Thị trường mỹ phẩm, khó khăn trong kiểm soát chất lượng

18/06/2018 08:58 Số lượt xem: 1851
Mỹ phẩm là mặt hàng được nhiều người ưa chuộng, sử dụng phổ biến hiện nay. Theo đó, thị trường mỹ phẩm cũng trở nên phong phú và đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu mọi đối tượng sử dụng. Tuy nhiên, thực tế dù đây là sản phẩm đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng, nhưng công tác kiểm soát chất lượng còn nhiều khó khăn.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra tại cửa hàng mỹ phẩm Thanh Nga (TP Bắc Ninh).

 

Mỹ phẩm được bày bán từ các siêu thị, trung tâm thương mại, shop đến chợ, các quầy thuốc tân dược, các cửa hàng tạp hóa với đủ loại: Sữa tắm, sữa rửa mặt, thuốc nhuộm tóc, kem bôi trắng da, son, phấn, chì kẻ mắt, mỹ phẩm làm mờ vết thâm, làm căng da, chống nắng, chống lão hóa, ngừa mụn… được giới thiệu là mỹ phẩm “xịn”, “hàng xách tay” của Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ,… Đáng nói, nhiều sản phẩm trong số đó không bao bì, nhãn mác, không phụ đề tiếng Việt, thậm chí không thấy ghi nơi sản xuất dù bằng tiếng nước ngoài. Mức giá cũng “thượng vàng hạ cám”, nhiều sản phẩm cùng loại giá chỉ bằng 1/3 - 1/5 giá sản phẩm chính hiệu.

Một số người bán mỹ phẩm cho biết: Thông thường chất lượng bao giờ cũng đi liền với giá cả. Để giới thiệu mỹ phẩm có nguồn gốc, chất lượng hay không tuỳ vào mức hiểu biết cũng như nhu cầu của người mua. Gặp người mua hiểu biết, người bán sẽ đưa ra những sản phẩm chuẩn. Nhưng với những người ít sử dụng hoặc muốn mua hàng giá rẻ, người bán đưa ra những mặt hàng nhái sản phẩm của các hãng. Về giá cả, riêng dòng sản phẩm cao cấp giá khá cao còn những sản phẩm nhái nhãn mác chủ yếu là phục vụ lứa tuổi học sinh, sinh viên, đối tượng chuộng hàng hiệu giá rẻ.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, so với trước kia, nhiều mỹ phẩm bày bán trên thị trường hiện nay đã có nguồn gốc xuất xứ. Những chuyển biến này là do trong nước có nhiều cơ sở đầu tư sản xuất mỹ phẩm; do xu hướng hội nhập kinh tế một số hãng mỹ phẩm nổi tiếng trên thế giới, đưa sản phẩm vào thị trường Việt Nam, trong đó có Bắc Ninh; Ngoài ra do công tác kiểm soát thị trường được tăng cường, từ năm 2017 đến nay lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp cùng các ngành chức năng bắt giữ và xử lý 7 vụ buôn bán, vận chuyển, tích trữ hàng mỹ phẩm lậu, giả, nhái thương hiệu; phạt hành chính và tiền tịch thu hàng hóa trị giá gần 300 triệu đồng. Trong đó bao gồm: Cao xoa bóp gần 200 lọ, kem dưỡng da 160 tuýp, sữa trắng da Whitenning 75 hộp, sữa rửa mặt các loại 33 lọ, phấn Cushion 140 hộp, bộ mỹ phẩm các loại 708 bộ…

Mặc dù vậy, trên thị trường vẫn xuất hiện nhiều loại mỹ phẩm giả. Bởi đây là mặt hàng kinh doanh không có điều kiện kèm theo. Các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm tại các chợ, các cơ sở thẩm mỹ viện, thậm chí những hộ kinh doanh nhỏ lẻ chỉ cần đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký kinh doanh dạng tạp hoá đều có thể bán cả mỹ phẩm. Do đó, số lượng cơ sở có bán mỹ phẩm trong tỉnh rất nhiều, trong khi lực lượng các cơ quan chức năng còn mỏng, khó kiểm soát hết được. Thêm vào đó, Việt Nam tham gia Hiệp định về hệ thống hoà hợp ASEAN trong quản lý mỹ phẩm nên muốn xem một mỹ phẩm có đạt chuẩn hay không lại phải mua mẫu chuẩn từ các nước, để làm 1 chỉ số xét nghiệm rất tốn kém…

Ông Vũ Mạnh Hải, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết: “Việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh bán lẻ mỹ phẩm trên thị trường chưa thực hiện thường xuyên do số lượng cơ sở nhiều, lực lượng có hạn. Thêm vào đó, khi cơ quan chức năng đi kiểm tra, chủ các quầy hàng thường thông báo cho nhau để nhanh chóng tẩu tán những sản phẩm không rõ nguồn gốc… Do vậy, ngành mới chỉ tập trung vào việc ngăn chặn, bắt giữ những vụ vận chuyển lớn”.

Để bảo đảm cho người tiêu dùng được tiếp cận với mỹ phẩm chất lượng, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu đề nghị các Bộ, Ngành Trung ương ban hành những chính sách quản lý mỹ phẩm phù hợp với thực tế tại các địa phương; có hình thức xử phạt nghiêm với những đối tượng buôn bán, vận chuyển vi phạm… Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần có thói quen lấy hoá đơn mua hàng để ràng buộc trách nhiệm của người bán; thận trọng trong việc lựa chọn mỹ phẩm và nên truy xuất nguồn gốc sản phẩm tránh thiệt hại liên quan đến sức khỏe khi sử dụng phải mỹ phẩm giả, kém chất lượng.

Quang Minh