Thực hiện chính sách về BHXH vì sự phát triển bền vững

25/09/2018 08:44 Số lượt xem: 1129
Bảo hiểm xã hội (BHXH) là chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển bền vững.

Thực hiện tốt chính sách BHXH sẽ giúp ngày càng nhiều người lao động, người dân được hưởng những quyền lợi chính đáng, giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định vì thế phát triển đối tượng tham gia BHXH là một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay.
Với ý nghĩa to lớn, những năm qua, ngành BHXH tham mưu cho tỉnh thực hiện nhiều giải pháp tích cực nhằm thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn. Tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi, đi trước nhằm giúp đỡ, hỗ trợ một số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Tỷ lệ doanh nghiệp thuộc diện bắt buộc tham gia BHXH, BHYT đạt gần 60%, tỷ lệ bao phủ BHYT nằm trong tốp những tỉnh cao nhất cả nước, đạt gần 95%. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ bao phủ BHXH trên địa bàn tỉnh còn ít, nhiều doanh nghiệp thuộc diện bắt buộc nhưng chưa tham gia BHXH cho người lao động; tình trạng nợ đọng, trốn đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN còn xảy ra, có cơ quan, doanh nghiệp nợ với số tiền lớn, trong thời gian dài… Đặc biệt vì nhiều nguyên nhân, số người dân tham gia BHXH tự nguyện thấp, toàn tỉnh hiện mới có hơn 2.800 người tham gia.  
Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Thực hiện Nghị quyết, Bắc Ninh xây dựng chương trình hành động, đề ra mục tiêu ở từng giai đoạn cụ thể đến năm 2021, đến năm 2025 và đến năm 2030, trong đó đến 2021 sẽ phấn đấu đạt khoảng 50% lực lượng lao động trong độ tuổi hiện đang làm việc trên địa bàn tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 47% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN. Có khoảng 50% số người sau độ tuổi nghỉ hưu tại tỉnh được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội…
Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra cần sự tham gia, vào cuộc của các ngành, các cấp và toàn xã hội với nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác BHXH. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH và những nội dung cơ bản của cải cách chính sách BHXH đối với bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện chính sách BHXH. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong việc mở rộng và gia tăng độ bao phủ của BHXH, trong đó hướng đến đối tượng là nông dân, lao động tự do, người nghèo, người có thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn, lao động khu vực phi chính thức…
Bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành, cơ quan BHXH tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; hiện đại hóa quản lý BHXH áp dụng công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến trong tổ chức thực hiện BHXH, BHTN đảm bảo nhanh, chính xác, kịp thời; ngăn chặn tình trạng gian lận, trục lợi chính sách BHXH, BHTN, bảo đảm quyền lợi của người tham gia.

Lê Đại