thưởng VHNT tỉnh Bắc Ninh lần thứ Nhất, tập truyện ngắn “Con đường rừng mờ sương” của nhà văn Nguyễn Thái Sơn được xét trao tặng giải B thể loại văn xuôi (không có giải A). Theo tác giả Nguyễn Thái Sơn, văn học phải hướng thiện, làm sao để mỗi tác phẩm viết ra phải gợi được những suy tư, ngẫm ngợi về thân phận con người. Vì vậy, mảng đề tài chủ đạo, xuyên suốt qua các truyện ngắn của Nguyễn Thái Sơn là Chiến tranh cách mạng và Hiện thực đời sống.

Xúc động vì được trao tặng giải Nhất thể loại Văn xuôi với truyện ngắn “Cổng tre”, nhà văn Nguyễn Thái Sơn chia sẻ là khi viết tác phẩm, ông không đặt vấn đề dự thi, cũng không áp mình phải viết theo chủ đề mà chỉ muốn kể câu chuyện có thật về một người thương binh. Bối cảnh câu chuyện xảy ra ở một huyện đang thực hiện cưỡng chế, giải toả để xây dựng công trình công cộng và gặp khó khăn trước một gia đình thương binh kiên quyết không đồng thuận. Tuy nhiên, sau cuộc gặp gỡ trò chuyện giữa người thương binh với một đồng đội cũ thì việc giải toả đã được tiến hành nhanh chóng. Cuộc trò chuyện đã vạch trần bản chất thương tật của người thương binh bởi chính người đồng đội cũ đã có mặt cứu giúp khi ông ta bị thương vì đi đánh cá chứ không phải do chiến đấu…

Sức lan tỏa từ những tấm gương

 (Nhà báo Ngô Văn Phong (Phong Vân), Báo Bắc Ninh)

Sinh thời, Bác Hồ từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Học theo Bác, những năm qua, chúng tôi đã không ngừng tìm tòi, phát hiện những tấm gương điển hình tiên tiến để tuyên truyền, biểu dương kịp thời những cách làm hay, sáng tạo, những tấm lòng nhân ái sẻ chia với cộng đồng xã hội.

Trong đó, loạt bài “Những tấm gương bình dị mà cao quý” gồm 5 bài (đăng trên báo Bắc Ninh Hằng tháng từ số tháng 7 đến số 11-2015) của nhóm tác giả Ngô Phú- Phong Vân (Báo Bắc Ninh) đạt giải Nhất thể loại báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một trải nghiệm đáng nhớ về cuộc hành trình tìm kiếm gặp gỡ, lắng nghe và cảm nhận về 13 tấm gương “người thật, việc thật” ở nhiều độ tuổi, nghề nghiệp, lĩnh vực khác nhau như: Cựu chiến binh, nhà giáo, kỹ sư, bác sỹ, đoàn thanh niên, người dân… Họ là những con người có trái tim yêu thương, có niềm đam mê, khát vọng cống hiến như những ngọn đuốc soi đường, khơi dậy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Đó là hình ảnh người cựu chiến binh Mai Lệ ở thị trấn Chờ (Yên Phong) ròng rã suốt hơn 20 năm cùng thân nhân đi tìm được hàng trăm mộ liệt sỹ trở về quê hương nhờ cuốn sổ nhật ký chiến tranh. Hay câu chuyện kể về tình yêu thương của thầy giáo Nguyễn Như Chiến, Trường THPT Thuận Thành số 1, đã dìu dắt, chắp cánh cho biết bao học sinh nghèo hiếu học, làm rạng danh đất học Kinh Bắc. Chúng tôi cũng thực sự cảm động trước những tấm lòng thiện nguyện của nhóm Bồ Đề Tâm (thành phố Bắc Ninh) vận động đóng góp được hơn 500 triệu đồng để chia sẻ, giúp đỡ đến những địa chỉ, hoàn cảnh gặp khó khăn cần sự giúp đỡ…

Đi, đến và chia sẻ cùng những con người xung quanh, từ những việc làm thiết thực của họ, chúng tôi cảm nhận rằng để Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ngày càng hiệu quả, lan tỏa sâu rộng, thì mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực học tập, lao động, sáng tạo và nhân rộng hơn nữa những tấm gương người tốt, việc tốt trong đời sống xã hội.

Nhóm PV