Tích cực chuyển đổi hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt

25/06/2019 08:26 Số lượt xem: 2229
Thực hiện đề án của Chính phủ về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, thời gian qua, Công ty Điện lực Bắc Ninh (PCBN) tích cực phối hợp với các ngân hàng, tổ chức trung gian (TCTG) triển khai công tác thu hộ tiền điện trên nền tảng ứng dụng công nghệ hiện đại và coi đây là một trong những khâu đột phá trong giao dịch thanh toán tiền điện, để khách hàng trả tiền điện thuận tiện, nhanh chóng và an toàn nhất.

Thanh toán qua ngân hàng và TCTG
Để đẩy mạnh hình thức thanh toán tiền điện qua ngân hàng và các TCTG Công ty vận động cán bộ, người lao động tích cực hưởng ứng. Đồng thời tổ chức hội nghị bàn về các giải pháp nâng cao tỷ lệ thanh toán qua ngân hàng, ký kết hợp đồng hợp tác với từng ngân hàng để triển khai có hiệu quả. Tuyên truyền, quảng bá về các tiện ích thanh toán tiền điện qua ngân hàng dưới nhiều hình thức như: Treo băng-rôn, đăng thông tin trên website, qua các dịch vụ tin nhắn SMS và vận động khách hàng trực tiếp khi đến giao dịch... Cử nhân viên đến các khu dân cư và từng hộ dân để phát tờ rơi, giúp khách hàng làm thủ tục đăng ký và vận động trực tiếp các gia đình, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia thực hiện.
PCBN đã hợp tác với 9 ngân hàng (Vietcombank, BIDV, Techcombank, ABBank, Agribank, Vietinbank, MB, LPB...) và 2 tổ chức trung gian (TCTG)  là Viettel và Bưu điện để thực hiện thu hộ tiền điện. Toàn tỉnh hiện có 418.965 khách hàng sử dụng điện, trong đó sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt là 352.020 khách hàng; sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt là 66.945 khách hàng. Các ngân hàng và TCTG đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng sử dụng điện thanh toán bằng nhiều phương thức như: Trích nợ tự động tài khoản, thanh toán qua internet banking/mobile banking, thanh toán tại phòng giao dịch các ngân hàng bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản, qua ví điện tử, thanh toán tại phòng giao dịch khách hàng của Công ty Điện lực... Đến nay có là 175.349 khách hàng thanh toán tiền điện qua ngân hàng và TCTG, bằng 42,95% tổng số khách hàng, chiếm hơn 80% số tiền phát sinh (tập trung chủ yếu nhóm khách hàng doanh nghiệp sử dụng điện vào mục đích sản xuất kinh doanh). Khách hàng thanh toán qua các hình thức như: Chuyển khoản, trích nợ tự động là 24.691 khách hàng, chiếm 6,05%; ngân hàng thu là 128.408 khách hàng, chiếm 31,45%; số còn lại do Điện lực, bưu điện và dịch vụ thu (chiếm 62,5%).
Bà Đặng Hoài Lan, phường Võ Cường (thành phố Bắc Ninh) cho biết: “Kể từ khi ngành Điện thực hiện đa dạng hóa các hình thức thanh toán tiền điện, gia đình đã lựa chọn phương thức thanh toán trích nợ tự động tài khoản. Hằng tháng, tôi không phải mất thời gian đến các địa điểm thu tiền điện như trước đây mà lại không hề mất một chi phí dịch vụ nào”.


Thanh toán tiền điện qua dịch vụ internet banking.

 

Những khó khăn và giải pháp khắc phục
Mặc dù đạt được kết quả khá khả quan, nhưng việc triển khai thanh toán tiền điện qua ngân hàng của Công ty vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bởi đa phần người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt. Khách hàng khu vực nông thôn chiếm tỷ trọng lớn, đa số đều không có tài khoản tại ngân hàng, mặt khác lại nằm xa trung tâm nên ngân hàng chưa có điều kiện triển khai sâu rộng hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Nhóm đối tượng khách hàng là người lớn tuổi, phần đông đều chưa có thói quen sử dụng các thiết bị công nghệ như: Điện thoại thông minh, máy tính... để vào các trang thanh toán điện tử. Ngoài ra, công tác truyền thông của ngành Điện, ngân hàng và các đối tác vẫn chưa thực sự phát huy được tính hiệu quả, chưa có nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút và kích thích khách hàng sử dụng dịch vụ; chưa quyết liệt triển khai từ phía các đơn vị trong PCBN cũng như các ngân hàng đã ký kết hợp đồng. Sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương còn hạn chế...
Dự kiến đến cuối năm 2019 số khách hàng của toàn tỉnh là 424.937, trong đó khách hàng khu vực thành phố, thị xã, thị trấn là 154.686; khách hàng khu vực Nông thôn là 270.251. Căn cứ số lượng dự kiến khách hàng năm 2019, phấn đấu hết năm 2019 có 95% khách hàng thuộc địa bàn khu vực đô thị (146.925/154.686 khách hàng) và 13% khách hàng khu vực nông thôn (35.133/270251 khách hàng) không dùng tiền mặt để thanh toán tiền điện. Theo bà Nguyễn Thu Thuỷ, Phó Giám đốc PCBN: Để đạt được mục tiêu đó, Công ty tăng cường các giải pháp thực hiện chuyển đổi hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt với đối tượng khách hàng sử dụng điện vào mục đích sinh hoạt và ngoài sinh hoạt (sau TBA công cộng). Tiếp tục đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa tiêu dùng, chi tiêu không dùng tiền mặt. Phối hợp các cơ quan báo chí truyền thông trong tỉnh, các ngân hàng, các đơn vị liên quan để tuyên truyền các hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. In tờ rơi gửi khách hàng tại các khu vực có tiềm năng như: Các điểm giao dịch, quầy thu tiền điện, nơi có nhiều khách hàng cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, làng nghề. Giao chỉ tiêu và gắn trách nhiệm phát triển khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt qua ngân hàng và TCTG đến từng đơn vị quản lý. Tư vấn cho các khách hàng chưa có tài khoản thực hiện mở tài khoản tại ngân hàng và đăng ký sử dụng dịch vụ thanh toán tiền điện theo hình thức không dùng tiền mặt. Từ tháng 5-2019, đối với khách hàng phát triển mới, Điện lực hướng dẫn, khuyến khích khách hàng đăng ký thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt qua ngân hàng...
Theo đó, khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt bằng các cách như: Chuyển khoản từ tài khoản của khách hàng ở ngân hàng vào tài khoản chuyên thu của Điện lực; Trích nợ tự động, khách hàng ủy nhiệm cho ngân hàng trích tiền từ tài khoản của mình ở một trong các ngân hàng Vietcombank, BIDV, Techcombank, ABBank, Agribank, VietinBank, MB, LPB... để thanh toán tiền điện; Sử dụng dịch vụ Mobile banking hoặc Internet banking của ngân hàng để thanh toán tiền điện trên điện thoại di động/thiết bị kết nối internet. Nếu khách hàng có tài khoản trong số 12 ngân hàng mà Viettel hợp tác thì sử dụng dịch vụ Bankplus của Viettel trên điện thoại di động để thanh toán tiền điện. Thanh toán qua mạng lưới Bưu điện, khách hàng thanh toán tiền mặt tại các điểm thu của Bưu điện…
Thu tiền điện qua hệ thống ngân hàng và các TCTG không chỉ mang lại sự tiện ích cho khách hàng mà còn giúp ngành điện tối ưu hóa nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, tạo ra sự minh bạch và chống thất thu thuế cho nhà nước.

Thái Uyên