Thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển góp phần tăng trưởng kinh tế, xây dựng nông thôn mới

08/08/2018 08:19 Số lượt xem: 2178

 Kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng, mà nòng cốt là HTX dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết rộng rãi các hộ sản xuất kinh doanh, những người lao động, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế. Không giới hạn quy mô, lĩnh vực và địa giới hành chính, kinh tế HTX bao gồm lợi ích của các thành viên và lợi ích tập thể, đồng thời coi trọng lợi ích xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, tiến lên làm giàu cho các thành viên. 5 năm qua khu vực kinh tế hợp tác của Bắc Ninh tiếp tục có những chuyển biến tích cực về chất lượng, mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và xây dựng nông thôn mới.

 

Cơ giới hóa trong thu hoạch lúa ở HTX dịch vụ nông nghiệp Mộ Đạo (Quế Võ).

 
 
Bắc Ninh là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, năm 2017, tốc độ tăng trưởng của Bắc Ninh đứng đầu quốc gia (19,12%), quy mô kinh tế đứng thứ 4, giá trị xuất khẩu chiếm 14,9% cả nước, đứng thứ 10 về thu ngân sách. 6 tháng đầu năm 2018, GRDP tăng 17% so cùng kỳ; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh ước gần 14.480 tỷ đồng, đạt 61,3% dự toán năm, tăng 30% so cùng kỳ; trong đó, thu nội địa đạt 64,7% dự toán năm, tăng 32%. Góp phần tạo nên những thành tựu đó có sự đóng góp tích cực của các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tập thể.
Nhiệm kỳ qua, Liên minh HTX tích cực chủ động phối hợp với các cấp, các ngành triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển phù hợp với yêu cầu hội nhập cùng với các ngành. Triển khai thực hiện Luật HTX năm 2012, tham mưu đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 - 2020, tư vấn hướng dẫn thành lập HTX theo mô hình HTX kiểu mới theo cơ chế thị trường, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thông qua các hội chợ, tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, các đợt học tập trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh, nước ngoài, nhằm quảng bá các sản phẩm của các HTX, các làng nghề trong tỉnh, tìm đầu ra cho sản phẩm. Thu hút các đối tác trong và ngoài tỉnh quan tâm, hợp tác, đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra sức mạnh vững chắc để vực dậy hoạt động vốn khó khăn của các HTX.
 
 

Những thành tích được ghi nhận


Năm 2011 được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Năm 2012 được tặng Bằng khen của UBND tỉnh.
Năm 2014 được tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh.
Năm 2015: Được tặng Cờ thi đua của Liên minh HTX Việt Nam và Bằng khen của UBND tỉnh.
Năm 2016 được tặng Bằng khen của Liên minh HTX Việt Nam.
Năm 2018 được tặng Cờ thi đua của Liên minh HTX Việt Nam đã có thành tích dẫn đầu trong khu vực về phát triển HTX giai đoạn 2012 - 2017
 


