Thị xã Từ Sơn: Bảo đảm An toàn thực phẩm từ khâu sản xuất

05/07/2018 09:09 Số lượt xem: 1638
Những năm qua, công tác An toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những lĩnh vực được thị xã Từ Sơn luôn quan tâm nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Bảo đảm ATTP không chỉ trên bàn ăn mà quan trọng hơn là phải quản lý chất lượng từ khâu sản xuất để có thể tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn.

Ở thị xã Từ Sơn hiện nay mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp nhưng các hoạt động kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, ăn uống phát triển mạnh. Theo thống kê của ngành kinh tế, toàn Thị xã có 3.570 cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp và đa phần là các cơ sở nhỏ lẻ, có hàng nghìn hộ sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi ở các xã phường. Toàn Thị xã có 21 chợ, 5 siêu thị và hàng trăm cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp và công thương… Do vậy nếu không có biện pháp quản lý tốt các lĩnh vực này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất vệ sinh ATTP.

Từ thực trạng trên, phòng Kinh tế Thị xã đã tham mưu cho UBND Thị xã ban hành các văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác quản lý nhà nước về vệ sinh ATTP, phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản, kế hoạch triển khai tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường… Phòng phối hợp với Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tổ chức được 4 lớp tập huấn về ATTP lĩnh vực nông nghiệp cho hàng trăm cán bộ, nhân dân các xã, phường. Hàng năm phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh, thị xã kiểm tra công tác ATTP trên địa bàn. Đồng thời phân công 1 cán bộ chuyên phụ trách, theo dõi ATTP, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn duy trì vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, bán sản phẩm bảo đảm đúng quy định. Phối hợp với các xã, phường có kế hoạch chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa các trường hợp ngộ độc thực phẩm, nhất là các vụ ngộ độc tập thể do sử dụng các sản phẩm từ rượu. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng đối với công tác sản xuất, kinh doanh, chế biến sử dụng thực phẩm.

Theo tiêu chuẩn VietGAP của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam thì có 4 tiêu chí cơ bản để xác định mức độ an toàn thực phẩm. Trong đó tiêu chí về dư lượng Nitrat là quan trọng nhất, nguy hiểm nhất vì nếu chất này ngấm vào tế bào của rau quả, thịt tươi, hải sản… có thể trực tiếp gây ngộ độc, ung thư cho người sử dụng. Tiếp đến là các tiêu chí về hàm lượng thuốc trừ sâu, kháng sinh, hàm lượng kim loại nặng và vi sinh vật, ký sinh trùng gây bệnh…Vấn đề vệ sinh ATTP hiện nay trên thị trường đang ở mức báo động, nguyên nhân do từ ý thức của các nhà sản xuất, nhà cung cấp phân phối thực phẩm vì lợi nhuận mà bất chấp hậu quả, dùng thuốc trừ sâu chất bảo quản, thuốc kích thích, thức ăn gia súc gia cầm không đủ tiêu chuẩn một cách tràn lan. Việc quản lý, thanh kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, các chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế nên nhiều khi chính là người tiếp tay cho việc tiêu thụ các thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh ATTP.

Căn cứ vào các tiêu chí trên, trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, phòng Kinh tế Thị xã tổ chức cho các hộ chăn nuôi cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, các hộ kinh doanh thuốc thú y cam kết không bán thuốc ngoài danh mục được phép lưu hành. Khuyến khích các cơ sở áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Hiện Thị xã có 2 cơ sở áp dụng theo hướng này là Công ty Bắc Đẩu, phường Đồng Nguyên và cơ sở chăn nuôi gia cầm của ông Trần Văn Tường ở Trang Hạ.

Trên lĩnh vực trồng trọt, thị xã duy trì được 20 ha rau sản xuất theo hướng an toàn tại phường Tân Hồng, Trang Hạ, Đình Bảng. Có 8 kho lạnh bảo quản, 4 mô hình nhà lưới, nhà kính trồng rau hoa cây cảnh. Đặc biệt, 2 mô hình ứng dụng công nghệ cao là công ty Xanh Việt và mô hình sản xuất Lúa nếp cái hoa vàng của HTX dịch vụ nông nghiệp Đình Bảng với các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP…

Với mục tiêu cung cấp cho thị trường những sản phẩm thực phẩm sạch, thị xã Từ Sơn đã và đang tập trung thực hiện việc bảo đảm an toàn từ khâu nuôi trồng theo một quy trình từ nhân giống, trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản… Qua đó từng bước tạo cho người tiêu dùng thói quen sử dụng sản phẩm sạch và nói không với những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vì mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, cộng đồng xã hội.

Thu Thủy