Toàn tỉnh hiện có 594 HTX (gồm có 26 quỹ tín dụng nhân dân). Trong đó, 479 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, 55 HTX xây dựng, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 18 HTX giao thông vận tải; 2 HTX vệ sinh môi trường;  14 HTX thương mại dịch vụ; 26 quỹ tín dụng nhân dân (Quỹ TDND); tổng số 92.268, 4.988 thành viên HTX lao động làm việc thường xuyên trong HTX. Trong đó, HTX nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, các HTX chuyên ngành về: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… được thành lập và phát triển nhanh. Đây là loại hình HTX thực hiện rất tốt dịch vụ “đầu vào” và dịch vụ “đầu ra” cho sản xuất kinh doanh của hộ thành viên, từ đó hình thành chuỗi giá trị, từ cung ứng giống, vật tư - sản xuất - bảo quản, chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Các hoạt động liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm là những mô hình sản xuất mới, được đánh giá có triển vọng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các sản phẩm của HTX đã trở thành hàng hóa được thị trường đón nhận và xây dựng được thương hiệu sản phẩm của địa phương góp phần thực hiện tốt chương trình “mỗi xã phường một sản phẩm” (OCOP) và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Các HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năng động trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho thành viên và người lao động, có đóng góp nhất định cho ngân sách địa phương, bảo đảm thu nhập, đời sống thành viên, người lao động. Các HTX giao thông vận tải đã có đóng góp ngày càng quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá, đi lại của nhân dân. Đa số các HTX đã chú trọng làm tốt các khâu dịch vụ cho thành viên và kết hợp mua sắm phương tiện mới, kinh doanh bến bãi, dịch vụ, du lịch. HTX thương mại đã bám sát được thị trường, tổ chức được các mối quan hệ bạn hàng, liên kết được với một số doanh nghiệp, hoạt động ngày càng có hiệu quả. Quỹ tín dụng chủ động được nguồn vốn hoạt động, không phải vay vốn Ngân hàng HTX, tận dụng được lợi thế gần dân, thuận tiện trong việc gửi tiền, rút tiền và vay tại Quỹ, tạo nguồn vốn giúp các thành viên đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh…
Có thể khẳng định, kinh tế hợp tác, HTX phát triển cả số lượng và chất lượng hoạt động, doanh thu, lợi nhuận ngày một tăng cao mang lại lợi ích cho thành viên. Phát triển kinh tế hợp tác, HTX đang trở thành nhu cầu cần thiết của hộ cá thể, là phương thức tổ chức sản xuất của quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế. Song bên cạnh những kết quả đạt được cần thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế, yếu kém. Những khó khăn nội tại của HTX kéo dài, chậm được khắc phục như năng lực tài chính yếu, khả năng cạnh tranh thấp, còn nhiều HTX lúng túng trong hoạt động, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh; năng lực quản lý còn nhiều bất cập, chưa phát huy lợi thế liên kết hệ thống; chưa thu hút được hầu hết số HTX trên địa bàn tham gia là thành viên Liên minh HTX….
Nhiệm kỳ 2018-2023, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh cụ thể hóa các chính sách của Đảng, Nhà nước; ban hành các Nghị quyết chuyên đề, các cơ chế đặc thù để hỗ trợ, khuyến khích kinh tế hợp tác phát triển. Chú trọng cơ chế chính sách hỗ trợ đầu vào và cơ chế tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho các tổ hợp tác, HTX. Phát triển HTX gắn với CNH- HĐH nông nghiệp nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới. Đa dạng hóa thành viên, sản phẩm, dịch vụ của HTX đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết TW5 (khóa IX) trong việc xây dựng và phát triển HTX theo Luật năm 2012. Củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ để tư vấn hỗ trợ, giúp đỡ các HTX phát triển phù hợp với yêu cầu. Đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách liên quan đến kinh tế tập thể, tổng kết thực tiễn và nhân rộng những mô hình mới, điển hình tiên tiến. Tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường liên doanh liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp, phát huy vai trò là cầu nối giữa kinh tế hộ thành viên với doanh nghiệp, thị trường nhằm phát triển sản xuất kinh doanh và là tổ chức tiếp nhận sự hỗ trợ từ chính sách của tỉnh. Phấn đấu đến cuối năm 2023 toàn tỉnh có khoảng 700 - 750 HTX, tăng khoảng 120 - 150 HTX so với nhiệm kỳ IV (bình quân mỗi năm thành lập mới khoảng 25 - 30 HTX) theo Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27-4-2018 của Thủ tướng Chính phủ và 300 tổ hợp tác, trong đó 5% - 10% tổ hợp tác phát triển thành HTX… Xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa lớn có sức lan tỏa, phấn đấu mỗi năm xây dựng được 1- 2 chuỗi giá trị sản phẩm. Chủ động tham mưu với UBND tỉnh bổ sung ít nhất 20 tỷ đồng vào vốn điều lệ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, nâng vốn điều lệ đạt mức trên 50 tỷ đồng.
Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn. Liên minh HTX tỉnh tăng cường “đoàn kết - hợp tác - năng động - sáng tạo - hội nhập - phát triển” góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể của tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn, chắc chắn hơn, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh quá trình CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn, thực hiện tốt mục tiêu “Tăng cường hỗ trợ, mở rộng liên kết, đẩy mạnh hợp tác vì sự phát triển của các thành viên” đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
 
Đặng Đức Thính, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh khóa IV